Tốt nghiệp đại học với bằng xuất sắc danh dự cùng giải thưởng của Hội Hoá học Hoàng gia Anh, ở tuổi 21, chàng trai xứ Quảng được cấp học bổng toàn phần học thẳng lên tiến sĩ.
Hành trình biến điều không tưởng thành hiện thực
Tháng 9.2021, Nguyễn Hoàng Nguyên tốt nghiệp ĐH Northumbria (Newcastle, Anh) với điểm học tập toàn khóa là 3.68/4.0, đạt thành tích á khoa và được vinh danh tấm bằng xuất sắc danh dự. Nam sinh còn được nhận giải thưởng NERAD của Hội Hóa học Hoàng gia Anh về nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực hóa phân tích, với tỷ lệ chọi 1:40.
Dù bắt đầu hành trình học thuật với không nhiều nổi bật, Hoàng Nguyên đã tốt nghiệp với nhiều thành tích xuất sắc. Ảnh: NVCC |
Nhờ thành tích nổi bật cùng những kinh nghiệm có được khi tham gia nhóm nghiên cứu của giáo sư ở những năm đại học, Nguyên được trường cấp học bổng toàn phần gồm cả học phí và sinh hoạt phí, với tổng giá trị 111.000 bảng Anh (khoảng 3,4 tỉ đồng) để học thẳng lên tiến sĩ mà không phải qua chương trình thạc sĩ.
Trước đó, anh còn trúng tuyển khóa thạc sĩ của ĐH York, xếp hạng 169 trên thế giới theo World University Rankings. Tất cả diễn ra khi anh chỉ vừa 21 tuổi.
Nguyên thành thật: “Khi nhận được tin, tôi rất vui nhưng cũng bối rối vô cùng, vì học tiến sĩ ngành hóa vốn là giấc mơ không tưởng đối với tôi. Tôi cũng có nhiều lo lắng vì chương trình nghiên cứu sẽ vất vả và chông gai hơn nhiều so với bậc đại học, đặc biệt với những sinh viên ‘nhảy cóc’ như tôi”.
Từng theo học tại Trường THPT Chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), anh cho biết học lực môn hóa thời THPT của mình vô cùng khiêm tốn so với các bạn đứng đầu, và anh cũng chưa từng đạt giải cao ở các cuộc thi học sinh giỏi. Nhưng lòng yêu thích và đam mê chính là hai nhân tố giúp anh đạt được kết quả như hiện tại.
Nguyên nêu quan điểm: “Bạn không cần phải quá giỏi để đạt được 100 điểm, nhưng động lực tạo bởi yêu thích và đam mê là yếu tố cần thiết để bạn đi được đường dài, giúp bạn đạt được những mục tiêu đã đề ra”.
“Riêng với các bạn du học sinh, ngoài dành thời gian cho học tập thì nên tiếp xúc và giao lưu với văn hóa nước bạn. Việc này không chỉ giúp cho chúng ta tiến bộ về mặt giao tiếp mà còn gia tăng hiểu biết”, nam sinh chia sẻ thêm.
Nhớ lại về những tháng đầu ở đại học, nam sinh chia sẻ khó khăn lớn nhất chính là giao tiếp. Dù sở hữu IELTS 6.5 nhưng trong tuần đầu nhập học, anh hầu như không hiểu lời giáo sư giảng, cũng như không thể trò chuyện trôi chảy với bạn cùng lớp.
“Đó là lý do tôi phải đi làm thêm ngay từ tuần thứ 2 đặt chân đến Anh. Công việc đầu tiên của tôi là đi rửa bát, và đó là cơ hội để tôi tiếp xúc, mở rộng giao tiếp với người bản xứ”, Nguyên chia sẻ cách bản thân vượt qua rào cản và cho biết thêm sinh hoạt phí trong 3 năm đại học đều do bản thân đi làm, tích góp để chi trả.
Năng nổ tham gia nghiên cứu từ những năm đại học, Hoàng Nguyên đã có cơ hội được học thẳng lên tiến sĩ. Ảnh: NVCC |
Bắt đầu khóa tiến sĩ từ cuối năm nay, Nguyên tâm sự bản thân đã vấp phải nhiều thử thách như tìm kiếm tài liệu, khái quát đề tài và định hướng các bước phát triển đầu tiên cho công trình nghiên cứu - những việc khá mới mẻ đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp.
