Bài 1: Thành phố bên hồ Tonlé Sap

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là Siem Reap- thành phố nằm ở phía Tây Bắc Campuchia, bên bờ hồ Tonlé Sap. Lâu nay mỗi khi nhắc đến Siem Reap người ta thường nghĩ đến quần thể kiến trúc Ăng Co, di sản văn hóa thế giới mà vô tình quên đi dáng vẻ xinh đẹp của thành phố nổi tiếng này.
Từ nhiều thế kỷ trước, Siem Reap bị quân Thái Lan (Xiêm) chiếm đóng, mãi đến thế kỷ thứ XVII đế quốc Khmer dưới sự lãnh đạo của vua Ayutthaya đã đánh thắng quân Thái giành lại lãnh thổ nên tên Siem Reap có nghĩa là “người Xiêm bị đánh bại”. Rồi đến thời Khmer đỏ, lại một lần nữa thành phố điêu tàn trong thảm họa diệt chủng cho đến những năm gần đây mới được đầu tư xây dựng và nay Siem Reap là một đô thị năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ được những đường nét kiến trúc đặc thù của người Khmer.
Cửa vào Ăng Co Vat. Ảnh: T.P
Cửa vào Ăngkor Wat. Ảnh: T.P
Nếu đi từ Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh (Việt Nam) theo đường bộ, mất hơn 6 giờ xe chạy chúng ta sẽ đến Siem Reap. Bước vào thành phố du khách như lạc vào một công viên cây xanh khổng lồ với hàng ngàn cổ thụ tỏa rợp bóng mát trên khắp các con phố lớn nhỏ. Có lẽ khi xây dựng thành phố, người ta đã phóng các con đường chạy giữa rừng già nên vẫn còn những cây cổ thụ trên 300 năm tuổi vững chãi đứng làm chứng nhân cho thời gian. Những cây bằng lăng, kơ nia, dầu, sao xanh, hương... đường kính vài người ôm như muốn chạy lướt theo xe níu ta dừng lại để tận hưởng cảm giác mát rượi dưới bóng cây, tận hưởng không khí trong lành của đất trời. Những đường phố rộng ba bốn làn xe, trải nhựa phẳng lì chạy dưới nhiều tầng lá, sâu hun hút. Siem Reap là thành phố xanh và màu xanh cứ mải theo chân du khách đến tận quần thể kiến trúc Angkor. Cả một chặng đường dài hơn 10 km từ trung tâm thành phố đến Angkor Thom rồi sang Angkor Wat, sang cả đền Ta Prom hay đồi Ba Kheng cũng một màu xanh ấy.
Đường vào Ăng Co Thom. Ảnh: T.P
Đường vào Ăngkor Thom. Ảnh: T.P
Gần đây, thành phố Siem Reap cũng phát triển với tốc độ chóng mặt với hơn 200.000 dân, sân bay quốc tế Angkor nối Siem Reap với nhiều thành phố lớn trong khu vực cùng những công trình kiến trúc mọc lên như nấm, trong đó có gần 300 khách sạn quốc tế quy mô 4-5 sao, mỗi năm đón xấp xỉ 2 triệu lượt du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Giá đất tăng vọt, từ vài trăm USD/m2 lên 2.000-3.000 USD/m2. Nhiều người dân nghèo ở Siem Reap bỗng chốc trở thành triệu phú sau khi bán đi vài ba trăm mét vuông đất, thu về bạc triệu, xây một ngôi nhà chừng bảy tám chục ngàn USD, số tiền còn lại sắm xe ô tô chở khách hoặc mở nhà hàng.
Tác giả trước Ăng Co Thom. Ảnh: T.P
Tác giả trước Ăngkor Thom. 
Anh hướng dẫn viên du lịch người Campuchia tên Sam Yin làm việc cho Công ty Du lịch Việt Cam- Chi nhánh Siem Reap kể với chúng tôi rằng, anh phải thuê căn hộ nhỏ mặt tiền ở một con đường không phải phố chính cho vợ bán hàng điểm tâm mà đã mất đến 1.200 USD/tháng. “Nhưng sau khi thanh toán mọi thứ, cửa hàng cũng thu về mỗi tháng chừng ấy tiền”- Yin tâm sự. Vợ anh người Việt Nam quê ở Cà Mau, gia đình lên đây đã hai đời, chị nói tiếng Khmer như người Cam. Vợ chồng anh cũng đã hai lần về thăm quê, “thăm vậy thôi chứ hầu như bà con không còn ai ở đó cả!”.
Các nhà lãnh đạo địa phương cũng rất thức thời trong vấn đề sử dụng quỹ đất của mình. Để lấy mặt bằng tại khu trung tâm thành phố cho các đơn vị thuê dài hạn, chính quyền nơi đây đã quyết định dời trụ sở của nhiều cơ quan như trụ sở Đảng Nhân dân Campuchia tại Siem Reap, cơ quan quân đội… ra khu vực ngoại thành cùng với việc triển khai quy hoạch mới các khu dân cư, khu nhà làm việc. Bên cạnh đó nhằm bảo vệ sự hài hòa giữa kiến trúc thành phố với kiến trúc Angkor, chính quyền Siem Reap không cho phép công trình nào xây dựng cao quá 4 tầng. Mỗi công trình tuy mang một dáng vẻ, kể cả các khách sạn trong khu phố Tây cũng đều có một điểm nhấn chung, đó là những mái ngói nhiều tầng, nhiều gian, những bức phù điêu vũ nữ Apsara hay những pho tượng mang đậm truyền thuyết dân gian Khmer cổ… Và không chỉ xuất hiện ở Angkor, trên khắp đất nước Campuchia cũng như dạo phố Siem Reap, du khách luôn gặp hình tượng rắn Naga 7 đầu trên các thành cầu, cống, các bức tường chắn công viên, hoa viên tạo thành nét kiến trúc văn hóa đặc sắc rất riêng của xứ sở Chùa Tháp.
Một khách sạn ở Siem Reap. Ảnh: T.P
Một khách sạn ở Siem Reap. Ảnh: T.P
Đi trong lòng thành phố dưới chút nắng mùa thu xuyên qua nhiều tầng lá cây, đón những làn gió mát từ hồ Tonlé Sap thổi về, chúng ta mới cảm nhận hết được sự ưu ái mà thiên nhiên dành tặng cho thành phố trẻ trung tươi đẹp này. Qua rồi những năm tháng đau thương, bây giờ ngày cũng như đêm, Siem Reap luôn dang rộng vòng tay đón du khách từ mọi miền đất nước đến đây để khám phá, chiêm nghiệm một lẽ sống nào đó trong cõi nhân gian…
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.