Quyết tâm kiện Mỹ ra WTO bởi các doanh nghiệp ngành tôm đang rất tin tưởng vào cơ sở, lý lẽ của mình cũng như sự minh bạch, tính đa phương của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này.
Vô lý cách tính thuế
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chỉ tính giá trị các lô hàng mà họ cho rằng bán thấp hơn giá thành, trong khi những lô hàng bán cao hơn thì họ tự động quy về 0, tức là không tính.
Ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Công ty Cafatex, cho biết đây là một cách tính vô lý của DOC dựa theo quy định của Mỹ lẫn của WTO.
Điều khó hiểu là mặc dù Mỹ đã bỏ cách tính quy về 0 trong quá trình điều tra chống bán phá giá nhưng họ vẫn áp dụng trong các đợt xem xét hành chính. Còn theo quy định của WTO, khi xác định bán phá giá phải xác định bằng con số bình quân của các giao dịch.
Như vậy việc chỉ tính các giao dịch có giá thấp hơn giá thành mà bỏ qua các giao dịch có giá cao hơn giá thành là không công bằng.
Bên cạnh đó, VN nằm trong số ít các quốc gia vẫn chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường nên thường bị thiệt thòi.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa - luật sư thành viên Công ty luật YKVN, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, trong vụ kiện tôm này phía Mỹ đã có những biểu hiện bất công trong cách tính toán và chọn quốc gia thứ ba không phù hợp để tính giá. “Lẽ ra khi không công nhận VN là nước chưa có nền kinh tế thị trường thì họ phải chọn một quốc gia khác tương đồng VN mới hợp lý”.
Không chỉ riêng con tôm
Ông Trương Đình Hòe cho biết theo lịch trình xét xử tranh chấp của WTO thì phải đến tháng 4-2011 mới có kết quả, tuy nhiên VASEP tin tưởng vào thành công của VN trong vụ kiện này.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Kịch cũng cho rằng khả năng thắng vụ kiện này của VN rất cao và nếu thắng VN sẽ thu được nhiều lợi ích. Theo ông Kịch, nếu thắng thì mức thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu có thể được dỡ bỏ. Nhưng quan trọng hơn là khi giảm thuế thì mức tiền ký quỹ của các công ty nhập khẩu sẽ giảm đi rất nhiều.
“Chính mức ký quỹ mà phía Mỹ bắt buộc các công ty đóng căn cứ vào mức thuế chống bán phá giá mới là cản trở lớn nhất khiến các nhà nhập khẩu không dám mua tôm của VN với số lượng lớn. Việc bỏ thuế chống bán phá giá cũng đồng nghĩa với việc bỏ ký quỹ này”- ông Kịch đánh giá.
Ngoài ra, theo ông Kịch, vụ kiện ở cấp chính phủ sẽ có tác động tới lãnh đạo Mỹ nhiều hơn so với các hoạt động ở cấp thấp hơn. Có thể VN chưa giành được thắng lợi ngay nhưng sẽ được các ưu đãi khác. Quan trọng hơn, vụ kiện tôm sẽ là bước chuẩn bị về lực lượng, kinh nghiệm cho VN khi tham gia các vụ kiện khác trong tương lai.
Cũng rất tin tưởng vào thắng lợi của vụ kiện, luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích: WTO là tổ chức đa phương, luật chơi khá minh bạch. Nhờ vào tính đa phương của quy trình xét xử cũng như tính minh bạch của quy định nên các nước yếu thế (thiếu kinh nghiệm, hay không đủ lực về tài chính để thuê luật sư giỏi, tập hợp tài liệu...) hoàn toàn có cơ hội thắng kiện.
Cũng theo ông Nghĩa, những vụ việc như thế này được xem xét từng vụ cụ thể, quyết định riêng lẻ, không ảnh hưởng đến vụ khác. Nó sẽ không thành tiền lệ để xem xét vụ khác, không hình thành án lệ, nếu thua cũng không ảnh hưởng. Còn trong trường hợp VN thắng, theo ông Nghĩa, khi WTO đã ra phán quyết thì ít xảy ra trường hợp quốc gia nào bị thua lại không thực thi.
“Các quốc gia đã đặt bút ký vào WTO, nên nếu không thực hiện theo phán quyết WTO thì nước thắng kiện được áp dụng một số biện pháp trả đũa thích hợp”- ông Nghĩa nhận xét.