81 ngày đêm với rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa đặt chân tới Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh sau một tuần theo chân đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin sang thăm tỉnh Preah Vihear (Vương quốc Campuchia), điện thoại trong túi tôi đổ chuông.

.



“Tỉnh thành lập đoàn liên ngành đi truy quét lâm tặc. Em có đi được không để anh báo cơ quan lập danh sách?”-tiếng Trưởng phòng Lê Văn Nhung hỏi. Dù rất mệt mỏi và muốn có vài ngày nghỉ ngơi nhưng phần vì nghĩ đây là nhiệm vụ của cơ quan, phần vì cũng sẵn máu phiêu lưu, thích được đi đây đi đó, kể cả đi rừng nên tôi đã đồng ý mà không một chút đắn đo. Lúc ấy, tôi nghĩ, chuyến đi nhiều lắm cũng chỉ một tuần, nửa tháng chứ không biết rằng, nó kéo dài đến… “81 ngày đêm”, cụ thể là từ ngày 10-4 đến hết 30-6-2012.
 

Anh em ở chốt ngã ba Hà Đông-Đak Sơ Mei phải ở trong lán nóng bức, chật chội như thế này. Ảnh: T.D
Anh em ở chốt ngã ba Hà Đông-Đak Sơ Mei phải ở trong lán nóng bức, chật chội như thế này. Ảnh: T.D

Cùng tham gia đoàn liên ngành của tỉnh như tôi đợt này ở Báo Gia Lai còn có 3 đồng nghiệp: Lê Anh đi hướng Chư Pưh, Nguyễn Diệp vào Chư Prông còn Anh Khoa thì ngược lên vùng biên giới Đức Cơ. Riêng tôi, hoàn toàn vô tình, được phân về đoàn số 4, đi truy quét lâm tặc tại huyện Đak Đoa. Đây là địa phương mà trước đó chưa lâu đã “nóng ran” trên mặt nhiều tờ báo, trong đó có Báo Gia Lai bởi chuyện người dân các xã Đak Sơ Mei, Hải Yang và Hà Đông ồ ạt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để làm nương rẫy với diện tích hàng chục ha.

Trước ngày lên đường, mặc dù đã được lãnh đạo quán triệt rõ rằng anh em tham gia đợt truy quét sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, gian khổ nhưng quả thực, xuống đến địa bàn, bắt tay vào công việc rồi, tôi mới thấy hết những gian nan, thử thách mà mình và các thành viên khác trong đoàn sẽ phải đối mặt. Do kinh phí tỉnh cấp cho các đoàn quá eo hẹp (50 triệu đồng/đoàn) nên để có thể duy trì được hoạt động của 27 thành viên trong suốt gần ba tháng, chúng tôi không còn cách nào khác là phải lựa chọn “thực đơn” mì tôm “không người lái”, nghĩa là một thứ mì tôm không thịt, không trứng, thậm chí không cả hành ngò, rau xanh cho bữa sáng.

 

Một vụ cất giấu lâm sản trái phép bị đoàn kiểm tra phát hiện trong rừng. Ảnh: T.D
Một vụ cất giấu lâm sản trái phép bị đoàn kiểm tra phát hiện trong rừng. Ảnh: T.D

Bình thường ở nhà, sáng nào phải ăn mì tôm thì y như rằng, chỉ ngồi chơi không đến gần trưa đã thấy bụng đói cồn cào. Đằng này, chúng tôi lại đi rừng, lại trèo đèo, lội suối, lại cuốc bộ, đẩy xe. Mà đoạn đường thì nào có ngắn. Ngày ít cả đi cả về cũng 20 cây số, ngày nhiều có khi đến năm sáu mươi cây số. Đi suốt từ sáng đến quá trưa, nhiều hôm đến bốn năm giờ chiều mới về. Hôm nào chủ động mua bánh mì mang theo còn đỡ, chứ hôm nào chủ quan quên không mua, anh em phải lội rừng suốt từ sáng đến chiều với cái dạ dày lép kẹp, đói đến xanh xám mặt mày.

