(GLO)- Toàn tỉnh hiện có 515.282 ha đất sản xuất. Dấu ấn của việc khai thác quỹ đất canh tác gắn với chiến lược phát triển cây trồng theo hướng định hình vùng chuyên canh là tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực trồng trọt 10 năm gần đây đạt 8,7%.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, thôn 5, xã Ia Băng-xã có diện tích cà phê cá thể lớn nhất huyện Đak Đoa có lần nói với chúng tôi rằng: Sản lượng cà phê gia đình anh thu được mỗi vụ không ổn định; lại đối mặt với tình trạng được năng suất thì giá bán thấp và ngược lại, nên tiền lời chỉ đắp đủ cuộc sống thường ngày. Lời bộc bạch của anh Đạt là vậy, nhưng theo nhìn nhận của Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-ông Phạm Cường thì người trồng cà phê cũng có cách khắc chế tình trạng này để đảm bảo lợi nhuận.
Vùng nguyên liệu mía Đông Trường Sơn. |
Theo đó, giá thấp, người trồng “ghim” hàng. Năng suất giảm, thị trường cà phê rơi vào cảnh “cung” không đủ “cầu”, nông dân càng cất giữ sản lượng chờ giá cao mới bán. Vì vậy, dù đối mặt với khó khăn nhưng 1 ha cà phê cũng mang lại cho người trồng vài chục triệu đồng tiền lời. Vì vậy, huyện Đak Đoa có đến 12.689 ha cà phê. Nối kết các huyện Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Chư Pah, Ia Grai, Chư Sê… là một vùng chuyên canh cà phê có diện tích lên đến 77.568 ha; tổng sản lượng cà phê bình quân mỗi năm trên 151.000 tấn.
Vùng chuyên canh cây cà phê chỉ là một nét chấm phá trong bức tranh đa sắc màu của lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh hiện nay. Khẳng định như thế là hiện tại vẫn còn thủ phủ cây hồ tiêu gắn liền với địa danh Chư Pưh, tổng diện tích canh tác 17.000 ha; vùng nguyên liệu mía các huyện phía Đông tỉnh 18.000 ha; hơn 10.000 ha cao su; cây lúa các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa phát triển bền vững dựa vào nguồn nước hiếm khi khô cạn từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ, hình thành vùng chuyên canh lúa nước lớn nhất khu vực Tây Nguyên; vùng điều Krông Pa; rau ở huyện Đak Pơ, An Khê; vùng hoa An Phú…
Mặc dù cơ quan quản lý chưa đưa ra con số chính xác, song ước tính mỗi năm các vùng chuyên canh cây trồng sản sinh ra hàng triệu tấn nông sản cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Giá trị đích thực của quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cho lợi nhuận cao chính là động lực để nhà nông bám đất, bám vườn để tạo dựng cuộc sống đổi đời; làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Ông Kpă Long-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh nhớ lại: 10 năm trước, đời sống người dân xã Ia Blứ hãy còn chật vật với cái ăn hàng ngày. Hầu hết nhà dân làm bằng ván đơn sơ. Cũng trên vùng đất ấy bây giờ đường sá đi lại thuận tiện, nhà cửa khang trang; dịch vụ đáp ứng yêu cầu cuộc sống thiết yếu hàng ngày xuất hiện ngày càng nhiều. Nông dân có của ăn, của tích lũy.
Sự khởi sắc trên là nỗ lực của chính người dân khi quyết định chuyển diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng hồ tiêu. 1 ha hồ tiêu năng suất trên 5 tấn hạt tiêu khô, giá tiêu trên thị trường luôn ở mức 80.000-120.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại cho nông dân là không nhỏ. Thu nhập từ cà phê, cao su không thấp hơn mía, hồ tiêu. Trồng rau, mì, lúa… giúp nhà nông có của tích lũy. Giá trị lợi nhuận trên thôi thúc nhà nông tận dụng tối đa quỹ đất mở rộng diện tích canh tác, hình thành mô hình kinh tế trang trại. Khảo sát của cơ quan quản lý, toàn tỉnh hiện có 2.439 trang trại, trong đó trang trại chuyên canh cây trồng chiếm 90%; lợi nhuận bình quân đạt 100 triệu đồng/ha đất canh tác.
Hiện thực vùng quê tràn đầy sức sống là kết quả của ý chí vươn lên làm giàu của chính người dân và chiến lược đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho lĩnh vực trồng trọt phát triển bền vững của Nhà nước. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đã quy hoạch trồng trọt gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến nông sản cà phê, hồ tiêu, cao su, mía, mì… đảm bảo đầu ra nông sản theo hướng có lợi cho nông dân.
Xây dựng mới, nâng cấp công trình thủy lợi mở rộng vùng tưới. Đầu tư hàng chục tỷ đồng thực hiện quy trình nghiên cứu, tạo ra giống mới năng suất cao cung cấp cho nông dân thay thế giống cũ thoái hóa. Nhờ vậy, tự thân mỗi loại cây trồng có 5-7 bộ giống, thậm chí hàng chục bộ giống. Đặc biệt, tác động của tiến bộ khoa học như bón phân cân đối, chương trình IPM, ICM; VIETGAP, công nghệ nuôi cấy mô… tạo sản phẩm nông nghiệp “sạch” từng bước chiếm lĩnh thị trường, nhất là hạt cà phê, hồ tiêu, cao su…; góp một phần khẳng định vị thế của tỉnh trong tiến trình phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Quang Văn