(GLO)- Hôn nhân là việc hệ trọng trong cuộc đời của mỗi người. Tổ chức việc cưới phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội sẽ góp phần hoàn thiện nếp sống-phong tục của địa phương, rộng hơn là của dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn đó những nhiêu khê, đặc biệt là việc những đám cưới vẫn được coi là dịp để làm kinh tế, để thể hiện đẳng cấp, mối quan hệ xã hội… dẫn đến sự lãng phí, phiền nhiễu không đáng có.
Có còn sự thiêng liêng?
Đời người có một lần, đám cưới luôn là một sự kiện thiêng liêng trong cuộc đời mỗi con người. Chính vì thế, những cặp uyên ương luôn cố gắng vun vén cho mình một đám cưới ý nghĩa nhất. Nhưng, còn đó nhiều trường hợp, nhiều gia đình coi việc tổ chức đám cưới là cơ hội để phô trương thanh thế cũng như các mối quan hệ trong xã hội.
Đám cưới 1.200 khách tại Pleiku Place. Ảnh: Lê Ngọc |
Ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng bày tỏ: “Nhận thức của người dân về việc tổ chức đám cưới văn minh, chống lãng phí cũng đã được nâng cao rất nhiều, nhưng thực trạng mời tràn lan vẫn còn tồn tại gây sự lãng phí và phiền nhiễu cho xã hội”.
Ở TP. Pleiku, những đám cưới 1.000 khách, thậm chí 1.200 khách đã không còn xa lạ. Những nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn TP. Pleiku ngoài việc cạnh tranh về chất lượng thì việc quảng bá về số lượng khách cũng là “chiêu” câu khách. Chính lượng khách mời ngày càng lớn dẫn đến sự chạy đua giữa các trung tâm nhà hàng tiệc cưới này.
Một ngày cuối năm 2012, nhà hàng tiệc cưới Pleiku Place tổ chức một đám cưới của cặp uyên ương là con của hai vị quan chức, với số lượng khách mời lên tới 1.200 người. Hệ quả là khu vực đại sảnh đã không chứa nổi lượng khách này và đành sắp xếp bàn ra bên ngoài sảnh. Chính vì sự chật chội đó, những người đến đám cưới thường có tâm lý chung là đến cho có, bỏ phong bì, ăn tiệc nhanh để ra về. Chị N.T.L. (phường Đống Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều đám cưới thì thấy nhiều người đến đám cưới cho phải lệ, ai cũng muốn ăn xong nhanh để ra về, chứ thực sự không quan tâm lắm đến những gì diễn ra trên sân khấu”.
Ngoài ra, không ít người gặp bất ngờ vì những chiếc thiệp mời ở trên trời rơi xuống. Anh H.V.T. (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) tâm sự: “Tôi và người đó cũng mới chỉ gặp nhau một, hai lần với quan hệ công việc, xã giao bình thường. Nhưng khi người đó tổ chức đám cưới cho con thì gửi thiệp mời tôi khiến tôi bất ngờ lắm. Hỏi ra thì cũng không phải một mình tôi bất ngờ khi được nhận thiệp mời đó. Đi thì ngại vì đâu có thân thiết, nhưng người ta đã gửi thiệp mời mà không đi thì cũng kỳ lắm. Với những trường hợp như thế này thì tôi thường gửi phong bì chứ không trực tiếp đến dự”.
Con gà tức nhau tiếng gáy, đám cưới cũng là cơ hội để các gia đình so kè nhau. Mâm cỗ giá bao nhiêu, tổ chức ở đâu, uống bia gì, bao nhiêu xe ô tô rước dâu… cũng được xem là một thước đo để tự hào về đám cưới. Như vậy, đám cưới vô tình biến thành một thủ tục mà mất đi sự thiêng liêng cần có của nó.
Đám cưới thời kỹ thuật số
Đa số những đám cưới bây giờ đều đi vào một lối mòn, đó là kịch bản cho đám cưới đều do những nhà hàng tiệc cưới quyết định. Từ những tiết mục múa hát phần đa là nhộn nhạo, mang tính chất thủ tục chứ không thực sự ý nghĩa. Bên cạnh đó, những lời nói sẵn có, chỉ cần thay tên đổi họ là đã có thể được áp dụng với bất cứ một đám cưới nào, lặp đi lặp lại từ đám cưới này qua đám khác của người dẫn chương trình cũng mang lại không ít sự nhàm chán. Có trường hợp, người dẫn chương trình tự biên tự diễn quá đà khiến cô dâu, chú rể, các bậc phụ huynh lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười!
Xuất phát từ nhu cầu tổ chức một đám cưới mới lạ nhưng giữ được phần ý nghĩa, tại TP. Pleiku đã xuất hiện những đám cưới phá cách đầy ấn tượng dù chỉ là một điểm nhấn nhỏ. Đặc biệt là những đoạn clip ngắn được cắt ghép một cách ngộ nghĩnh, đáng yêu, hài hước liên quan đến lễ cưới của đôi uyên ương. Những slide show tổng hợp những hình ảnh, những kỷ niệm từ thuở ban đầu đến lúc kết duyên được trình chiếu trong lễ cưới cũng là một tình tiết mang nhiều ý nghĩa và được ưa chuộng; hoặc một đám cưới tập thể nhân một sự kiện nào đó cũng là một phương án tuy cũ nhưng vẫn luôn tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ ngọt ngào cho những cặp uyên ương.
Chị T.T.H-một chuyên gia trang điểm cô dâu tại TP. Pleiku tư vấn: “Vì đám cưới chỉ tổ chức một lần nên chắc chắn các cặp vợ chồng sẽ không có kinh nghiệm để chọn cho mình những phương án vừa hợp lý với túi tiền mà vẫn giữ được trọn vẹn ý nghĩa. Riêng việc chụp ảnh cưới, mình thấy nhiều cặp vẫn phụ thuộc quá nhiều vào kịch bản cũng như không gian mà thợ chụp ảnh sắp đặt, và chắc chắn nó sẽ bị lặp lại, nhàm chán. Trong khi các bạn hoàn toàn có thể tự chọn cho mình một kịch bản hoặc địa điểm nào đó thân thuộc, có ý nghĩa với cả hai, hoặc chụp theo kiểu phóng sự, như một câu chuyện tình của hai người.
Bên cạnh đó, các bạn cũng nên tìm hiểu kỹ các dịch vụ tổ chức đám cưới như chụp ảnh, cho thuê váy cưới… để tránh trường hợp bị bắt chẹt vì các dịch vụ này thường đẩy giá cao hơn so với chi phí bỏ ra”.
Chỉ những hành động nho nhỏ, giản dị nhưng đám cưới vẫn giữ được ý nghĩa trọn vẹn, vậy tại sao cứ phải phủ cái bóng hình thức hào nhoáng và để mất đi sự thiêng liêng đáng có của đời người?
Thu Huế-Lê Ngọc