(GLO)- Trong công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước, có một thế hệ thanh niên đã ra đi mãi mãi không về nhưng tên tuổi các anh sẽ mãi được khắc ghi. Trong tâm thức của mỗi chúng ta-những người ở lại, các anh đã làm nên chiến thắng bằng cả máu đổ trên chiến trường, tên của các anh đã thành tên đất nước; máu của các anh đã hòa vào mạch ngầm chảy mãi của non sông… Để rồi, theo năm tháng, đặc biệt là trong những ngày tháng 7 này, chúng ta lại có nhiều hơn những nghĩa cử trong niềm yêu thương, kính trọng và sự tri ân…
Cuộc kiếm tìm hơn 40 năm
Chúng tôi còn nhớ như in cuộc gặp gỡ với thân nhân gia đình liệt sĩ Trịnh Quang Được. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, trong một buổi trưa đầy nắng, bên những hàng bia mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính, câu chuyện giữa chúng tôi mỗi lúc một lắng sâu. Ông Trịnh Quang Duyên (nhà ở 51, Ngô Quyền, Hà Nội)-em trai của liệt sĩ Trịnh Quang Được cho biết: “Anh tôi nhập ngũ tháng 2-1964, đi B hồi tháng 1-1966, cấp bậc Binh nhất, là chiến sĩ thuộc đơn vị C8, D8, E88, F10; hy sinh ngày 9-8-1966 trong khi đang chiến đấu và được đồng đội an táng tại trận địa. Gia đình chúng tôi đã dồn công sức, lặn lội đi tìm, hỏi khắp nơi; đi tìm anh suốt mấy chục năm ròng mà chưa có kết quả”.
Ông Công và ông Duyên trong cuộc kiếm tìm mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, ngày 22-7-2012. Ảnh: Thu Huế |
Trong câu chuyện, chúng tôi được ông Phạm Huỳnh Công (nhà ở 48, ngõ 116, phố Yên Lạc, Hai Bà Trưng, Hà Nội)- em rể của liệt sĩ Trịnh Quang Được chia sẻ thêm những thông tin quý giá về liệt sĩ Trịnh Quang Được. Theo lời ông Công, liệt sĩ Trịnh Quang Được đi chiến đấu ở tuổi hai mươi, chưa có người yêu, không một tấm hình để lại; từ ngày đi B, gia đình không nhận được tin tức gì cho đến khi có báo tử. “Trong tất cả những giấy tờ liên quan của liệt sĩ, từ Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ giải phóng đến cả bức thư duy nhất mà anh tôi gửi cho mẹ trước lúc đi B nay đã cũ, nhàu nát không thể hiện anh Được thuộc đơn vị nào, địa danh chiến đấu, hy sinh ở đâu. Trong giấy báo tử chỉ vẻn vẹn cụm từ: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam” và gia đình thì chỉ nhớ, trong những năm đang còn chiến tranh, có người đồng đội anh Được ghé qua, cho biết địa điểm hy sinh tại Khâm Đức, hay Thượng Đức gì đó…”- ông Công nói.
Lần theo những thông tin này, trong nhiều năm ròng, gia đình ông Duyên và ông Công viết thư đi hỏi các cơ quan chức năng của các địa phương có địa danh có từ… Đức, gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi nhưng không có kết quả. Cuối năm 2010, ông Công quyết định tìm đến Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng và có được thông tin: Liệt sĩ Trịnh Quang Được là chiến sĩ thuộc đơn vị C8, D8, E88, F10; đã hy sinh ngày 9-6-1966, tại đồn Đức Vinh, tỉnh Gia Lai. Sau rất nhiều sự chắp nối thông tin với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai và Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 thì gia đình ông Công nhận định, nơi liệt sĩ Trịnh Quang Được hy sinh là tại đồn Đức Vinh, huyện Đức Cơ; còn phần mộ chưa rõ là ở nghĩa trang hay đang nằm đâu đó tại khu vực đồn Đức Vinh; vì vậy gia đình quyết định đi Gia Lai tìm kiếm.
“Anh em tôi đã đến khu vực đồn Đức Vinh (địa phận thuộc xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) nhưng không có kết quả. Trận địa pháo mặt đất của Mỹ bố trí trên đồi cao, dùng để khống chế ta ở khu vực biên giới Campuchia năm nào nay đã được trồng cao su xanh tốt ngút ngàn. Vì vậy chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ tìm kiếm, nhưng trong bạt ngàn bia mộ liệt sĩ có tên và chưa xác định được danh tính, đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thể tìm được nơi anh Được an nghỉ”-ông Duyên giọng buồn buồn nói với chúng tôi.
