Bắc Tây nguyên vào mùa hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tình trạng hạn hán đang diễn ra ở Bắc Tây nguyên khiến hàng chục ngàn héc ta cây trồng có nguy cơ thiếu nước tưới, còn người dân thì chật vật đi tìm nguồn nước sinh hoạt.

 

 Đập nước Cà Tiên ở xã Đoàn Kết (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã cạn, người dân có thể lội bộ qua lòng đập -Ảnh: Đức Nhật
Đập nước Cà Tiên ở xã Đoàn Kết (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã cạn, người dân có thể lội bộ qua lòng đập -Ảnh: Đức Nhật



Nhiều sông suối cạn nước

Bắc Tây nguyên đang vào mùa khô, nhiều tháng qua không có mưa nên đã xuất hiện tình trạng thiếu nước cục bộ. Hiện nhiều sông, suối ở Gia Lai đã cạn nước dù đây mới là thời điểm đầu mùa khô nên có thể dự báo một mùa khô khốc liệt sẽ diễn ra trên địa bàn này.

Theo thống kê, Gia Lai hiện có 97.000 ha cà phê. Đây là thời điểm cần nước tưới cho loại cây trồng này. Anh Jôm ở xã Adơk, H.Đăk Đoa (Gia Lai) nói: “Khu rẫy gia đình tôi có hơn 6 ha gồm tiêu, cà phê và một số cây trồng khác. Tôi đã dự lường trước, xây một bể chứa hơn 30 m3 nước, đào ao để chủ động phần nào nước tưới. Con suối nhỏ trước rẫy chưa thấy cạn bao giờ năm nay lại thiếu nước. Đó là do nhiều người cùng lấy nước ở suối trong khi mấy tháng qua không có mưa dẫn đến nước không đủ. Chúng tôi phải thay nhau cắt cử người để canh nước tưới. Mất cả tuần vẫn chưa tưới xong trong khi những năm trước chỉ cần 3 ngày là đủ”.


 


"Mấy năm trước cũng thiếu nước nhưng không như năm nay. Mới vào mùa khô mà đồng ruộng nứt hết, nước bơm vào được một tí đã cạn. Không biết năm nay có lúa để thu hoạch không nữa".

Anh A Viên (thôn 8, xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum)





Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh này đã gieo trồng được gần 65.000 ha cây trồng vụ đông xuân với những loại cây chủ lực như lúa, bắp, mì, đậu các loại. Trưởng phòng NN-PTNT H.Đăk Đoa, ông Nguyễn Kim Anh, cho biết: “Để đối phó với tình hình hạn hán và giảm thiểu thiệt hại, chúng tôi đã vận động bà con sử dụng hợp lý nguồn nước giữa cây lúa nước và cây công nghiệp. Với những chân ruộng thường xuyên bị hạn, chúng tôi khoanh vùng, không cho bà con sản xuất để tránh thiệt hại”.

Krông Pa được xem là huyện thường xuyên bị hạn của tỉnh Gia Lai. Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện này, cho hay: “Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương để hướng dẫn bà con xuống giống sớm hơn 20 ngày; tranh thủ nguồn nước tự nhiên, nước ao hồ để sản xuất; kịp thời thông báo đến nông dân việc giảm sức tưới tại hồ Ia Hdreh. Hiện nguồn nước tưới ở hồ này chỉ đủ cung cấp cho 300 ha lúa nước và tưới hỗ trợ 40 ha cây trồng khác (giảm khoảng 160 ha so với thiết kế). Hướng dẫn nông dân giảm diện tích lúa nước, chuyển sang trồng bắp, đậu”.



 

 Nhiều ao hồ, sông suối tại Gia Lai đã cạn nước - Ảnh: Trần Hiếu
Nhiều ao hồ, sông suối tại Gia Lai đã cạn nước - Ảnh: Trần Hiếu




Khu vực đông Gia Lai, nơi có vùng chuyên canh mía lớn với trên dưới 30.000 ha cũng đang chịu hậu quả nặng nề do hạn hán. Cây mía gặp hạn phát triển chậm dẫn đến giảm năng suất trầm trọng, từ 30 - 50%, nông dân bị thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Hệ lụy kéo theo là Nhà máy đường An Khê, có công suất lớn nhất VN với 16.000 tấn mía cây/ngày, cũng bị thiếu nguyên liệu. Ngoài ra, nắng hạn kéo dài nên nông dân cũng không thể bón phân, dẫn đến cây mía khó đẻ nhánh, sẽ ảnh hưởng đến năng suất niên vụ tới.

Chật vật tìm nước sạch

Tại Kon Tum, hàng ngàn héc ta cây trồng bị vàng héo, những cánh đồng thiếu nước nứt nẻ, nhiều hồ đập trong tình trạng khô cạn, trơ đáy. Anh A Viên (29 tuổi, ở thôn 8, xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum) cho biết, gia đình anh canh tác được 2,7 sào lúa, những năm trước cánh đồng này cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn lúa. Tuy nhiên năm nay hạn nặng, cánh đồng của gia đình anh không có nước tưới nên cây lúa cứ héo rũ, ruộng đồng nứt nẻ khiến cua cá chết phơi trên đồng. “Mấy năm trước cũng thiếu nước nhưng không như năm nay. Mới vào mùa khô mà đồng ruộng nứt hết, nước bơm vào được một tí đã cạn. Không biết năm nay có lúa để thu hoạch không nữa”, anh Viên lo lắng.


