(GLO)- Trước tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông ngày một gia tăng, việc tổ chức xe ô tô đưa đón học sinh được nhiều người cho là giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế vấn nạn đó. Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai cũng đã và đang khuyến khích nhân rộng mô hình này tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, và bước đầu nhận được những đánh giá khả quan.
Hiện nay, phần lớn các trường trên địa bàn TP. Pleiku đều tổ chức xe ô tô đưa đón học sinh. Trong đó, Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh và Trường THPT Pleiku là 2 trường thực hiện tốt và hiệu quả nhất. Tại một số huyện, mô hình này cũng được thực hiện từ nhiều năm nay như: Trường THPT Trần Phú (Chư Prông), Trường THPT Ialy (Chư Pah), Trường THPT Phạm Văn Đồng (Ia Grai), Trường THPT Trường Chinh (Chư Sê)...
Trường THPT Pleiku đã thực hiện mô hình xe đưa đón học sinh hơn 10 năm với 6 đầu xe. Ảnh: Hồng Thi |
Ông Nguyễn Duy Dũng- Phó trưởng phòng Phổ thông trung học, Sở Giáo dục-Đào tạo- cho biết: “Trước đó, vào năm 2010, Sở Giáo dục-Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo xuống các trường học trong toàn tỉnh về việc khuyến khích thực hiện xe ô tô đưa đón học sinh để hạn chế tình trạng học sinh đi xe gắn máy phân khối lớn đến trường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, đồng thời cũng giảm thiểu lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường nhất là vào giờ cao điểm. Đến giờ, hầu như các trường đều thực hiện tốt mô hình này, chưa có trường nào gửi văn bản báo cáo sai phạm hay bất cứ vấn đề gì”.
Trường THPT Pleiku đã thực hiện mô hình xe ô tô đưa đón học sinh hơn 10 năm nay, từ những ngày thành lập trường với 6 đầu xe. Năm nay, trường tổ chức thêm 1 xe dành riêng đưa đón 24 học sinh ở Đak Đoa theo học lớp tạo nguồn dân tộc thiểu số tại trường. Theo hiệu trưởng Nguyễn Chương, chủ xe là người thân quen của các cán bộ, công nhân viên trong trường. Khi có nhu cầu đưa đón học sinh, nhà xe phải viết đơn trình lên Ban giám hiệu trường xem xét. Để được đưa đón học sinh, chủ xe phải tuân thủ các quy định của trường về chất lượng xe, đảm bảo an toàn, đúng giờ giấc... Sau khi được sự đồng ý của trường, chủ xe và phụ huynh sẽ tự thỏa thuận trực tiếp với nhau. Nhà trường sẽ tiến hành họp với chủ xe 3 lần/năm về việc quản lí cũng như điều chỉnh, thương lượng mức phí xe mỗi khi giá xăng tăng hoặc giảm.
Vào mỗi chiều tan trường, học sinh trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh đều xếp hàng theo tuyến xe mình đi và di chuyển theo hàng lên xe. Ảnh: Hồng Thi |
Ông Chương cũng cho biết, nhiều phụ huynh tỏ ra khá an tâm khi để con đi xe đưa đón của trường. Bởi lẽ, không chỉ được giám sát trên xe mà con họ còn đi về đúng giờ, không có cơ hội la cà hàng quán chơi game hay tụ tập bạn bè .
Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh cũng có 6 đầu xe (51 chỗ ngồi/xe) chuyên đưa đón học sinh bán trú của trường. Trong đó có 1 xe nhỏ dành riêng cho 20 học sinh bậc tiểu học, có nhiệm vụ đưa đón học sinh tận nhà. Ông Phan Nhật Anh- Phó hiệu trưởng nhà trường- cho hay: Vì trường nằm ở vị trí khá xa trung tâm nên nhiều phụ huynh đề nghị với nhà trường lo việc đi lại cho các em. Trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi đều khuyến khích cha mẹ học sinh đăng ký cho các em đi học bằng xe đưa đón. Đồng thời, trường cũng thông báo luôn các tuyến xe và mức phí phải đóng để phụ huynh dễ dàng quyết định có cho con mình đi hay không. Năm học này, trường có 274 em trong tổng số gần 400 học sinh bán trú tham gia đi xe đưa đón, với mức phí xe trung bình là 312.000 đồng/học sinh/tháng.
Với nhiều học sinh thì việc tới trường bằng xe đưa đón không chỉ là thói quen mà còn là một sự vui thích. Ảnh: Trần Dung. |
Tài xế và phụ xe ngoài trách nhiệm đưa đón học sinh đi đến đúng giờ, còn chung tay với nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ngay trên xe như ứng xử văn minh, không hút thuốc lá, phá hoại của công...
Ngoài ra, Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh còn tổ chức một đội ngũ quản lí riêng trong việc thực hiện đi xe đưa đón của học sinh. Vào mỗi chiều tan trường, học sinh phải xếp hàng theo tuyến xe mình đi và di chuyển theo hàng lên xe. Sau đó, đội ngũ này sẽ kiểm tra từng xe, đảm bảo các em có chỗ ngồi thoải mái và ổn định rồi mới cho xe chuyển bánh.
Em Đặng Phúc Nguyên Hưng- học sinh lớp 4A2, Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh- chia sẻ: “Em đi xe này từ lớp 1, đến giờ đi cũng thấy quen rồi. Nhà em ở tận xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê nên em đi xe đến ngã ba La Sơn thì bố em đón về”. Còn với em Trần Thị Hồng Hạnh, học sinh lớp 11A1- Trường THPT Trường Chinh (Chư Sê) thì việc đi xe đưa đón của trường không chỉ là thói quen từ nhỏ mà còn là một sở thích. Hạnh tâm sự: “Em thích đi xe của trường hơn đi xe đạp hay cha mẹ đưa đón. Đi xe này rất đảm bảo giờ giấc, em chưa bao giờ phải đợi chờ lâu hay trễ học, với lại đi chung với bạn bè nên vui hơn. Lớp em có khoảng 10 bạn tham gia, mỗi bạn đóng phí cho xe ô tô 300.000 đồng/tháng”.
Việc thực hiện tuyến xe đưa đón học sinh vừa góp phần giảm được lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường, vừa hạn chế tình trạng vi phạm giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của học sinh và giúp phụ huynh quản lý con em mình chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, vẫn còn nhiều bất cập cần được quan tâm và giải quyết.
Trần Dung - Hồng Thi