(GLO)- Trên dãy núi được coi là “nóc nhà bán đảo Đông Dương”, đường Hồ Chí Minh ra đời từ ý chí gang thép, lòng quả cảm và trí tuệ của con người Việt Nam. Con đường ấy đã thực hiện được sứ mệnh mà lịch sử giao phó, khi giúp quân dân ta vượt gian khổ, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước.
“Trường Sơn đông nắng, tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Quả vậy, có đặt chân lên với Trường Sơn, chúng tôi-những con người của thế hệ hôm nay mới thấy và cảm nhận hết được những đổi thay của thời gian, những dấu ấn lịch sử và những vết tích chiến tranh còn ẩn hiện tại đây. Vẫn còn đó những địa danh, những câu chuyện đã đi vào huyền thoại, vẫn còn đó những chiến sĩ Trường Sơn gan vàng, dạ ngọc…
Đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh Tư liệu |
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi đã tìm về và hòa mình vào ký ức của những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong từng tham gia vận tải, chiến đấu trên đường Trường Sơn khói lửa. Tất cả như được sống lại với hào khí của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), một nửa đất nước được giải phóng, nửa còn lại phải oằn mình dưới chế độ Mỹ-Ngụy. Thực hiện khát vọng độc lập, thống nhất thiêng liêng ngàn đời của dân tộc, quân và dân hai miền Nam-Bắc đã chung sức đồng lòng, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước. Để chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam, Đảng ta đã quyết định tổ chức tuyến đường vận tải chiến lược đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Ngày 19-5-1959, tuyến đường vận tải quân sự chiến lược đường Trường Sơn ra đời. “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (ban đầu gồm 500 cán bộ, chiến sĩ) có phiên hiệu là Đoàn 559 do Thiếu tướng Võ Bẩm chỉ huy, vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến chi viện chiến lược này. Điểm đầu tuyến đường là khu rừng Khe Hó (Bãi Hà-Gio Linh-Quảng Trị)-khởi đầu cho sơ đồ con đường giữa đại ngàn Trường Sơn. Với phương châm: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, đoàn vừa làm nhiệm vụ vận chuyển vừa mở đường hành quân trong bí mật.
Ông Hà Di Quế-người tham gia vận chuyển chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác |
Là một trong những người tham gia vận chuyển chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn, ông Hà Di Quế (tổ dân phố 1, phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)-thuộc Tiểu đoàn 70-Đoàn 559, tự hào kể về nhiệm vụ thiêng liêng ấy: “Tôi cùng 301 đồng chí từ Sư đoàn 305-Phú Thọ, được điều động vào Trường Sơn cùng ngày 19-5-1959. Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, ngày 26-6-1959, Đoàn 559 hành quân vào tập kết tại Khe Hó (Bãi Hà-Gio Linh-Quảng Trị), lấy danh nghĩa là công nhân khai thác gỗ và công nhân nông trường. Tới ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên của Đoàn 559 chính thức vượt Trường Sơn. Hồi đó, tôi có nhiệm vụ mang vác súng, cùng các đồng đội trèo đèo, lội suối giữa rừng rậm. Sau 8 ngày đêm, chúng tôi đã đưa chuyến hàng đầu tiên vào tới Tà Riệt-phía Bắc A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Hàng gồm hơn 10 khẩu súng trường, tiểu liên, 10 thùng đạn và một số ít quân dụng... Chuyến hàng đầu tiên thành công đã tạo được không khí phấn khởi trong toàn đơn vị”.
Bà Nguyễn Thị Dĩu (thôn 2, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai)-từng là thanh niên xung phong thuộc Binh trạm 2-Đoàn 559, đưa chúng tôi về với những ngày đầu mở đường Trường Sơn: “Ngày ấy, rừng núi âm u lắm, chỉ toàn đá tai mèo nên mỗi lần anh em cõng hàng chi viện chân tay đều bị xé rách, tứa máu. Tiểu đội tôi gồm 9 người nhưng phải đắp chung ba cái chăn và cùng nhau nằm trong một lán nhỏ. Nấu ăn thì phải đào hầm nấu dưới mặt đất để ngăn khói bay lên. Cứ như thế, chúng tôi đi tới đâu mở đường tới đó”.