Cùng với cái đói triền miên trong những chuyến đi rừng, một cái khổ nữa mà nhiều thành viên trong đoàn đóng chốt tại ngã ba Hà Đông-Đak Sơ Mei phải chịu đựng, đó là việc thiếu nước sinh hoạt. Bữa tôi từ chốt Hải Yang qua đó là một ngày trời nắng như thiêu như đốt. Ngồi cùng anh em trong cái lều dựng ngay giữa ngã ba đường mà khắp người mồ hôi cứ vã ra như tắm. Vậy mà anh em bảo, đã bốn ngày rồi, chưa ai được tắm một lần, thành thử người ai cũng cứ “chua như mắm”. Mà nào chỉ thiếu nước tắm, ngay cả nước dùng cho ăn uống anh em cũng thiếu, phải tiết kiệm từng ca vì xung quanh không có nhà dân hay con suối nào.

 

Người lái, người đẩy để lên dốc là chuyện thường xuyên trong những chuyến lội rừng. Ảnh: T.D
Người lái, người đẩy để lên dốc là chuyện thường xuyên trong những chuyến lội rừng. Ảnh: T.D

Cứ đôi ba ngày một lần, xe của Hạt Kiểm lâm huyện lại phải chạy ra gần trung tâm xã Đak Sơ Mei chở từng can nước vào cho anh em dùng, mỗi lần mất cả vài trăm ngàn đồng tiền xăng. Chưa hết, đóng chốt ở đây, anh em còn phải căng mình ra để đối phó với đám ruồi vàng nhiều như vãi trấu. Chả cứ ngày hay đêm, chỉ cần anh em hở chút da chút thịt nào là lập tức chúng bu vào đốt, vết nào vết nấy sưng tấy, đau điếng. Thành thử, nóng như vậy mà anh em cấm có ai dám mặc quần áo cộc, đến ngủ trưa cũng phải buông màn. Còn nếu ngồi ăn cơm hay uống nước thì hai tay cứ phải hoạt động liên tục để… xua ruồi.
 

Sau hơn 2 tháng kiểm tra, truy quét lâm tặc trên địa bàn huyện Đak Đoa, Đoàn Kiểm tra liên ngành số 4 của tỉnh đã phát hiện 23 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, có 8 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép với tổng diện tích trên 3.500 m2; 15 vụ khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép. Đoàn đã lập biên bản tạm giữ trên 28,2 m2 gỗ các loại, 5 cưa xăng, 9 xe máy, 1 xe độ chế, 2 máy xúc, 7 rìu, rựa, cuốc giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Gian khổ, thiếu thốn trăm bề là vậy song những ngày cùng đoàn liên ngành tỉnh truy quét lâm tặc ở Đak Đoa, điều khiến tôi hết sức khâm phục là tinh thần nỗ lực vượt khó của anh em trong đoàn. Dù diện tích rừng Đak Đoa rất rộng, lên đến trên 21 ngàn ha, địa hình lại nhiều núi cao, bị chia cắt bởi nhiều con suối khiến việc đi lại hết sức khó khăn, hầu hết chỉ đi được bằng xe máy hoặc đi bộ nhưng sau hơn 2 tháng có mặt tại địa bàn, gần như không còn tiểu khu nào chưa có dấu chân anh em. Cũng bởi tinh thần làm việc đầy trách nhiệm ấy, đoàn đã phát hiện được hàng loạt những vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn để giao cho các cơ quan chức năng xử lý.

… Đợt truy quét lâm tặc của đoàn chúng tôi đang đi về những ngày cuối cùng. Chưa biết những gì Đoàn Kiểm tra liên ngành số 4 làm đã thật sự đúng với sự trông đợi mà UBND tỉnh giao cho hay chưa song với cá nhân tôi, và chắc các đồng nghiệp khác cũng như vậy, quãng thời gian tham gia đoàn dù vất vả nhưng thật sự ý nghĩa. Nó giúp chúng tôi có được cái nhìn sâu hơn, đầy đủ hơn về thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương với cả ưu điểm và vướng mắc; hiểu thêm những tâm tư, tình cảm, những khó khăn hàng ngày mà những người có trách nhiệm đang trực tiếp ngày đêm giữ rừng như các kiểm lâm viên và cán bộ, nhân viên các ban quản lý rừng phải đối mặt.

Mà điều này, với những phóng viên như chúng tôi, là cực kỳ quan trọng. Bởi chỉ có sự dấn thân và hiểu biết sâu sắc thực tế như thế, ngòi bút của chúng tôi mới có thể viết đúng, viết trúng, viết hay như những gì bạn đọc Báo Gia Lai vẫn tin tưởng, mong đợi.

Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.