Ảnh: Đinh Yến |
(GLO)- Nghề chạm khắc gỗ ở Gia Lai so với các làng nghề chạm khắc ở những địa phương khác còn khá mới mẻ. Với nhiều dạng khác nhau, như chạm lộng, chạm chìm, chạm xếp lớp, chạm chấm phá, nét trầm phù...; khi thì làm hàng theo yêu cầu, khi thì tư vấn về chất liệu gỗ và kiểu dáng để tạo ra những sản phẩm theo yêu cầu đơn đặt hàng của khách; vậy nên những người thợ làm nghề này vẫn luôn sống được với nghề.
Chúng tôi đến thăm một cơ sở chạm khắc gỗ không biển hiệu nằm khuất sâu trong một con hẻm trên đường Hùng Vương (TP. Pleiku), thấy cơ sở khá đơn sơ nhưng có khá đông thợ đang tỉ mỉ ngồi đục, gọt, tách tỉa rồi đánh bóng từng chi tiết một. Anh Tư-một người thợ chạm khắc ở đây cho biết, anh học nghề chạm khắc từ năm 14 tuổi, được cha truyền nghề, cộng với 4 năm luyện cơ tay, giờ anh đã là thợ cả trong nhóm thợ này. Anh Tư nói: Nghề này làm không mất sức nhưng phải có lòng đam mê và chút năng khiếu về thẩm mỹ, mới tạo nên được những sản phẩm đẹp, có ý nghĩa. Chính vì thế, tùy theo mức độ khó của hoa văn, chất liệu gỗ và độ “yêu thích” của khách hàng mà chủ cơ sở trả công cho người thợ chạm khắc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các cơ sở làm nghề chạm khắc gỗ đều phải trả công cho thợ chạm khắc khá “hậu hĩnh”. Ông Du-chủ cơ sở sản xuất bàn ghế trên đường Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku) cho biết: Để làm được bộ bàn ghế đào, trúc, tôi cùng những người thợ chạm khắc phải mất hàng tháng tỉ mỉ ngồi đục, gọt, tách tỉa rồi đánh bóng tới từng chi tiết. Có những khách hàng khó tính, yêu cầu phải thêm công đoạn phun bóng cho tác phẩm nữa. Ngoài việc phải có đôi mắt tinh, có tính kiên trì cao, thì năng khiếu bẩm sinh là yếu tố quan trọng làm nên thành công đối với nghề chạm khắc gỗ. Cái nghề đục đẽo này không phải ai thích là cũng có thể làm được mà còn phải có sự cần cù, tháo vát, cần sự tài hoa, năng khiếu với nghề”. Một bộ bàn ghế đào, trúc tại thời điểm hiện nay, tùy vào loại gỗ: gỗ hương-hạng trung 10 món có giá từ 45 trệu đồng đến 50 triệu đồng/bộ, còn gỗ cẩm lai, cà te phải lên đến vài trăm triệu đồng/bộ. Bởi vậy mà các chủ cơ sở trung bình trả lương tháng cho thợ cả từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/người/tháng, còn thợ mới vào nghề, học việc từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Khi đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu sử dụng, thị hiếu về các mặt hàng điêu khắc bằng gỗ trong trang trí nội thất cũng được thịnh hành. Hầu hết các cơ sở chạm khắc gỗ trên địa bàn tỉnh đều không mang tên gọi, biển hiệu nhưng nhờ những người trong giới sành chơi giới thiệu cho nhau nên luôn kín đơn đặt hàng. Theo một chủ cơ sở chạm khắc gỗ, do Nhà nước nghiêm cấm chặt phá rừng, kiểm lâm kiểm tra gắt quá nên hầu hết các cơ sở chạm khắc gỗ nếu có đơn đặt hàng về những loại gỗ tốt, như: hương, cà te, pơ mu… thì cơ sở đều phải giấu nhẹm để chạm khắc chứ không công khai. Vì thế, nếu thợ chạm khắc gỗ tay nghề không cao, không thể làm đẹp, ưng ý khách hàng thì chỉ một lần là khách hàng bỏ đi. Do vậy, phần lớn những cơ sở chạm khắc gỗ ở tỉnh ta đều có quy mô nhỏ lẻ, mỗi cơ sở chỉ có 2-3 nghệ nhân cùng dăm ba thợ phụ và để có thợ lành nghề đa phần họ phải về những làng nghề chạm khắc gỗ ở miền Bắc, miền Trung kiếm tìm hoặc nhờ người quen giới thiệu. Chính vì thế, thợ chạm khắc gỗ có tay nghề cao sẽ được chủ cơ sở chạm khắc ưu ái đặc biệt.
Tuy chưa có con số thống kê về các cơ sở làm nghề chạm khắc gỗ và những thợ chạm khắc gỗ trên địa bàn tỉnh, nhưng hiện nay dọc trên đường Phạm Văn Đồng-TP. Pleiku, hay vào những ngày gần Tết trên đường Hùng Vương, Lê Lai-TP. Pleiku những gian hàng trưng bày đồ gỗ với đầy đủ các hoa văn chạm khắc được bày bán cũng đủ hình dung nghề chạm khắc gỗ đang “thịnh” như thế nào.
Đinh Yến