Ảnh minh họa |
Đánh giá của Phó Tổng thư ký ASEAN Puspanathan Sundram cho rằng với việc tạo điều kiện thuận lợi trong thương mại, liên kết và vận tải, khu vực này sẽ thu hút được hơn 3,4% FDI toàn cầu hiện nay.
Tại buổi họp báo sau cuộc đối thoại giữa các bộ trưởng kinh tế ASEAN và Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ở Kuala Lumpur, ông Puspanathan nhấn mạnh để thu hút nhiều vốn đầu tư, ASEAN cần phải chú trọng tới vấn đề nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có tay nghề cao.
Theo ông Puspanathan, các nhà đầu tư đang coi ASEAN là một thực thể hợp nhất thông qua một thỏa thuận có thể thực hiện được, chẳng hạn như phân chia khu vực lao động với một trung tâm khu vực đóng tại Singapore hoặc Malaysia, còn các cơ sở sản xuất đặt tại Lào. Ngoài cơ chế thuế, việc cân đối các tiêu chuẩn đối với các sản phẩm điện và điện tử cũng như mỹ phẩm và dược phẩm cũng đang được xem xét để giúp ASEAN hoạt động như một thị trường chung.
Hiện Nhật Bản là nguồn FDI hàng đầu đối với ASEAN với số vốn đăng ký 5,2 tỷ USD trong năm 2009, chiếm 13,4% nguồn vốn đầu tư đổ vào khu vực này trong năm đó. Sau thảm họa động đất-sóng thần vừa qua, các công ty Nhật Bản hiện trong giai đoạn phục hồi kể từ tháng Sáu và đang ưu tiên cho các hoạt động sản xuất của họ ở khu vực ASEAN.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ở ASEAN (FJCCIA) Takashi Hibi, cho biết Nhật Bản coi ASEAN là một thị trường chiến lược và trung tâm sản xuất lớn. FJCCIA, gồm 4.441 thành viên, cũng kêu gọi các nước ASEAN phát triển cơ sở hạ tầng và các điều luật để thúc đẩy tự do hóa thị trường, đơn giản hóa các thủ tục hải quan thông qua Hệ thống hành lang xanh ASEAN, đơn giản hóa hồ sơ Khu vực tự do thương mại ASEAN cũng như cân đối các tiêu chuẩn sản phẩm, tăng cường an ninh hàng hải và đường bộ trong khu vực...
Tại cuộc đối thoại giữa FJCCIA với các bộ trưởng kinh tế ASEAN nói trên, các bên không chỉ thảo luận về việc thực thi Khu vực tự do thương mại ASEAN mà còn bàn cách dỡ bỏ những rào cản thương mại nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế. Những vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang phải đối mặt khi đầu tư vào các nước ASEAN cũng được đưa ra thảo luận.
Đây là lần đầu tiên một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng được tiến hành với FJCCIA để tiếp thu sự phản hồi từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản và tìm cách tăng cường hút vốn đầu tư của Nhật Bản vào khu vực này.