(GLO)- Cà phê đang thu hoạch mùa thứ 3, thời hạn hợp đồng thuê đất với Sư đoàn 372 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đến năm 2018, thế nhưng nhiều hộ dân đang có nguy cơ trắng tay khi những vườn cà phê của họ bị giải tỏa, thu hồi để triển khai dự án nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku.
Theo phản ảnh của người dân, họ còn hợp đồng thuê đất với Sư đoàn 372, nhưng chủ đầu tư dự án nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku chưa thông báo gì đã cho máy móc đến san ủi vườn cà phê của họ. Nhiều người dân bức xúc, đứng ra cản trở đơn vị thi công.
“Chúng tôi chưa nhận được thông báo hay quyết định gì”
Ông Ngô Văn Vọng trước nguy cơ trắng tay khi toàn bộ 1,5 ha cà phê của ông bị giải tỏa, thu hồi. Ảnh: Minh Triều |
Ông Ngô Văn Vọng-tổ 13, phường Thống Nhất, TP. Pleiku, bức xúc giãi bày: Tháng 10-2008, ông ký hợp đồng nhận khoán 0,7 ha đất tăng gia sản xuất với Tiểu đoàn Bảo đảm Kỹ thuật Sân bay Pleiku (thuộc Sư đoàn 372). Tiếp đến, ông chuyển nhượng thêm của một số hộ dân khác cũng ký hợp đồng giống như ông, nâng diện tích lên 1,5 ha. Sau đó, ông Vọng đầu tư chi phí san ủi, thuê người rà bom mìn, cải tạo đất để trồng cà phê. Tốn nhiều công sức, tiền của, vườn cà phê của ông đang cho thu hoạch năm thứ 3 thì đột ngột bị đơn vị thi công dự án cho máy móc san ủi khiến ông thiệt hại gần 100 gốc cây cà phê.
Điều làm ông Vọng bức xúc là ông cũng như nhiều người dân chưa nhận được thông báo hay quyết định gì từ đơn vị cho thuê đất lẫn đơn vị thi công dự án. Ông Vọng đang rất hoang mang, lo lắng trước thông tin toàn bộ diện tích trồng cà phê của ông (khoảng 1.500 cây) đều nằm trong diện bị thu hồi. “Nếu không được đền bù thì công sức đầu tư của tôi bấy lâu nay sẽ bị mất sạch, gia đình sẽ rơi vào tình cảnh trắng tay”- ông Vọng than thở.
Tương tự, ông Đoàn Văn Lân-tổ 13, phường Thống Nhất-với diện tích 4,5 ha, trên 5.000 cây cà phê cũng đang thu hoạch năm thứ 3. Trung bình mỗi năm ông Lân thu 17-20 tấn cà phê nhân. “Chưa thấy ai nói năng gì, cũng chưa thấy đơn vị nào họp dân thông báo, tự nhiên họ đưa máy móc vào san ủi lấy đấy, ít ra cũng thông báo cho người dân đến lấy cây về làm củi đốt. Nông dân chúng tôi quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đến khi mới vừa thu hoạch thì đột ngột bị lấy lại đất. Chúng tôi không chống đối, nhưng không đền bù gì thì cũng không thể lấy ngang như vậy, thấy vô lý quá. Chúng tôi có hợp đồng thuê đất, nộp sản lượng cho Tiểu đoàn, đóng thuế cho Nhà nước hẳn hoi chứ đâu có chiếm đất”.
Gần 1,5 ha cà phê thu hoạch năm thứ 3 của ông Đoàn Văn Lân cũng nằm trong diện bị thu hồi. Ảnh: Minh Triều |
Trong văn bản gửi Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không-Không quân, Sư đoàn 372 (đơn vị cho thuê đất) báo cáo: Khi nhận được văn bản của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam về việc giải tỏa vườn cây để triển khai dự án, Sư đoàn đã chỉ đạo Tiểu đoàn Bảo đảm Kỹ thuật Sân bay Pleiku thông báo đến các hộ gia đình có hợp đồng thuê đất sản xuất. Theo báo cáo của đơn vị này, các hộ dân nhất trí với chủ trương và đồng ý giao mặt bằng để thực hiện dự án nhưng đề nghị chủ đầu tư xem xét lợi ích thỏa đáng vì hầu hết các hộ dân chưa thu hồi vốn ban đầu vì đặc thù cây cà phê 5-7 năm mới cho thu hoạch ổn định.
Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai; Cục Hàng không, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam bố trí kinh phí đền bù hỗ trợ diện tích cây cà phê các hộ dân đã trồng cà phê trong phạm vi đất giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku.
Tỉnh buộc bàn giao mặt bằng
Trước nguy cơ dự án nâng cấp và mở rộng Cảng Hàng không Pleiku chậm tiến độ thi công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku, đơn vị thi công dự án và đại diện Sư đoàn 372 về việc hàng chục hộ dân gần khu vực sân bay cản trở giải phóng mặt bằng.
Một phần diện đất trồng cà phê của ông Vọng đã bị đơn vị thi công san ủi. Ảnh: Minh Triều |
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự, cho rằng: Đất của tỉnh giao cho Sư đoàn 372 là nhằm mục đích quốc phòng nhưng đơn vị này quản lý không chặt chẽ, sử dụng vào mục đích khác là không đúng. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ra “tối hậu thư”: Sư đoàn phải bàn giao mặt bằng cho nhà thầu ngay trong tháng 12-2014, nếu không giải quyết dứt điểm, sớm bàn giao mặt bằng thì tỉnh sẽ có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về việc chậm trễ không bàn giao mặt bằng. “Quan điểm của tỉnh là không đền bù, không hỗ trợ trong trường hợp này. Căn cứ vào hợp đồng thì Sư đoàn 372 phải giải quyết cho dân, nếu tiến độ thi công sân bay chậm trễ thì đơn vị phải chịu trách nhiệm”- ông Hoàng Công Lự khẳng định.
Theo báo cáo của Sư đoàn 372, từ năm 2009 đơn vị đã đồng ý cho các hộ gia đình cán bộ, quân nhân thuộc Tiểu đoàn ký hợp đồng giao khoán “Trồng cây ngụy trang sân bay kết hợp tăng gia sản xuất” ở khu đất trống trong sân bay với diện tích 20 ha, thời hạn đến năm 2018. Đến nay các hộ dân đã đầu tư trồng cây cà phê và thu hoạch năm thứ 3 trên diện tích này. Mỗi ha nhận khoán, các hộ dân phải nộp cho đơn vị 3,5 triệu đồng/năm. |
Ông Lưu Văn Thanh-Phó Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai nêu thông tin: Theo khảo sát, có gần 20 ha nằm trong diện giải tỏa thuộc 23 hộ dân và số tiền phải đền bù là không nhỏ. Đây là hợp đồng giữa Tiểu đoàn Sân bay Pleiku-Sư đoàn 372 với các hộ dân nên trách nhiệm chính thuộc về Sư đoàn. Tỉnh bồi thường, hỗ trợ là không đúng. Nếu giải phóng mặt bằng không được giải quyết sớm thì công trình không thể hoàn thành theo đúng tiến độ.
Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Văn Thanh-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Sân bay Pleiku giải trình: “Trước đây các chuyến bay rất ít, đời sống của các hộ dân gặp nhiều khó khăn nên đơn vị đã đồng ý cho ký kết hợp đồng cho thuê đất tạo điều kiện cho những hộ này phát triển kinh tế. Nay phải thu hồi lại, chúng tôi chỉ hỗ trợ chứ không bồi thường”. Căn cứ theo hợp đồng, điều khoản bất khả kháng nêu cụ thể: Trường hợp địch họa, khi quân chủng, sư đoàn có nhu cầu thu hồi đất phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng thì người nhận khoán sẽ dừng việc canh tác và không được đòi bồi thường.
Ông Nguyễn Trọng Hải-Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku, cho biết: Hiện dự án đang ách tắc, chậm tiến độ thi công bởi nhà thầu chưa tiếp cận được với mặt bằng ở dải bảo hiểm sườn sân bay, trong phạm vi đất phải giải tỏa. Khi đơn vị thi công đưa phương tiện vào san ủi thì bị các hộ dân ngăn cản nên chúng tôi đã cho tạm dừng. Theo kế hoạch, đến ngày 31-12-2014 dự án sẽ hoàn thành việc đào, di dời 2 triệu m2 đất nhưng đến nay chỉ mới thực hiện được 40% khối lượng công trình. Do vậy, “đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để giao lại cho nhà thầu”.
Minh Triều