(GLO)- Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên” diễn ra mới đây tại TP. Pleiku, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức. Trong số 15 tập thể và cá nhân đạt thành tích cao, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ trao đổi với thí sinh đạt giải nhất cuộc thi. Đó là cô giáo Bùi Thị Phương Hoa, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh-TP. Pleiku.
Các tập thể và cá nhân đạt thành tích cao trong cuộc thi. Ảnh: Thanh Nhật |
Khi biết được kế hoạch của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 3 tỉnh Gia Lai, Quảng Nam, Điện Biên phối hợp tổ chức cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên”, thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cô giáo Bùi Thị Phương Hoa đã dành nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu tìm hiểu, cũng như sưu tầm các tư liệu, hình ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó tiến hành dự thi.
Cô Hoa tâm sự: “Khi đánh máy được 100 trang thì ngày 4-10-2013 nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Xem lễ truy điệu Đại tướng, tôi ngồi trầm ngâm hết một buổi sáng, vừa xem vừa khóc và vừa suy nghĩ xen lẫn tình cảm xáo động rất nhiều. Tâm trạng tôi rất buồn, dẫu biết rằng Đại tướng anh hùng cũng không thể tránh khỏi quy luật của vòng đời là “sinh, lão, bệnh, tử”. Buồn vì trong cuộc chiến tranh vệ quốc tại Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nhiều chiến sĩ và người con đã anh dũng hy sinh. Đó cũng là một trong những yếu tố để giúp tôi quyết tâm chuyển từ đánh máy sang viết tay bài dự thi, thể hiện sâu sắc những tình cảm của bản thân mình với cuộc thi này. Viết đợt 1, đợt 2 rồi đợt 3, tuy khá vất vả nhưng tôi luôn nghĩ về sự khó khăn gian khổ của những con người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước, rồi động viên mình rằng, những gì bản thân làm được hôm nay chẳng thể nào so sánh được…”.
Cô giáo Bùi Thị Phương Hoa (thứ hai phải sang) cùng người thân và đồng nghiệp. Ảnh: Thanh Nhật |
Trong số rất nhiều tài liệu phục vụ cho bài viết, phải kể đến những cuốn sách giá trị như Thiên sử vàng Điện Biên Phủ 1954-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trận chiến oanh liệt Điện Biên Phủ…, cùng Trang thông tin của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Báo Gia Lai điện tử, các loại sách báo khác… Việc sưu tầm hình ảnh cũng khá công phu, chọn hình ảnh sao cho phù hợp với nội dung những trận đánh, thao tác chiến trường... Trong quá trình làm bài thi, cô đã cảm nhận sâu sắc về sự quyết định thay đổi chiến thuật từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, thắng chắc. Đó là sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng, của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam đó là lớp lớp những anh dân công tải vũ khí và phương tiện phục vụ, chị dân công tải lương thực ra chiến trường chỉ bằng xe đạp thô sơ và đặc biệt là cả một hậu phương vững chắc, đã chung sức chung lòng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 thật hào hùng cho dân tộc ta. Đó là chiến thắng của sức mạnh tinh thần đại đoàn kết, như lời dạy của Bác Hồ. Chiến thắng vĩ đại ấy đã ghi dấu một mốc son chói lọi và trang sử vẻ vang của dân tộc.
Qua tìm hiểu được biết, cô giáo Bùi Thị Phương Hoa là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường. Gia đình cô sống tại tổ 9, phường Ia Kring, TP. Pleiku. Cô cho biết thêm: “Để đạt được thành tích trên, tôi đã nhận được sự chia sẻ, cảm thông rất lớn của gia đình, đó là người chồng hiện công tác tại Viễn thông Gia Lai và 2 con trai. Bên cạnh đó, còn được sự quan tâm hỗ trợ, động viên của các đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, sự giúp đỡ tận tình và đặc biệt là bố tôi-người đã giúp tôi sưu tầm thêm nhiều tư liệu để hoàn thành tốt bài dự thi. Ông đã đến thư viện rất nhiều lần để tìm cho bằng được những quyển sách nói về Điện Biên Phủ cho con gái nghiên cứu, hoàn thành bài dự thi…”.
Trao đổi với phóng viên tại lễ tổng kết và trao giải của tỉnh Gia Lai, khi được Ban tổ chức công bố kết quả là thí sinh đạt giải nhất cuộc thi, cô giáo Bùi Thị Phương Hoa xúc động bộc bạch: Rất cảm ơn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, Quảng Nam, Điện Biên đã phối hợp tổ chức cuộc thi này. Quá trình nghiên cứu tài liệu là cơ hội tốt giúp tôi có thêm nhiều hiểu biết sâu sắc, nhận thức nhiều hơn về chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó cũng là những vốn quý làm hành trang cho bản thân trong quá trình giảng dạy, phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn, cũng như trong công tác đảng và đoàn thể tại nhà trường trong thời gian tới. Nhất là việc tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh ý nghĩa, mốc son chói lọi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và giáo dục tinh thần và sức mạnh đoàn kết nhất định sẽ thắng lợi-một truyền thống vốn quý của dân tộc Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thanh Nhật