Bà Dĩu nhớ lại thời gian đầu mở đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Giác |
Trong giai đoạn đầu, trên dãy Trường Sơn đã hình thành nhiều tuyến giao liên, vận tải quân sự dài hàng trăm ki-lô-mét. Trong điều kiện vô cùng khó khăn và gian khổ, địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt, con đường vẫn không ngừng được mở rộng. Từ con đường rừng ấy, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu đã được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ được đảm bảo hành quân vào các chiến trường.
Phát triển mạnh mẽ tuyến chi viện
Sự phát triển của tuyến đường Trường Sơn trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam đã trở thành nỗi khiếp sợ của Mỹ-Ngụy và các chuyên gia quân sự Mỹ đã phải gọi đây là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Đến tháng 6-1961, Đoàn 559 khẩn trương “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào. Từ thế độc tuyến Đông Trường Sơn, chúng ta đã mở thêm đường dọc theo biên giới Việt-Lào, đặc biệt là đường Tây Trường Sơn. Phát triển từ đường bộ gùi thồ trên tuyến Đông Trường Sơn, Đoàn 559 đã chuyển sang tuyến Tây Trường Sơn thực hiện vận chuyển bằng xe cơ giới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng về hình thức vận chuyển chi viện miền Nam.
Hệ thống giao liên đường Trường Sơn năm 1971-1972. |
Nhớ về những mốc lịch sử thần kỳ ấy, hết thảy những cựu chiến binh của Trường Sơn năm xưa vẫn còn cảm thấy háo hức, như thể mọi việc mới diễn ra ngày hôm qua. “Năm 1963, tôi vào nhận nhiệm vụ tại con đường Trường Sơn. Thời điểm ấy, dù mưa dầm dề hay nắng cháy da, anh em tôi vẫn phải vững đôi chân để leo rừng, bám núi, gùi hàng ra chiến trường. Không ai nghĩ rằng tới một ngày con đường này sẽ được mở rộng và từng đoàn xe cơ giới nối đuôi nhau vận chuyển hàng hóa thay cho sức người”-ông Trương Hải (phường Xuân Hà-quận Thanh Khê-TP. Đà Nẵng) kể lại.
Đường Hồ Chí Minh là một hồi ức khó quên trong lòng những cựu binh Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác |
Nhắc tới tuyến đường Đông Trường Sơn, gương mặt ông Bùi Hữu Thông (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) trở nên rạng rỡ hơn hẳn. Ông từng tham gia mở tuyến đường Đông Trường Sơn đoạn từ Đak Rông (tỉnh Quảng Trị) tới 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Tháng 8-1972, Trung đoàn 529-Đoàn 559 (gồm 100 người) đặt chân tới mảnh đất Gia Lai. Với hành trang là cuốc, xẻng, xà beng cùng khẩu hiệu “Đi tới đâu mở đường tới đó”, ông cùng đồng đội của mình đã khai thông khu rừng rậm để cho xe thẳng tới chiến trường. “Chúng tôi buộc phải làm con đường men theo bờ suối để tránh máy bay do thám của địch. Lúc đó, không sợ bom đạn mà chỉ sợ những cơn sốt rét rừng. Những lúc đói rét, chúng tôi được những người dân đồng bào Jrai sống gần bìa rừng vào cho củ mì. Rồi gian khổ cũng lùi về phía sau, tới năm 1974, con đường Đông Trường Sơn hoàn thành, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975”-ông Thông tâm sự.
M.Dưỡng-T.Dung-H.Thi-N.Giác
Suốt 16 năm, không một ngày ngưng nghỉ, vượt qua bom đạn ác liệt của kẻ thù, bộ đội Trường Sơn đã mở 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với chiều dài gần 2 vạn km, một tuyến đường kín dài 3.140 km, hệ thống đường sông dài gần 500 km. Bên cạnh đó, xây dựng được hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km vào tới Đông Nam Bộ, san lấp 78.000 hố bom, phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại. Bộ đội Trường Sơn cũng tham gia đánh 2.500 trận bộ binh, diệt 18.740 tên địch, thu, phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng, bắn rơi 2.455 máy bay các loại. |