 

 Bà Y Miếu (xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) phải đi xin nước để ăn uống, sinh hoạt - Ảnh: Đức Nhật
Bà Y Miếu (xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) phải đi xin nước để ăn uống, sinh hoạt - Ảnh: Đức Nhật




Ngoài việc cây trồng thiếu nước tưới, người dân tại xã Đoàn Kết cũng đang chật vật đi tìm nguồn nước sinh hoạt. Bà Y Miếu (60 tuổi, cũng ở thôn 8, xã Đoàn Kết) nói rằng nhà bà thiếu nước sinh hoạt đã mấy tháng nay, để có nguồn nước sinh hoạt, bà phải ra “giọt nước” (điểm lấy nước chung của người đồng bào thiểu số, dẫn từ núi về) để chầu chực. “Nhưng mấy ngày nay nước giọt cũng hết rồi, mình phải ra sông vét nước về tắm rửa. Nước uống thì phải đi xin. Trước đây nhà mình cũng có giếng, nhưng nắng quá khô nước giếng rồi. Ít ngày nữa nước nhà người ta không còn thì mình không biết xin nước uống ở đâu”, bà Miếu than thở.

 


Theo thống kê, hiện Gia Lai có 344 công trình thủy lợi gồm 113 hồ chứa, 189 đập dâng và 42 trạm bơm với tổng năng lực thiết kế tưới cho gần 55.000 ha cây trồng các loại. Ông Nguyễn Năng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, cho biết: “Công ty đang quản lý 36 công trình thủy lợi loại vừa và lớn gồm 12 hồ chứa, 21 đập dâng, 3 trạm bơm điện với tổng năng lực thiết kế là hơn 30.500 ha, nằm rải rác trên địa bàn 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh Gia Lai. Chúng tôi đang theo dõi kỹ tình hình thời tiết để đối phó tình hình hạn hán và có kế hoạch cung cấp nước tưới chống hạn cho cây trồng. Nhưng cũng có vùng đành bó tay vì thiếu nước tưới, như cánh đồng 40 ha của xã An Phú, TP.Pleiku chẳng hạn”.






Ông Phan Văn Pháp, Phó chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, cho biết năm nay tình hình hạn hán trên địa bàn diễn biến phức tạp. Những năm trước vào thời điểm này ít nhất đã có 1 đến 2 cơn mưa. Tuy nhiên mấy tháng nay trên địa bàn xã chưa xuất hiện đợt mưa nào, do đó các hồ đập trên địa bàn đang dần cạn nước.

Cũng theo ông Pháp, xã có 3 đập chứa nước. Trong đó 2 đập đã cạn kiệt, chỉ còn lại khoảng 1/4 lượng nước. Kéo theo đó là hơn 120 ha lúa nước và cà phê bị đe dọa. “Trước tình hình khô hạn kéo dài, xã đã phối hợp với Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum thực hiện phương án bơm chống hạn. Hiện tại trên địa bàn xã đã đặt 2 trạm bơm chuyền. Bên cạnh đó xã cũng nhắc nhở người dân tiết kiệm nước. Nếu khô hạn kéo dài thì chỉ một tuần là 2 đập trên hoàn toàn cạn nước, hàng chục héc ta lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng”, ông Pháp nói.


H.Sa Thầy (Kon Tum) cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt. Theo ông Giả Tấn Đạt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, trong một tháng tới nếu không có mưa, trên địa bàn sẽ có 80 ha lúa bị thiếu nước, gần 280 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, gần 3 tháng liên tục trên địa bàn tỉnh này không có mưa. Bên cạnh đó lượng nước trên các sông suối trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt từ 40 - 70% so với trung bình hằng năm. Theo dự báo về lượng nguồn nước cũng như khả năng mưa thì vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 tại các địa phương như TP.Kon Tum, H.Sa Thầy, H.Ia H’Drai sẽ xảy ra hạn hán. Bắt đầu từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 mới có mưa trái mùa, tuy nhiên lượng mưa này không nhiều nên cũng không giải quyết được hạn.


Theo ông Huy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn hán là do lượng mưa năm 2019 thiếu hụt so với lượng mưa hằng năm, chỉ đạt khoảng 70 - 80%. Ngoài ra, mùa mưa năm 2019 kết thúc tương đối sớm, trước khoảng nửa tháng so với trung bình hằng năm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh hầu như không có mưa, thời gian không có mưa kéo dài, lượng nước trên các sông suối thiếu hụt.

“Trước tình hình này, các cơ quan ban ngành của tỉnh chỉ đạo chống hạn từ khá sớm, chủ động tìm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mặc dù vậy, thiệt hại do hạn hán gây ra sẽ không thể tránh được”, ông Huy thông tin thêm.

Theo Trần Hiếu - Đức Nhật (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm