(GLO)- Những năm qua, nhất là giai đoạn 2006 đến nay, Trung ương, địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông).
Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai- ông Phan Trung Tường khẳng định: Nhịp sống Ia O-xã vùng sâu của huyện Ia Grai bây giờ sôi động nhờ hệ thống giao thông từ trung tâm huyện đến xã được nhựa hóa tăng sức lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Người dân Ia O mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, hình thành vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su…, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện không ngừng.
Hành trình khởi sắc của xã Ia O nói riêng, các xã còn lại của huyện Ia Grai nói chung có tác động rất lớn từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương đầu tư cho tam nông.
Hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. |
Chung nhìn nhận với ông Tường, lãnh đạo các địa phương thừa nhận nguồn lực đầu tư cho tam nông là tiền đề giúp địa phương chủ động bố trí vốn đầu tư, nhất là đầu tư các dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Trọng-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: Từ nguồn vốn đầu tư công, huyện đã xây dựng 152 mô hình trình diễn, chuyển giao giống mới, khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nông dân như: Lúa nước, cao su, cà phê, tiêu, rau màu; xây dựng mô hình nuôi bò, heo, nhím, ủ phân hữu cơ vi sinh; mở rộng diện tích cây trồng giá trị kinh tế cao như: Cao su, hồ tiêu, cà phê, nguyên liệu giấy… Nhờ vậy, diện tích gieo trồng toàn huyện hiện nay đạt 18.098 ha, tăng 127 ha so với năm 2008; đặc biệt diện tích cao su đạt 3.684 ha, tăng 1.350 ha so với năm 2008.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng cây trồng chuyên canh gắn với nhu cầu thị trường… đang được các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt. Khởi nguồn quy trình thực hiện phần việc trên một phần xuất phát từ chính sách đầu tư công thúc đẩy nông nghiệp phát triển; nhất là đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi từng bước khắc phục tình trạng thiếu nước tưới cục bộ tại một số địa phương, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển bền vững. Chỉ tính từ năm 2008 đến 2011, Nhà nước đã đầu tư 630,918 tỷ đồng xây dựng 43 công trình thủy lợi, năng lực tưới đạt 2.550 ha.
Một số công trình quy mô lớn như hồ chứa Ia Mláh và hợp phần Plei Pai-Ia Lốp năng lực tưới thiết kế 6.600 ha. Vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, các công trình thủy lợi đã tưới cho 24.600 ha lúa nước, 14.482 ha rau màu và cây công nghiệp. Việc đầu tư xây dựng mới 43 công trình thủy lợi nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh lên 313 công trình, năng lực tưới thiết kế 48.384 ha lúa nước và cây trồng các loại.
Cũng từ năm 2006 đến nay, nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn vốn khác đầu tư 604,928 tỷ đồng thực hiện các chương trình lâm nghiệp; xây dựng cơ sở nghiên cứu, nhân rộng giống cây trồng vật nuôi; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; thực hiện chương trình khuyến nông; chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; hợp phần hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 và nhiều chương trình đầu tư công khác. Thông qua các chương trình đầu tư, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, nhất là một số cây trồng có lợi thế cạnh tranh với thị trường như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, lúa, bắp lai; định hình vùng chuyên canh cây trồng gắn với hoạt động chế biến nông-lâm sản đẩy giá trị chế biến trên lĩnh vực này tăng trưởng hàng năm; góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 đạt 6,7%; riêng năm 2011 tốc độ tăng trưởng đạt 6,8%.
Thu nhập của nông dân không ngừng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 còn 10,8%, giảm 16,42% so với năm 2006. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 23,7%.
Nguồn lực đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp kết hợp với các chương trình đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở từ chính sách đầu tư công là tác nhân làm nên diện mạo mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn khởi sắc. Khẳng định như thế là vì sản xuất nông nghiệp-nguồn thu nhập chính của nông dân mang lại giá trị lợi nhuận cao, nông dân “tích tụ” được vốn và “bung” ra đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm vật dụng, mở cơ sở kinh doanh theo tiến trình Nhà nước đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở vùng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nước sạch vệ sinh môi trường, chợ nông thôn, hỗ trợ làm nhà cho người nghèo, chính sách cho người nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Hiện thực ấy nâng vị thế nông thôn bây giờ thành vùng đất hứa thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ chế chế biến, thu mua nông sản, đặt tiền đề cho kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Nhóm P.V Nông nghiệp
Tổng vốn đầu tư cho toàn tỉnh giai đoạn 2006-2011 trên 51.240 tỷ đồng, trong đó đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn gần 32 ngàn tỷ đồng. Trong tổng số vốn đầu tư cho “tam nông” thì vốn huy động, phân bổ cho đầu tư công 4.597 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng nhà nước 27.396 tỷ đồng. Đầu tư công cho “tam nông” tập trung 8 hạng mục: Xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội nông nghiệp, nông thôn; đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội cho các nhóm đối tượng chính sách; đầu tư đảm bảo an ninh trật tự; đầu tư cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp; đầu tư thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đầu tư nâng cao năng lực phòng-chống, giảm nhẹ thiên tai, thực hiện các biện pháp thủy lợi và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và đầu tư khác. (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư) |