(GLO)- Đến nay, tất cả các xã ở huyện Krông Pa đều có bác sĩ. Bác sĩ Rcom Thiết công tác tại Đất Bằng- một xã đặc biệt khó khăn của huyện- là một trong những tấm gương sáng trong số các bác sĩ bám xã.
Nỗ lực học tập
Gặp chúng tôi, Rcom Thiết tâm sự: “Gia đình mình có 5 anh em, sống tại buôn Ma Hinh, xã Đất Bằng. Năm mình lên 5 tuổi, mẹ đã mất, bố đi lấy vợ khác để lại 5 anh em sống trong cảnh mồ côi. Khi ấy mình còn 2 em nhỏ, đứa út mới 1 tuổi, lúc ấy anh cả 15 tuổi và chị gái 13 tuổi, đang tuổi ăn, tuổi lớn phút chốc phải gánh trọng trách trụ cột gia đình, nuôi các em ăn học. Những ngày nắng nóng, bàn tay cả hai anh, chị rộp rát trên cánh đồng mì cũng không đủ gạo cho các em ăn, đói khát thường xuyên đeo đuổi trong gia đình, các em vừa đói, vừa khát sữa”.
Rcom Thiết đang chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân kpă H’Manh, buôn Ama Giai, xã Đất Bằng. Ảnh: Hồng Sơn |
Những cái đầu còn thơ dại nhưng trong gian khổ đã biết nhận thức về sự học, hai anh chị lớn hy sinh tuổi thanh xuân của mình để nuôi các em thành đạt, cả 3 anh em được anh, chị gồng gánh nuôi ăn học đến nơi, đến chốn. Rcom Thiết tự hào: “Mình và các em đều hiếu học, mình học hăng say để hai em noi theo. Anh, chị không cho tụi mình nghỉ học, mọi việc kiếm sống đã có anh, chị lo, tụi mình chỉ còn biết cắm đầu vào học. Đến năm mình học lớp 9 anh cả đi lấy vợ, lúc này chỉ còn mỗi chị gái lo chuyện ăn học cho 3 em. Mình thương chị nên càng nỗ lực trong con đường học tập”.
Lúc nhỏ, Rcom Thiết luôn ấp ủ giấc mơ được làm giáo viên, để mang con chữ cho bà con mình, nhưng bước ngoặt cuộc đời đã đưa chàng thanh niên Jrai này đi vào con đường y đức. Anh kể: “Khi tốt nghiệp lớp 12, huyện có chỉ tiêu học cử tuyển ngành Y, sẽ được miễn học phí khi theo học, vì nhà nghèo nên mình gác lại ước mơ “gõ đầu trẻ” và theo nghiệp bác sĩ. Nhưng đến giờ thì mình đã có cách nghĩ khác, mình đã yêu áo blue, mình thấy hạnh phúc vì được xoa dịu nỗi đau, mang lại sức khỏe cho chính đồng bào của mình, mình hiểu có sức khoẻ mới lao động tốt, mới có cuộc sống hạnh phúc, bởi mình nhận ra khi không có sức khỏe thì bất hạnh sẽ ập đến, như cuộc sống 5 anh em mình khi mất mẹ. Giờ đây, mình đang cùng chị gái Rcom H’Lết nuôi cậu em út đang theo học Đại học Đà Lạt”.
Hạnh phúc với nghề
Nay Son- một người cùng buôn với Rcom Thiết cho biết: “Người trong buôn bây giờ yêu Thiết như con của mình và tự hào vì giờ đây người địa phương mình đã có bác sĩ, biết chữa bệnh”. Người dân trong xã đã đến Trạm Y tế xã ngày một đông, bởi ở đó có bác sĩ Rcom Thiết, là đứa con của chính buôn mình. Không chỉ đơn thuần là khám, Rcom Thiết còn hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của bà con nên họ có thể an tâm giãi bày tất cả các triệu chứng của bệnh, phần nào đó đã giúp người khám chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Thời gian qua, Rcom Thiết đã chữa trị tại chỗ đối với các bệnh thông thường, kịp thời chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Nay Son kể: “Kpă H’Nhin- người của buôn Ma Nha, xã Đất bằng bị chứng thương hàn. Cả buôn nói nó bị ma nhập, nó thường xuyên trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, lúc nghe được, lúc không nghe thấy gì, lúc tỉnh, lúc mê, cái miệng nó liên tục nói nhảm, chứng tỏ nó đã bị ma nhập. Phải cúng để con ma ra khỏi người nó. Một con heo đã bị đập chết, 2 con gà cũng bị cắt cổ để làm lễ cúng, rượu ghè bày la liệt, thầy cúng liên lục nhảy múa, miệng đọc phép để giải ma. Cả làng bắt đầu ăn cúng, uống rượu ghè đến lúc xiêu vẹo cả cái chân khi về nhà. Thế nhưng, con ma vẫn không bị bắt, bệnh tình ngày một trầm trọng, lúc đó may sao Rcom Thiết đã tìm đến thuyết phục người nhà cần cho bệnh nhân uống thuốc.
Ngày đầu đến, họ vẫn khăng khăng đòi đi xem bói để xem trong nhà có ma hay không. Phải đến ngày thứ 2 cả nhà mới gật đầu cho Thiết chữa bệnh”. Rcom Thiết tâm sự: “Lúc này, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy cấp, có thể mất mạng bởi huyết áp hạ thấp, sốt 40 độ C, mạch nhiệt phân ly, đau bụng, bụng chướng to, xuất huyết đường ruột, chỉ cần chậm chút nữa là tử vong. Mình cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị thương hàn với liều cao, chỉ sau mấy ngày bệnh đã khỏi, bệnh nhân đã đi lại, lao động và ăn uống bình thường”.
Từ đó, dân làng càng tin bác sĩ Rcom Thiết. Đó là niềm tự hào mà Rcom Thiết đã làm được bằng chính y đức của mình.
Hồng Sơn