Edubox - nền tảng công nghệ giúp kết nối gia sư với học sinh, sinh viên, phụ huynh có hơn 14.000 người dùng, gần 800 lớp mở thành công.
Nguyễn Hà Huy Thông (SN 1995, quê ở Bình Định) từng là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Năm 7 tuổi, Thông theo ba mẹ từ Bình Định vào Sài Gòn lập nghiệp. Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình Thông ở cùng ông bà ngoại.
Từ nhỏ, Thông đã được làm quen với các khái niệm về kinh doanh, kinh tế do cậu của anh là nhà kinh doanh, còn ông ngoại lại thích xem các chương trình về kinh tế. Chính vì thế, niềm đam mê kinh doanh đã ngấm vào Thông từ khi còn là một cậu nhóc.
Khi trở thành sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Thông xin vào các doanh nghiệp làm để, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
|
Nguyễn Hà Minh Thông, đồng sáng lập EduBox |
Đến năm cuối đại học, chứng kiến cậu em trai chật vật trong việc tìm gia sư dạy thêm, Thông đã tự hỏi: "Tại sao không thực hiện việc kết nối gia sư và người học như mô hình Grab?".
Sau đó, khi đã đi làm với mức lương ổn định, Thông vẫn đau đáu khi chứng kiến nhiều sinh viên lãng phí chất xám, tài năng bằng cách chạy xe ôm thuê. Vì thế, chàng trai 9X quyết tâm phải làm gì đó để tận dụng được nguồn "tài nguyên" đó.
Khi bày tỏ ý định với người anh họ là Hà Minh Khoa, Thông nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Sau nhiều ngày mày mò làm, đến tháng 4/2019 Edubox chính thức ra đời. Đây là nền tảng ứng dụng công nghệ để kết nối học viên và giáo viên/gia sư nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí so với cách kết nối truyền thống qua trung tâm gia sư.
Theo đó, chỉ cần một chiếc smartphone, không cần phải ra đường và mất nhiều thời gian, phụ huynh vẫn có thể tìm được gia sư cho con em mình.
Ứng dụng liên tục cập nhật thông tin về môn học, địa chỉ dạy, số lượng học viên…, qua đó, phụ huynh và các học viên có thể tìm và lựa chọn gia sư cũng như các địa điểm dạy học gần nhất và phù hợp nhất. Phụ huynh và giáo viên có thể trao đổi trực tiếp trên ứng dụng để sắp lịch, chọn chương trình học tốt nhất cho con.
Tìm gia sư thời công nghệ
Theo Thông, hiện có rất nhiều sinh viên giỏi nhưng lại chọn “xe ôm công nghệ” để kiếm thêm thu nhập. Điều này khiến kỹ năng chuyên môn sẽ bị mai một lại rất lãng phí chất xám.
"Dù việc làm không thiếu nhưng rất nhiều sinh viên sau khi ra trường vẫn thất nghiệp. Lý do là bởi kỹ năng, kiến thức mềm của họ rất yếu. Vì vậy, tôi hi vọng Edubox sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho đội ngũ sinh viên để họ phát huy khả năng, kiến thức đã được đào tạo", Thông bày tỏ.
|
Các thành viên của Edubox. |
Giới thiệu về ứng dụng, Thông cho biết sử dụng rất đơn giản, tiện lợi. Theo đó, nếu muốn trở thành gia sư, ứng viên chỉ cần nhập mục tìm kiến ứng dụng “Edubox Gia sư“ và tải app tại CH Play hoặc AppStore. Ứng viên nhập đầy đủ thông tin như CMT, bằng cấp ( hoặc bảng điểm đối với sinh viên ) nếu có nguyện vọng trở thành đối tác gia sư.
Sau đó, Edubox sẽ thẩm định thông tin từng ứng viên trước khi duyệt họ làm gia sư.
