(GLO)- Hệ quả của hiện tượng El Nino năm 2015 kéo dài đến mùa khô 2016 với cường độ mạnh giống thời điểm kỷ lục năm 1997-1998 làm vùng đất Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đối diện với hạn hán nghiêm trọng. Lượng mưa khu vực Bắc Tây Nguyên chỉ bằng 50-60% so với nhiều năm lại chịu tác động nắng nóng làm nguồn nước ngầm, nước mặt suy giảm khiến hạn hán trở nên khốc liệt.
Ruộng khô, vườn héo
Ông Hiếu ở thôn 5, xã Kông Yang (huyện Kông Chro) phải bắc máy bơm tưới cho rẫy mì. Ảnh: Lê Hòa |
Hạn hán, thiếu nước tưới đang là nỗi lo bao phủ khắp cánh đồng ở các huyện phía Đông tỉnh. Chưa bao giờ người dân ở huyện Kông Chro phải dùng nước để cứu cây mì non khỏi bị chết vì hạn. Ông Hiếu (ở thôn 5, xã Kông Yang) phải thốt lên: “Năm nay, thiệt khổ hết biết. Từ trước Tết Bính Thân đến nay, cứ cách một tuần, cả nhà tôi phải kéo máy bơm nước tưới cho rẫy mì một lần nếu không những cây mì đã mọc 4-5 tầng lá sẽ chết rụi vì nắng nóng. Cũng may, nhà tôi có sẵn hồ nước chứ các nhà lân cận không có nguồn nước tưới, rẫy mì đã có vạt bị chết”. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro, vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn huyện trồng 508 ha mì cao sản. Phần lớn diện tích mì trên đang ở giai đoạn phát triển 5-6 tầng lá nhưng do khô hạn nên có nguy cơ giảm năng suất và có thể bị chết.
Mì được coi là cây trồng chịu hạn vẫn bị chết do nắng nóng thì cây mía, lúa nước, rau màu trên vùng đất phía Đông tỉnh nói riêng, cả tỉnh nói chung càng xác xơ hơn trong cơn đại hạn. Nhìn ruộng lúa 1 sào đang thời kỳ đẻ nhánh bằng ánh mắt xót xa, chị Đinh Thị HLiă (làng Dơng, thị trấn Kông Chro) nói: “Nhà mình có 2 sào đất trồng lúa nhưng chỉ dám trồng 1 sào ở phía thấp thôi. Giờ cỏ cũng không sống nổi nữa thì năm nay không có lúa để thu rồi”.
Tương tự, sự được-mất của gần 220 ha lúa đang thời kỳ đẻ nhánh bị thiếu nước của nông dân huyện Đak Đoa cũng phụ thuộc vào thời tiết. Trong đó xã Ia Băng có diện tích bị hạn cao nhất tính đến thời điểm này với 97,2 ha tập trung tại cánh đồng Ia Hét, Ia Ó, Ia Do, Ia Klai, Ia Không... đã hằn vết nứt chân chim, lúa cháy vàng nhưng không còn nguồn nước bơm dẫn vào ruộng cứu lúa. Những đồng lúa mênh mông giờ trở thành nơi cho bò thong dong đi lại. Ông Jech (thôn Ia Hét, xã Ia Băng) cho rằng, 3 sào lúa của ông coi như mất trắng, thiếu ăn chắc chắn xảy ra. Còn tại “chảo lửa” Krông Pa, dự báo diện tích có thể bị hạn là 446 ha. Trong đó lúa nước chiếm 406 ha. Cá biệt, vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Hdreh có gần 345 ha lúa nước bị ảnh hưởng.