“Vì mỗi một bước phản ứng sẽ mở ra vô vàn các khả năng khác nhau nên tôi phải cân nhắc nhiều yếu tố, từ tính khả thi, máy móc cần thiết cho đến giá thành của các chất nền, chất phản ứng. Nhưng nhờ giáo sư hướng dẫn giúp đỡ, mọi việc đang dần tiến triển suôn sẻ”, anh kể.
Sống tình cảm nơi xứ người
Song song với hành trình học thuật, Nguyên còn dành nhiều thời gian chăm lo cho các bạn du học sinh Việt mới đến Anh học tập. Chàng trai xứ Quảng từng là Hội trưởng của Vietnamese Society (Cộng đồng người Việt) tại ĐH Northumbria và cho biết rất vui khi có thể giúp đỡ mọi người, vì ngày xưa chính mình cũng từng được hỗ trợ như thế.
Anh chia sẻ: “Hoạt động chủ yếu của chúng tôi là giúp đỡ các sinh viên năm nhất thuê nhà, đi lại, học tập. Đây là công việc thiết thực vì các du học sinh năm nhất khi mới qua rất cần giúp đỡ để thích nghi với cuộc sống mới, chứ không phải là những khoản hỗ trợ hay cơ hội việc làm”.
Hoàng Nguyên (hàng ngồi, thứ 2 từ trái qua) cùng các thành viên mà anh xem như gia đình trong Hội cầu lông sinh viên Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Trong suốt 3 năm liền, Nguyên còn là thành viên "cứng" của Hội Cầu lông sinh viên Việt Nam tại Newcastle, nơi nam sinh có thể giải tỏa căng thẳng bằng những trận cầu và những buổi tối nấu ăn, vui chơi cùng các anh chị. “Những thành viên trong hội chính là gia đình thứ hai của tôi tại nước Anh xa xôi này”, anh nói.
Trong 2 năm dịch bệnh lan rộng tại Anh với lệnh phong tỏa kéo dài, Nguyên thú nhận mình phải đối diện với nhiều khó khăn. “Nhưng nhờ có ba mẹ lúc nào cũng bên cạnh, hết sức hỗ trợ tôi về mặt tinh thần, và chị gái luôn luôn lắng nghe và đưa ra lời khuyên, tôi mới có thể an toàn vượt qua”, nam sinh gửi lời cảm ơn đến 3 người đặc biệt nhất đời mình.
Kể về dự định tương lai, Nguyên cho biết sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, anh sẽ về Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu và quản lý, chuyển giao các công nghệ mới từ đề tài đã nghiên cứu.
Đề tài nghiên cứu liên quan đến chế tạo một loại sơn khô Chia sẻ thêm về đề tài nghiên cứu tiến sĩ, Nguyên cho biết nó liên quan đến công nghệ điều chế polymer hữu cơ giả lập sinh học. Ý nghĩa thực tiễn lớn nhất của công trình này là để chế tạo một loại sơn khô có khả năng tự phục hồi và tự phát triển mạch polymer sau khi đông kết. “Hiện nay, công nghệ sơn khô chỉ mới được áp dụng cho bề mặt kim loại và sản xuất trên quy mô lớn, nhưng với ý tưởng đề tài này, tôi hy vọng nó sẽ sớm được áp dụng trên bề mặt nhựa cứng và các vật gia dụng trong gia đình”, anh giải thích. Đồng hành cùng Hoàng Nguyên từ năm đầu đại học cho đến hiện tại, tiến sĩ Trương Viết Thắng, trợ lý nghiên cứu cấp cao tại ĐH Northumbria, nhận xét Nguyên có kiến thức cơ bản vững, đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao vào các ngành như sản xuất ô tô, tàu thủy, tàu vũ trụ. “Ấn tượng về Nguyên là một chàng trai năng động, vui vẻ và hòa đồng. Cậu ấy thường xuyên ở lại sau các tiết học thí nghiệm để trao đổi thêm với giáo viên bộ môn và thầy cô hướng dẫn. Mong thời gian sắp tới, Nguyên sẽ có cơ hội đăng những phát hiện mới lên nhiều tạp chí khoa học quốc tế”, tiến sĩ Thắng nói. |
Theo Ngọc Long (TNO)