40 năm xây dựng và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 40 năm, ngày 8-3-1975, tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) Đoàn Mê Linh- đơn vị tiền thân của Công ty TNHH một thành viên 74 ngày nay được thành lập theo quyết định của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 1.500 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Mê Linh nhận lệnh lên đường vào chiến trường miền Nam tiếp quản vùng giải phóng. Sau hơn một tháng hành quân vô cùng gian khổ, ngày 1-5-1975, đơn vị đã tập kết đầy đủ, đóng quân tại huyện Chư Pah (nay là huyện Đức Cơ). Và, ngày 8-3 được lấy làm ngày truyền thống của đơn vị.
 

Trung tá Hoàng Văn Sĩ-Giám đốc Công ty
Trung tá Hoàng Văn Sĩ-Giám đốc Công ty

Trên chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển (1975-2015), Công ty đã qua 7 lần thay đổi phiên hiệu (Trung đoàn Mê Linh, Trung đoàn 745, Nông trường 703, Nông trường Ia Kla, Nông trường 704, Công ty 74, Công ty TNHH một thành viên 74) và nhiệm vụ chính trị cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Song, ở bất kỳ giai đoạn nào, đơn vị cũng luôn kế thừa, phát huy truyền thống của Quân đội và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; bằng bàn tay, khối óc, công sức của mình đã biến vùng đất hoang sơ với nhiều tàn tích chiến tranh; dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu thành một vùng đất với màu xanh no ấm của bạt ngàn cao su, cà phê và vùng dân cư xã hội ngày càng trù phú. Cái đói đã không còn, cái nghèo đã giảm rất nhiều, sự no ấm và văn minh đã đến với bà con các thôn, làng trên địa bàn đơn vị đứng chân.

Với đặc thù vị trí đóng quân và địa bàn thực hiện nhiệm vụ ở vùng xa, vùng sâu, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, để khắc phục nguồn nước, đơn vị đã đầu tư xây dựng hàng chục hồ, đập; đồng thời mở rộng diện tích vườn cây đến đâu, triển khai, quy hoạch và hình thành các cụm, điểm dân cư đến đó. Hệ thống chăm sóc sức khỏe, văn hóa, giáo dục phát triển đồng bộ, tạo ra bộ mặt dân cư xã hội mới đan xen trong vùng cao su, cà phê tràn đầy hứa hẹn trên vùng biên giới.

Thành quả nổi bật của đơn vị là phát triển nhanh về diện tích khai hoang phục hóa, trồng mới cao su, tăng năng suất lao động và sản lượng mủ hàng năm. Năm 1998, với tinh thần “Một năm bằng 10 năm”, Công ty đã lập kỷ lục trong trồng mới cao su đạt 2.200 ha/năm. Các chiến dịch được phát động rộng khắp nhằm huy động lực lượng, trí tuệ tập thể trong thực hiện nhiệm vụ trồng mới tại huyện Chư Prông và vùng dự án tại huyện Oyadav, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia. Đến nay, Công ty đang quản lý, chăm sóc và thu hoạch 7.000 ha cao su và hơn 12 ha cà phê. Sản lượng mủ cao su quy khô có năm đạt 9.000 tấn. Riêng năm 2014 đạt 7.000 tấn. Năm 2006, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su trên tổng diện tích 9,6 ha với 2 dây chuyền sản xuất, công suất 10.500 tấn/năm; hệ thống xử lý nước thải được sử dụng hoàn toàn bằng công nghệ sinh học, không dùng hóa chất; 100% chất thải đều qua xử lý. Đây là một trong những nhà máy tương đối hiện đại trong khu vực tính đến thời điểm hiện nay.

 

 