Bản chất Edubox là nền tảng ứng dụng công nghệ để kết nối học viên và giáo viên/gia sư nhằm tiết kiệm thời gian chi phí so với cách kết nối qua trung tâm gia sư truyền thống.
|
Phụ huynh có thể thương lượng về mức học phí trên ứng dụng. |
Về phía phụ huynh và học sinh chỉ cần đăng ký trên app và vào mục “tìm gia sư” điền đầy đủ thông tin để gửi yêu cầu về hệ thống. Yêu cầu học sau đó sẽ được xác nhận và hiển thị trên ứng dụng ở mục “Yêu cầu tìm gia sư” đối với giao diện của gia sư.
Những giáo viên phù hợp sẽ nhận thông báo từ hệ thống về các lớp đang tìm gia sư phù hợp kèm theo mức học phí mà khách hàng đề xuất. Khi gia sư gửi “Yêu cầu ứng tuyển”, người tạo lớp sẽ nhận thông báo và sử dụng hệ thống để chọn một gia sư phù hợp. Sau khi chọn, Edubox sẽ cung cấp thông tin cho hai bên để họ kết nối trực tiếp với nhau.
Ngoài ra, nếu phụ huynh học sinh không có nhu cầu tìm gia sư, nhưng vẫn muốn học thêm ở các “trung tâm luyện thi truyền thống” thì nút "Lớp học gần đây" sẽ giúp thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm các trung tâm “chất lượng” ngay khu vực khách hàng đang sinh sống.
Tỷ lệ ứng viên được xét duyệt trở thành giáo viên/gia sư của hệ thống Edubox khoảng 40%. Edubox sẽ thu 20% phí đối với gia sư cho mỗi giao dịch dạy kèm 1 - 1 được kết nối thành công.
Mức độ tín nhiệm của mỗi gia sư sẽ được phụ huynh đánh giá trên hệ thống sau khi hoàn thành khoá dạy. Đặc biệt, nếu người dạy bị đánh giá không tốt, thì sẽ bị hạ điểm tín nhiệm và phải trả mức phí cao hơn cho Edubox mỗi lần nhận lớp giảng dạy. Hiện mỗi tháng có khoảng 200 giao dịch khớp lệnh qua Edubox.
|
Nguyễn Hà Minh Thông (ở giữa) nhận giải top 5 dự án khởi nghiệp được yêu thích nhất. |
Kết nối thành công gần 800 lớp học
Hơn 1 năm ra mắt, Edubox có khoảng 14.000 người dùng trong đó 4.000 phụ huynh và 10.000 gia sư, kết nối thành công từ 700-800 lớp học.
Thời gian này, do bị ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 nên nhu cầu tìm gia sư của các gia đình có giảm mạnh. Để không lãng phí thời gian, nhóm đã cải tiến ứng dụng, “update” lên một phiên bản mới cho Edubox.
Dự kiến, cuối tháng 6/2020, bản update Edubox sẽ ra mắt với nhiều chức năng bổ sung cho phép người dùng tìm và tạo lớp học trực tuyến.
Edubox hiện nhận được đầu tư hơn 2 tỷ đồng từ một nhà đầu tư với cương vị cá nhân. Trong năm 2019, Edubox cũng nhận được nhiều đánh giá tốt từ phía cộng đồng startup.
“Edubox đặt mục tiêu không chỉ kết nối người dạy và người học, mà trong tương lai, sẽ nâng cao năng lực tự học trong mỗi học sinh. Mỗi khi có thắc mắc về bất cứ vấn đề gì, học sinh có thể đăng tải các đề bài và sẽ có đội ngũ am hiểu vấn đề đó giải đáp”, Thông chia sẻ.
Danh hiệu của Edubox: - Được Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND TP.HCM đề cử là Startup có ảnh hưởng tới cộng đồng (2019) - Top 4 VietNam Ricebowl Startup Award tại Việt Nam (2019) - Top 5 Dự án được yêu thích nhất tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (2019) - Một trong 20 dự án khởi nghiệp tiêu biểu do báo Tuổi Trẻ bình chọn (2019) |
Theo Hồng Phương (Dân Việt)