Trắng đêm chờ nước
Nhiều ao, hồ trên địa bàn huyện Ia Pa đã trơ đáy. Ảnh: Minh Triều |
Dạo quanh các vùng chuyên canh cây cà phê, hồ tiêu trên địa bàn các huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê, Ia Grai, Chư Pah… dưới tiết trời nắng nóng mới cám cảnh hết nỗi khó nhọc của nông dân. Theo nhiều nông dân trồng cà phê, với thời tiết như hiện nay phải tưới cho cây cà phê 2-3 đợt nữa, nhưng nguồn nước đã cạn kiệt thì chắc chắn cà phê năm nay khó ra hoa và kết trái đều, phát triển kém. Cũng bởi hàng trăm ha cà phê đang ngắc ngoải cần được tiếp nước, người dân thôn 7 và 8, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông đang đứng ngồi không yên. Hơn 1 tuần nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng phải thay phiên nhau túc trực cả đêm chờ lấy nước tưới 1 ha cà phê. Vì không trực chờ thì không có nước, vườn cà phê sẽ chết cháy, nhưng chờ đã hơn 10 ngày mà bơm tưới vẫn chưa xong. Vừa dựng lều làm điểm tránh nắng, né sương trong lúc chờ nước tưới 1 ha cà phê, anh Rơ Châm Cáo (làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết, dùng máy nổ để hút nước dưới suối chỉ được hơn 1 giờ là hết nước, phải chờ nước mạch ra lại tưới tiếp. Quanh con suối này có hàng trăm ha cà phê, song với tình trạng con suối đang ngày càng khô cạn như thế này biết lấy đâu đủ nước để tưới.
Mực nước trên các sông, suối ở Gia Lai trong tháng 3-2016 so với cùng kỳ năm trước ở mức thấp hơn 0,1-0,4 mét; so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ ở mức thấp hơn 0,3-0,6 mét. Thời tiết Gia Lai trong tháng 3 và tháng 4-2016 khả năng sẽ ít mưa hơn. Vào tháng 4 và đầu tháng 5-2016 sẽ có một số trận mưa rào vào chiều tối và đêm, tình trạng khô hạn bớt gay gắt ở một số nơi, tuy nhiên khô hạn vẫn phổ biến trên diện rộng. Trong điều kiện thời tiết-thủy văn như trên, áp dụng Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét công bố hạn hán trên địa bàn tỉnh ở cấp độ 1. (Nguồn: Đài Khí tượng |
Nỗi lo nhân lên trên nét mặt của những nông dân ở “thủ phủ” hồ tiêu Chư Pưh khi nắng nóng như đổ lửa tiếp tục ập xuống vườn tiêu đang héo úa. Bằng giọng chua chát, anh Lê Văn Phương (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) nửa đùa, nửa thật nói: “Giờ nước không có để tưới thì tiêu chỉ có chết thôi. Người dân ở đây chuẩn bị nhổ trụ tiêu đi bán hết rồi. Chưa năm nào khu vực này hạn nặng đến vậy. Cây hồ tiêu, cà phê không có nước tưới khiến nhiều hộ không có Tết, có nhà đón Giao thừa trên rẫy, mùng 2 Tết đã ra đồng chờ nước”. Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết trên địa bàn huyện đã có hàng ngàn ha cà phê, hồ tiêu bị thiếu nước trầm trọng, nguy cơ cà phê, hồ tiêu bị chết là rất cao.
Đồng khô, cây trồng rũ lá theo tiết trời nắng nóng xuất hiện ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh với mức độ nặng-nhẹ khác nhau cho thấy tác động khốc liệt của mùa khô hạn vào kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến thời điểm này đã có 3.026,5 ha cây trồng ngắn và dài ngày bị hạn, tập trung các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Kbang, Ia Pa, trong đó có 115 ha lúa tại huyện Chư Sê bị mất trắng. Diện tích cây trồng bị hạn, mức độ hạn, vùng hạn sẽ không dừng lại ở con số và quy mô hiện nay khi dự báo thời tiết trong thời gian tới vẫn tiếp tục nắng nóng; nguồn nước từ sông, suối, ao hồ, đập sẽ còn sụt giảm nghiêm trọng hơn. Tại cuộc họp triển khai công tác phòng-chống hạn, phòng-chống cháy rừng, phòng-chống thiên tai và bão lũ năm 2016 do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chủ trì mới đây, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT dự báo thời gian tới sẽ có thêm 1.940 ha cây trồng nữa bị hạn; trong đó có khoảng 460 ha lúa có khả năng mất trắng nếu thời tiết vấn nắng.
Nhóm phóng viên Kinh tế