(GLO)- L.T.S: Thiếu kiểm tra, kiểm soát sau khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “hỗn loạn” trong hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay. Điều này đã làm cho nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn bị thất thoát, lãng phí một cách nghiêm trọng.
Khai thác vượt công suất, khai thác trái phép trong một thời gian dài với khối lượng lớn các loại đá granit, gabro, đá bazan trụ, khối, đá xây dựng... khiến cho nguồn tài nguyên này bị lãng phí, thất thoát trầm trọng-đó là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp giấy phép hết hạn từ lâu nhưng vẫn vô tư khai thác mà không có cơ quan chức năng nào “nhòm ngó”.
Khai thác đá tại Doanh nghiệp tư nhân Huy Thịnh. Ảnh: Minh Nguyễn |
Kết thúc thời gian kiểm toán chuyên đề quản lý khoáng sản tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh, tổ kiểm toán thuộc đoàn Kiểm toán Nhà nước khu vực XII (Kiểm toán Nhà nước) đã kiến nghị Sở TN&MT chấn chỉnh công tác quản lý khoáng sản sau cấp phép, đồng thời khắc phục những tồn tại như không rà soát các đơn vị có giấy phép hết hạn để kiểm tra, đôn đốc dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp được cấp phép sau 24 tháng nhưng chưa tiến hành hoạt động khai thác...
Xin cấp phép nhưng... không khai thác
Kết quả kiểm toán cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2012, Sở TN&MT đã tiếp nhận, thẩm định, trình UBND tỉnh cấp tổng cộng 88 giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó có 4 giấy phép khai thác quặng sắt, 1 giấy phép khai thác quặng chì, kẽm, 2 giấy phép quặng Fluorit, 12 giấy phép khai thác quặng đá gabro, 11 giấy phép khai thác đá granit, 21 giấy phép khai thác đá bazan trụ, khối, 32 giấy phép khai thác đá xây dựng và 5 giấy phép khai thác than bùn.
Tuy nhiên, tính đến tháng 7-2013, trong tổng số 75 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực có 11 mỏ khoáng sản chưa được các doanh nghiệp thực hiện khai thác dù đã quá thời hạn. Cụ thể, có 3 mỏ của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, 3 mỏ của Xí nghiệp tư doanh Hiệp Lợi, 2 mỏ của Công ty TNHH Hoàng Nhi, 1 mỏ của Công ty TNHH Sơn Thạch... Tất cả các mỏ của các doanh nghiệp này đều được cấp phép từ tháng 6-2011. Đặc biệt, mỏ đá xây dựng tại xã Ia Pia, huyện Chư Prông cấp phép từ ngày 22-11-2009, hết hạn ngày 22-11-2012 nhưng Sở TN&MT đã không thực hiện việc kiểm tra sau cấp phép để kịp thời có văn bản thông báo chấn chỉnh đối với đơn vị khai thác và tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi giấy phép.
Ngoài ra, dự án khai thác quặng sắt của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản với diện tích khai thác 20 ha tại địa phận xã Lơ Ku, huyện Kbang (Quyết định số 792/QĐ-UBND, ngày 22-6-2011), với công suất khai thác là 50.000 tấn quặng nguyên khai/năm cũng nằm trong nhóm dự án xin cấp phép rồi... để đó. Một trường hợp khác nữa là Công ty TNHH một thành viên Tân Long Granit Gia Lai, được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá bazan trụ, khối (Quyết định số 406/QĐ-UBND, ngày 24-6-2011), tại xã Kông Pla, huyện Kbang với tổng diện tích mỏ là 5 ha. Tuy nhiên, do các chi phí chuẩn bị để đưa mỏ vào hoạt động và duy trì các hoạt động khai thác như: chi phí đền bù, tiền thuê đất, tiền ký quỹ môi trường… quá cao trong khi trữ lượng khai thác đá bazan không đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Công ty Tân Long đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị giải quyết cho Công ty đóng cửa mỏ và chấm dứt hợp đồng thuê đất, hoán trả lại toàn bộ diện tích khai thác đã thuê, “nhưng đến nay Công ty vẫn chưa nhận được giải quyết phản hồi từ quý cấp”. Hay trường hợp của Công ty TNHH Quốc Duy cũng đề nghị trả lại giấy phép khai thác đá gabro tại xã Krông Năng, huyện Krông Pa...
Tổ Kiểm toán kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại Công ty TNHH Quốc Duy. Ảnh: Minh Nguyễn |
Hàng chục doanh nghiệp khai thác vượt công suất
Trong đợt kiểm tra đột xuất tại mỏ đá xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Huy Thịnh ở xã Lơ Ku, huyện Kbang, tổ kiểm toán phát hiện: Tuy chỉ được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép thu gom khoáng sản vùng dự án thủy điện An Khê-Ka Nak (Công văn số 2619/UBND-CNXD, ngày 25-8-2011) với số lượng là 5.000 m3 được tính đến ngày 30-10-2011, nhưng đơn vị này đã khai thác “lấn” sang năm 2012, sản lượng đá của doanh nghiệp lên đến... 73.695 m3. Mặc dù giấy phép hết hạn đã lâu nhưng qua kiểm tra hiện trường (27-6-2013), số lượng đá tồn trên bãi của doanh nghiệp còn khoảng 8.000 m3!
Bên cạnh việc buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp “tận thu” vượt công suất cho phép trong khoảng thời gian dài, Sở TN&MT còn chưa thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất sau khi cấp phép để kịp thời chấn chỉnh và xử lý vi phạm đối với các đơn vị báo cáo sai lệch số liệu, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp khai thác vượt công suất rất lớn. Đơn cử như Xí nghiệp đá xây dựng Xuân Thủy: Theo báo cáo của doanh nghiệp này thì tổng sản lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác từ khi cấp phép đến 31-12-2012 là 86.666 m3. Thế nhưng, qua đối chiếu khối lượng khoáng sản nguyên khai đơn vị đã kê khai nộp thuế tài nguyên đến 31-12-2012 là 478.800 m3 (vượt công suất khai thác theo giấy phép 45.000 m3 /năm), sai lệch lên đến 392.234 m3. Hay một trường hợp khác là Công ty TNHH Hiệp Lợi (xã Kông Yang, huyện Kông Chro), theo báo cáo ngày 30-3-2008 của Công ty này thì trữ lượng còn lại 111.500 m3. Tuy nhiên, trong một báo cáo khác vào ngày 26-8-2010 cũng của doanh nghiệp trên thì trữ lượng còn lại 285.032 m3. Tức là, sau hơn 2 năm khai thác, không những trữ lượng còn lại của Công ty Hiệp Lợi không giảm mà còn tăng hơn gấp đôi !?.
Một minh chứng khác còn cho thấy, Sở TN&MT đã “chậm trễ” trong việc ra văn bản chấn chỉnh đối với các đơn vị khai thác. Chính vì vậy mà đối với trường hợp của Doanh nghiệp Huy Thịnh, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 3903/UBND-CNXD yêu cầu Sở TN&MT, UBND huyện Kbang kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Công văn nêu rõ: “Quá trình thu gom của Doanh nghiệp Huy Thịnh thực hiện trong thời gian dài nhưng các cơ quan quản lý nhà nước (Sở TN&MT-PV) đã buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện và ngăn chặn”.
Minh Triều-Nguyễn Giác