Bác sĩ của làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bằng tấm lòng nhiệt tình, thương yêu người bệnh, bác sĩ Phan Thị Thái đã cùng với các đồng nghiệp ở Trạm Y tế xã Ia Băng (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) làm tốt công tác khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Năm 1996, sau 1 năm tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Bình Định, y sĩ Phan Thị Thái rời quê hương Hoài Ân (Bình Định) lên Gia Lai xin việc rồi được phân công về Trạm Y tế xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) công tác. Chị Thái nhớ lại: “Lúc ấy, đường sá đi lại khó khăn, đời sống của hầu hết người dân, nhất là đồng bào Jrai trong vùng rất khó khăn, lo cái ăn không đủ nói gì đến chuyện tự chăm sóc sức khỏe”. Chính vì thế các dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, dịch hạch, tiêu chảy… xảy ra liên miên. Chị Thái cùng với các đồng nghiệp không quản ngày đêm, hết khám bệnh ở trạm lại đi xuống làng, lên nương rẫy để khám bệnh, chữa trị cho bà con; kết hợp tuyên truyền các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.

 

Bác sĩ Thái khám bệnh cho người dân. Ảnh: Đ.P
Bác sĩ Thái khám bệnh cho người dân. Ảnh: Đ.P

Trước đây, do nhận thức còn hạn chế nên nhiều gia đình có người bệnh thường để ở nhà nhờ thầy cúng làm phép chữa bệnh mà không đến cơ sở y tế. Có trường hợp bệnh nhân ở làng Bông La bị bệnh thương hàn, gia đình mời thầy cúng về nhà cúng 4 ngày liền mà không khỏi, khi chị Thái hay tin chạy xuống nhà thì bệnh nhân đã đến hồi nguy kịch. Chị phải vận động mãi gia đình mới đưa bệnh nhân đến trạm y tế. Sau gần 1 tuần tích cực điều trị, bệnh nhân đã khỏi bệnh. Lúc đó dân làng mới tin tưởng thừa nhận: “Chỉ có cán bộ y tế mới chữa khỏi bệnh”.

Hàng ngày, chị Thái vừa khám-chữa bệnh vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu, sưu tầm thêm các bài thuốc Nam, các loại lá cây rừng mà dân làng vẫn truyền tai nhau chữa bệnh có hiệu quả để áp dụng vào thực tế chữa bệnh cho bà con. Năm 2001, chị được cử đi học bác sĩ đa khoa ở Đại học Y Tây Nguyên, sau đó học thêm định hướng nội khoa và siêu âm ở Đại học Y Huế. Nhờ những kiến thức đã học được, chị Thái trở về làm chủ các trang-thiết bị được cung cấp để khám-chữa bệnh cho người dân xã Ia Pết và sau đó chuyển qua làm Trưởng trạm Y tế xã Ia Băng.

 

- Gia Lai hiện có 7 bệnh viện tuyến tỉnh; 2 chi cục; 7 trung tâm thuộc hệ y tế dự phòng tuyến tỉnh, 1 Trường Trung cấp Y tế, Trung tâm Giám định và Ban Quản lý dự án Đầu tư chuyên ngành y tế. Tuyến huyện có: 17 Phòng Y tế, 17 Trung tâm Y tế huyện, 17 Trung tâm Dân số-KHHGĐ; 222 xã, phường, thị trấn có y tế hoạt động. Tổng số giường bệnh toàn tỉnh là 3.550 giường (trong đó, tuyến tỉnh 1.390 giường; tuyến huyện 1.100 giường; tuyến xã 1.040 giường).
- Toàn ngành Y tế có 4.638 cán bộ, trong đó bác sĩ: 807 (bác sĩ có trình độ sau đại học là 294), bác sĩ công tác tại tuyến xã là 156; có 260 dược sĩ (dược sĩ đại học là 54 người); 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 2.116 nhân viên y tế thôn làng. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 7,18; tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 22,79; tỷ lệ bác sĩ công tác tại tuyến xã là 80%.

Gắn bó với vùng đất phía Nam huyện Đak Đoa từ những ngày còn gian khó, thông thạo tiếng địa phương nên chị Thái hiểu và đồng cảm với những nỗi khổ của đồng bào Jrai mỗi khi đau ốm. Chị bày tỏ: “Đồng bào Jrai sống thủy chung và hào sảng. Khi mình đến với họ bằng tấm lòng tận tâm yêu thương thì họ cũng quý mến và trân trọng mình. Bởi thế mà thi thoảng bà con trên đường làm rẫy về có nải chuối hay trái bắp, con cá suối đem tặng cán bộ y tế ăn cho có nhiều sức khỏe để phục vụ dân làng!”.


Có lẽ cũng nhờ đó mà người dân ngày càng nâng cao nhận thức về phòng-chống dịch bệnh, các dịch bệnh nguy hiểm dần được đẩy lùi, các chỉ tiêu y tế đạt cao. Mỗi năm Trạm Y tế xã tổ chức khám-chữa bệnh cho gần 7.000 lượt người, đạt trên 106% kế hoạch; trong đó khám cấp thuốc bảo hiểm y tế cho 4.983 lượt, khám kết hợp y học cổ truyền trên 1.420 lượt, khám cấp thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi trên 1.100 lượt. Trạm Y tế xã Ia Băng là một đơn vị đi đầu trong việc tổ chức siêu âm, mỗi năm thực hiện gần 170 lượt người. Thực hiện bảo quản và sử dụng thuốc an toàn. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia ngày càng có hiệu quả. Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều đạt gần 90%; phụ nữ có thai tiêm phòng uốn ván đủ liều đạt 83%...

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Thái và các đồng nghiệp tham gia cùng với Đảng ủy, chính quyền địa phương vận động bà con thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Là địa bàn có đông đồng bào theo đạo, chị tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc, chức việc nhà thờ Tin lành miền Nam Việt Nam và nhà thờ Công giáo để tuyên truyền vận động giáo dân thực hiện các chương trình mục tiêu y tế, kéo giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, hạn chế nạn tảo hôn và ngăn chặn hôn nhân cận huyết thống.

Ở xã Ia Băng, bác sĩ Thái từ lâu đã được đồng bào Jrai xem như người con thân thuộc của buôn làng mình.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm