(GLO)- “Năm nay, khả năng tình hình mưa bão dồn vào các tháng cuối năm, dự báo sẽ vô cùng khắc nghiệt và có những tình huống khó lường. Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng-chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thị xã An Khê đã sớm hoàn thành phương án phòng-chống lụt bão và chỉ đạo các địa phương sớm triển khai thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra”-ông Mang Viên Tý-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng thị xã An Khê cho biết.
Phòng là chính
Người dân thu dọn rác thải sau khi lũ rút năm 2013. Ảnh: Hồng Thương |
Xác định thiên tai bão lũ xảy ra là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người với những hậu quả khó lường trước được nên năm nay thị xã An Khê vẫn giữ quan điểm phòng là chính. Ngoài việc chỉ đạo các xã, phường tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tự phòng tránh, thị xã còn xác định những trọng điểm để xây dựng phương án phòng-chống cụ thể, bao gồm hệ thống các hồ đập, trụ sở làm việc các cơ quan, địa phương, doanh trại các đơn vị quân đội, nhà dân ở những vùng trũng thấp, vùng gần sông suối, hồ, đập và vùng có nguy cơ sạt lở đất.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án phòng-chống theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Theo đó, các xã, phường tổ chức rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các thiết bị như đèn pin, phao, các phương tiện sơ-cấp cứu và đặt lương thực, thực phẩm tại một số cửa hàng để chủ động cấp phát cho các hộ bị cô lập khi có sự cố xảy ra; triển khai có hiệu quả chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và tổ chức tốt công tác trực 24/24 giờ.
Bên cạnh đó, thị xã An Khê còn tiến hành rà soát, kiểm tra và tăng cường vốn đầu tư tu bổ các công trình phòng-chống thiên tai; nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở và đề ra các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình nói trên. Đến nay, thị xã đã tu sửa được 8 công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư 4,26 tỷ đồng và đang tiếp tục rà soát, xuất kinh phí để sửa chữa, nạo vét các công trình khác.
Việc khắc phục, sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông, công trình công cộng cũng được các ngành triển khai ngay từ đầu năm. Ông Mai Thanh Sơn-Trưởng phòng Quản lý Đô thị thị xã cho biết: “Ngoài một số tuyến đường và một số cây cầu chưa có tên, hoặc có hiện tượng bị nứt ở thân mố hoặc bị bong tróc khuyết lõm ở mặt cầu đang được đề xuất với Sở Giao thông-Vận tải đặt tên và kiểm định khả năng chịu lực để cắm biển báo giới hạn tải trọng phù hợp thì đến nay phần lớn hệ thống đường sá, cầu cống trên địa bàn đều đã đảm bảo an toàn để vượt lũ. Hiện thị xã cũng đang tiến hành chặt tỉa cây xanh có nguy cơ ngã đổ, vận hành lại hệ thống đèn chiếu sáng và lắp đặt hệ thống cống rãnh để đảm bảo cho việc thoát nước khi có mưa, lũ tràn về”.
Quy định trách nhiệm của Ban Quản lý Thủy điện 7
Thị xã An Khê chỉnh trang đô thị kết hợp chặt tỉa cây xanh tránh nguy cơ ngã đổ khi mưa lũ đến. Ảnh: Hồng Thương |
Bên cạnh việc xây dựng phương án phòng-chống lụt bão cụ thể cho địa phương, thị xã An Khê còn xác định vấn đề xả lũ của thủy điện An Khê-Ka Nak là một trong những nội dung quan trọng cần lưu ý trong việc phòng-chống lụt bão ở địa phương. Theo đó, đã phối hợp với Sở Công thương kiểm tra thủy điện An Khê-Ka Nak và đề nghị Ban Quản lý Thủy điện 7 (Ban 7) xây dựng phương án phòng-chống lụt bão cho vùng hạ du đập, cắm cọc đo mực nước xả lũ do xả tràn ở các điểm để nhân dân biết và phòng tránh cũng như thống nhất còi báo động khi xả lũ. Tuy nhiên, đến nay, Ban 7 vẫn chưa hoàn thiện được phương án phòng-chống lụt bão cho nhân dân vùng hạ du.
Ông Mang Viên Tý cho biết: “Trong tháng 6, Ban 7 đã mời Ban Thường trực Phòng-chống lụt bão thị xã An Khê, Kông Chro, Kbang phối hợp ký phương án phòng-chống lụt bão của thủy điện An Khê-Ka Nak nhưng chưa được các địa phương đồng ý. Nguyên nhân là vì Ban 7 mới chỉ xây dựng phương án phòng-chống lụt bão của thủy điện mà chưa có phương án phòng-chống lũ lụt cho vùng hạ du”. Đáng lẽ, phương án phòng-chống lụt bão cho vùng hạ du phải được xây dựng từ khi thủy điện đi vào hoạt động để tránh bị động khi xả lũ. Thế nhưng sau 4 năm đi vào hoạt động, Ban 7 vẫn chưa triển khai xây dựng được phương án đó, dẫn đến tình trạng bị động trong việc xả lũ và đã gây thiệt hại nặng cho địa phương, nhất là vào mùa mưa 2013 vừa qua. Lũ lụt xảy ra là do thiên nhiên, nhưng những thiệt hại về tài sản của nhân dân là một phần do xả lũ của thủy điện. Thế nhưng sau gần 1 năm lũ rút đến nay Ban 7 vẫn chưa có động thái gì trong việc phối hợp cùng địa phương rà soát thiệt hại để hỗ trợ cho người dân.
Vì vậy, Ban 7 cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để hỗ trợ nhân dân các vùng hạ du phòng-chống lụt bão cũng như khắc phục hậu quả khi bão lũ xảy ra trong năm nay và những năm tiếp theo. Cùng với đó, nhanh chóng hoàn thiện phương án phòng-chống lụt bão cho vùng hạ du trước khi mùa mưa bão về và cần phải có địa điểm quy hoạch được dự trù trước để khi xảy ra bão lụt hoặc khi xả lũ có thể di dời dân đến nơi an toàn.
Hồng Thương