(GLO)- Sau gần 40 năm bước ra khỏi cuộc chiến, diện mạo đô thị Pleiku đã có nhiều bước chuyển mình. Năm 2009, Pleiku đã được công nhận là đô thị loại II, và đang phấn đấu năm 2020 trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Tồn tại nhiều bất cập
Đó là ý kiến chung của nhiều người, trong đó có người dân, nhà chuyên môn và thậm chí ngay cả những nhà quản lý trong lĩnh vực liên quan tới xây dựng đô thị.
Ông Lê Vinh-Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, chia sẻ rằng: Hiện tại, đô thị Pleiku đang tồn tại nhiều bất cập, hạ tầng chưa hoàn chỉnh: vỉa hè, cây xanh, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt (mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu người dân), đường dây điện, đèn chiếu sáng, giao thông, chợ, khu vui chơi giải trí, các hoa viên, cây cảnh, bến bãi đỗ xe… cho tới không gian kiến trúc các cơ quan công sở, nhà dân đều thể hiện rõ sự lai tạp, chưa ổn định. Cũng theo ông Vinh, một trong những nguyên nhân khiến vẻ đẹp tự nhiên đặc trưng của đô thị Pleiku đang ngày càng bị “làm mờ” đi chính là bởi sự can thiệp quá sâu và thiếu khoa học của con người trong quá trình xây dựng.
Ngã ba cửa ngõ thành phố với nhiều luồng ý kiến trái chiều về tính thẩm mỹ của nó... Ảnh: Lê Hòa |
Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà-hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định: Chúng ta chưa xây dựng được hình ảnh đô thị đặc trưng với cảnh quan, điểm nhấn, các công trình tạo dấu ấn. Pleiku sở hữu rất nhiều yếu tố đặc trựng tự nhiên tạo nên điểm nhấn cho một đô thị Phố núi như đô thị “mắc võng”, đồi thông, Biển Hổ, núi Hàm Rồng… Hơn nữa, Pleiku vốn nguyên thủy là các làng bà con người đồng bào Jrai sinh sống, vậy nhưng các làng trong địa bàn thành phố bây giờ đã dần bị phá vỡ và có nguy cơ biến mất trước cơn lốc đô thị hóa quá nhanh và khó kiểm soát. Điều đó cũng đồng nghĩa, Pleiku đang dần mất đi yếu tố bản sắc của một đô thị Tây Nguyên. “TP. Pleiku hiện còn khoảng 43 làng, trong đó có 20 làng trong khu vực nội thành, muốn giữ được bản sắc cho thành phố, phải giữ được các ngôi làng này”-kiến trúc sư Hà nêu quan điểm.
Đến nay, TP. Pleiku đã đạt 25/35 tiêu chí đô thị loại II (so với đầu nhiệm kỳ tăng 10 tiêu chí) và đạt 19/35 tiêu chí đô thị loại I. |
Về mặt kiến trúc, rất khó tìm được một “mẫu số chung” nào đó về mặt kiến trúc trong xây dựng hiện nay ở đô thị Pleiku. Mỗi người một ý, mỗi nhà một kiểu, thậm chí có những kiểu hoàn toàn không phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, cả về thẩm mỹ và tính tương thích với đặc trưng khí hậu, địa hình… “Kiểu kiến trúc phù hợp nhất với Pleiku là nhà mái dốc, nhà có vườn cây, đường phố mắc võng… Vậy nhưng, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp hàng trăm hàng ngàn ngôi nhà với kiến trúc lai tạp, có thể thấy ở bất kỳ vùng miền nào khác và hoàn toàn không phù hợp với Tây Nguyên”-kiến trúc sư Hà nêu quan điểm.