Khi cùng chúng tôi thắp nhang lên từng mộ, hai anh em ông Duyên và ông Công thường dừng rất lâu trước những phần mộ chưa xác định được danh tính, miệng rì rầm điều gì không rõ, sau cùng, ông Công mở nắp một chai rượu đặt giữa khu mộ, rồi nôm na khấn, đại ý cầu mong các liệt sĩ hãy chỉ giúp để gia đình tìm được phần mộ của liệt sĩ Trịnh Quang Được. Lời ông Công khiến không gian Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ buổi ấy như đặc sánh lại, diết da. Tôi, cố giấu sự xúc động của mình bằng cách đưa mắt nhìn lên trời cao, ở đấy, đang có nắng rất vàng và gió rất trong. Thốt nhiên, ở ngay chính phần mộ mà ông Công đứng khấn, những thẻ nhang được thắp bỗng cháy dữ dội; đến độ ông Duyên buột miệng mà rằng: “Hay là anh Được nằm đây!”.
Những giọt nước mắt của niềm vui
Không từ bỏ niềm hy vọng, qua sự giới thiệu của nhiều người, gia đình ông Duyên tìm đến một nhà ngoại cảm và cung cấp đầy đủ thông tin về liệt sĩ Trịnh Quang Được. Theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, sáng 22-8-2012, ông Công và ông Duyên lại vào Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Sau khi đã làm đầy đủ, tỉ mỉ những thủ tục về tâm linh, ông Công và ông Duyên cẩn trọng đi đến từng phần mộ liệt sĩ, mong tìm được một điểm giống với sự mô tả của nhà ngoại cảm; tuy nhiên, kết quả lại không như mong muốn.
Sau một hồi suy tính, hai ông lại tìm đến ngôi mộ có bó nhang cháy lớn trong lần kiếm tìm trước đặt hoa, thắp nhang và cầu khấn; đồng thời liên hệ với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ xin thủ tục mở mộ, lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN, theo đúng quy định của Nhà nước trong việc xác định danh tính liệt sĩ trong trường hợp chưa rõ.
“May mắn là chúng tôi có được sự đồng ý của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Đức Cơ, vì vậy mọi việc diễn ra rất thuận lợi. Theo lời khuyên của một người bạn là bác sĩ, chúng tôi có thể tìm chiếc răng nanh là tốt nhất; nếu không thì lấy một mẩu xương đùi- ông Duyên chia sẻ-Rất lạ là, khi mở gói hài cốt ra, cạnh đôi đế giấy bộ đội bằng cao su thời những năm 60 của thế kỷ trước, chúng tôi thấy ngay chiếc răng nanh nằm trên, trong khi xương đầu của liệt sĩ đã bị vỡ nát. Tôi lấy tờ giấy ăn khô gói chiếc răng, cho vào chiếc hộp nhựa đựng huân chương của anh Được, bọc tiếp lần giấy khô ngoài hộp, nịt dây thun chặt chẽ, mang về”.
Xung quanh câu chuyện này, ông Công đã nhiều lần trao đổi cùng tôi qua điện thoại. Ông Công cho hay, khi về Hà Nội và cho đến khi mang mẫu sinh phẩm đến Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, gia đình ông vẫn không nguôi niềm hy vọng có thể tìm được hài cốt của anh mình. “Bẵng đi một thời gian, đến một ngày giáp Tết Quý Tỵ, tôi nhận được điện thoại từ một cán bộ Cục Người có công cho hay, mẫu sinh phẩm đã được xác định đúng là liệt sĩ Trịnh Quang Được.
Nhận được tin này, gia đình tôi ai cũng xúc động, mấy anh em cứ thế nhìn nhau, cười đấy mà nước mắt lăn dài trên má. Tôi cho rằng, đối với những gia đình có thân nhân là liệt sĩ hiện vẫn chưa tìm thấy hương hài các anh, nếu chúng ta không từ bỏ hy vọng, vẫn dành thời gian kiếm tìm, biết đâu sẽ có một ngày, sẽ có được những giọt nước mắt của niềm vui như gia đình chúng tôi”- ông Công nói trong niềm xúc động.
Thu Huế-Phương Linh