Với sản lượng xuất khẩu năm nay có thể đạt tới 7 triệu tấn, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ vượt qua cả Việt Nam lẫn Thái Lan để trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Số liệu trên vừa được Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế đưa ra trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg. Theo đó sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ tăng hơn gấp đôi mức 2,8 triệu tấn trong năm 2010 – 2011 lên 7 triệu tấn. Thái Lan có thể xuất khoảng 6,5 triệu tấn.
Trong khi đó theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hôm 4-5, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm nay chỉ đạt 5,42 triệu tấn, thấp hơn 11% con số ước tính 6,5 - 7 triệu tấn đầu năm. Trong quý 1 vừa qua, dù giá gạo của Việt Nam đã giảm nhưng sản lượng xuất khẩu vẫn giảm tới gần 40% so với cùng kỳ.
“Nhiều khả năng Ấn Độ đang nổi lên như nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới”, Samarendu Mohanty, nhà kinh tế cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế phát biểu trên Bloomberg. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ Vijay Setia thì nhận định: “năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu nhờ vụ mùa bội thu. Mùa tới, sản lượng có thể còn cao hơn do năng suất đang tăng lên”.
Ấn Độ hiện là quốc gia có diện tích trồng lúa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết tổng sản lượng lúa gạo năm nay có thể tăng 7,7% lên 103,4 triệu tấn. Tính đến tháng 1-4-2012 dự trữ gạo và lúa mỳ của Ấn Độ đạt 53,4 triệu tấn, tăng 21%.
Theo ông Mohanty, Ấn Độ đang được hưởng lợi từ việc chính phủ Thái Lan quyết định tăng giá thu mua lúa gạo cho nông dân cao hơn giá thị trường khiến sản lượng xuất khẩu của nước này chậm lại. Hiện giá gạo của Ấn Độ thấp hơn khoảng 100 USD so với gạo Thái Lan. Giá gạo 25% tấm FOB của nước này chỉ khoảng 385 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 520 USD/tấn của Thái Lan.
Ngoài việc sản lượng gia tăng, Ấn Độ còn được hưởng lợi từ đồng nội tệ yếu. 3 tháng đầu năm đồng Rupee của nước này đã sụt giá 5% so với USD trong khi đồng Baht Thái chỉ giảm 0,7%.
Theo Dantri