Hơn 30 năm gắn bó với Tây Nguyên, nhà thơ Văn Công Hùng chia sẻ rằng, ông tiếc cho Pleiku vì quá nhiều cái đã mất. “Pleiku có 3 thứ đặc sản đó là những đồi dốc, sương và những hàng thông cổ thụ. Cả ba thứ ấy khiến Pleiku không lẫn vào đâu giờ cơ bản đã mất”-nhà thơ Văn Công Hùng, chia sẻ. Ông nhấn mạnh rằng, nhiều con đường trước đây có những hàng thông cổ thụ rất đẹp, vậy nhưng quá trình mở rộng đường đã xóa xổ đi mất những “đặc sản” đáng quý ấy.
Tuyến đường Nguyễn Tất Thành-tuyến đường hiện được đánh giá là được đầu tư bài bản bậc nhất thành phố song vẫn còn không ít những hạt sạn kiến trúc. Ảnh: Lê Hòa |
Một đô thị thiếu dấu ấn tức là không xây dựng được nét riêng, đó có thể là những đặc trưng mang đậm nét tính cách, văn hóa của địa phương. Đô thị Pleiku dường như vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng biệt, những điểm nhấn có hồn có chất của một đô thị cao nguyên với những nét riêng, vẻ đẹp riêng mà thiên nhiên ban tặng. Mới đây nhất, chúng ta đã xây dựng thành công công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Đây là công trình được giới chuyên môn, các nhà văn hóa đánh giá cao. Hiện tại, công trình này cũng là điểm nhấn nổi bật nhất của TP. Pleiku.
Đâu là nguyên nhân?
Năm 2004, Bộ Xây dựng đã lập quy hoạch đô thị TP. Pleiku. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng ở quy hoạch chung (quy hoạch tổng thể), chưa xây dựng được quy hoạch phân khu cũng như quy hoạch chi tiết. Không những thế, theo luật quy hoạch đô thị thì, 5 năm một lần thành phố sẽ phải tổ chức rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch đô thị. Điều này chúng ta càng chưa làm được.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhìn chung, sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, đô thị Pleiku về cơ bản vẫn đảm bảo phát triển theo đúng quy hoạch, không có sự phá vỡ ngoài việc điều chỉnh cục bộ một số khu vực nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy hoạch chung. Tuy nhiên, việc thiếu quy hoạch phân khu cũng như quy hoạch chi tiết đã khiến cho việc phát triển đô thị rơi vào tình trạng mò mẫm, thiếu định hướng sâu sát và tất nhiên, sự lúng túng trong việc định hướng phát triển đô thị theo một hướng cấu trúc nhất định cũng như sự phát triển bền vững, tạo dấu ấn, tính thẩm mỹ đô thị sẽ vấp phải rất nhiều hạn chế.
Quảng trường Đại Đoàn Kết-điểm nhấn nổi bật nhất của Phố núi Pleiku. Ảnh: Lê Hòa |
Bên cạnh đó, về mặt thiết kế đô thị, cụ thể là việc xây dựng hình ảnh đô thị đặc trưng với cảnh quan, điểm nhấn, công trình tạo dấu ấn… chúng ta chưa làm được. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến đô thị Pleiku dường như chưa tạo được dấu ấn cho riêng mình. Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà nhận định: “Pleiku chưa có thiết kế đô thị, thậm chí là ý tưởng thiết kế đô thị phù hợp với đặc trưng đô thị Phố núi, mà chưa có được điều này thì sẽ rất khó xây dựng cũng như tìm được một định hướng phát triển; sự pha tạp, thiếu thống nhất trong kiến trúc đô thị là điều khó tránh”.
Năm 2009, TP. Pleiku được công nhận là đô thị loại II, mục tiêu phấn đấu của chúng ta đến năm 2020 sẽ xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, quyết tâm là vậy song khó khăn vẫn không ít. Ông Võ Phúc Ánh-Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku, chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Trung bình mỗi năm, thành phố được đầu tư khoảng trên dưới 100 tỷ đồng cho công tác chỉnh trang, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị. Đây là con số còn quá nhỏ so với nhu cầu, vậy nên, sự manh mún, thiếu đồng bộ, phải ưu tiên chỗ nọ, cắt giảm chỗ kia là điều khó tránh”.
Lê Hòa-Hà Duy