Công ty đã và đang áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 nhằm nâng cao chất lượng bộ máy quản lý, chỉ huy, chất lượng nguồn lao động; thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật trong trồng mới, chăm sóc, thu hoạch, chế biến; xây dựng lực lượng công nhân lành nghề, tổ chức các lớp đào tạo mới, đào tạo lại để không ngừng nâng cao tay nghề kỹ thuật; duy trì đều các phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu có uy tín, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, giá trị sản xuất, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách luôn đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch; có năm thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng. Gần đây, giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp, Công ty gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, xây dựng đơn vị. Đảng ủy-Ban Giám đốc cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ, người lao động một lần nữa thể hiện được tinh thần vượt khó, đã có nhiều chủ trương, giải pháp duy trì bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động như: tập trung đổi mới phương pháp quản lý, chỉ huy; thực hành tiết kiệm triệt để, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; duy trì ổn định đơn giá tiền lương, phát triển thêm ngành nghề... Do vậy, Công ty vẫn đảm bảo ổn định thu nhập bình quân của người lao động 5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với phát triển kinh tế, Công ty đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tích cực thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” tham gia xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng 350 km đường nhựa, bê tông, cấp phối phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và việc đi lại của nhân dân trên địa bàn. Công ty cũng đã nâng cấp nhà máy thủy điện công suất 400 kW/giờ, có hàng chục các trạm biến thế, 600 km đường điện các loại; xây dựng 2 trường học và đã bàn giao cho ngành Giáo dục. Đến nay cơ sở vật chất, trụ sở Công ty và các đơn vị khang trang sạch đẹp; xây dựng, phát triển 6 cụm điểm dân cư; 16 điểm trường có 100 giáo viên, gần 1.000 cháu của các nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo, một trạm xá 20 giường bệnh và một phân trạm; góp phần tạo ra diện mạo mới ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa.

Trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển, Đảng ủy Công ty luôn xác định xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh là khâu then chốt để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đơn vị. Đảng bộ Công ty cùng các chi bộ trực thuộc luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Hơn 10 năm qua, Đảng bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu, hàng năm kết nạp 20- 25 đảng viên mới. Từ chỗ có 71 đảng viên năm 1975, đến nay đã có 321 đảng viên sinh hoạt tại 33 chi bộ. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Công ty cử nhiều cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức kinh tế, kỹ thuật nông-lâm nghiệp, trình độ lý luận chính trị, quân sự tại các trường trong và ngoài Quân đội, khuyến khích tinh thần vừa học, vừa làm, nhất là cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất. Đến nay, 100% cán bộ và nhân viên của Công ty được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; trong đó 71 người có trình độ đại học, cao đẳng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

 

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Công ty được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Lao động hạng ba, 1 Huân chương Lao động hạng nhì; được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư  lệnh Binh đoàn 15 và UBND tỉnh Gia Lai tặng nhiều cờ, bằng khen, giấy khen. Một cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng huân chương, huy chương cùng các hình thức khen thưởng khác.

Bên cạnh đó, công tác dân vận cũng được Công ty xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mình. Mỗi năm, Công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng để triển khai, thực hiện công tác dân vận với những hình thức đa dạng, phong phú, cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Đến nay, Công ty phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động được 1.468 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ nhận trồng, chăm sóc, khai thác trên 2.000 ha cao su, tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ tiền lương, cải thiện đời sống. Với phương châm “Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn làng”, Công ty đã có 22 đội sản xuất kết nghĩa với 26 thôn làng. Cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Công ty thường xuyên tuyên truyền, động viên nhân dân xây dựng nông thôn mới, từng bước xóa bỏ các hủ tục, ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn an ninh chính trị-trật tự xã hội tại địa phương; hướng dẫn đồng bào địa phương cải tạo vườn tạp; trồng, chăm sóc các loại cây hàng hóa, chăn nuôi gia súc, gia cầm... đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2006, Công ty đã sáng tạo và triển khai thực hiện mô hình “Gắn kết hộ” giữa hộ người Kinh với hộ người dân tộc thiểu số, đến nay có gần 1.000 cặp hộ gắn kết. Mô hình này đã và đang được nhân rộng trong Binh đoàn và toàn quân. Những  việc làm thiết thực đó đã góp phần to lớn làm thay đổi bộ mặt các thôn làng, cụm dân cư thành những điểm sáng về kinh tế-xã hội, xây dựng cuộc sống mới, củng cố niềm tin của bà con đối với Công ty, Binh đoàn và chính quyền địa phương.

Trong giai đoạn hiện nay, Công ty đang đứng trước những khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức toàn diện, bảo đảm mọi cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Công ty tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống, kiên định nhiệm vụ yên tâm gắn bó với đơn vị, với địa bàn, tích cực phấn đấu, nỗ lực hết mình, vượt qua những thách thức, tận dụng khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh; chủ động tìm kiếm thị trường; hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty càng tự hào với những mốc son lịch sử của đơn vị bao nhiêu thì càng xác định rõ hơn trách nhiệm nặng nề của mình trên vùng đất chiến lược bấy nhiêu. Từ đó, phát huy tốt hơn nữa truyền thống của đơn vị Anh hùng, thêm chắc tay súng, vững tay nghề; góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn đứng chân, xây dựng vùng biên giới ngày càng phát triển ổn định và bền vững, xứng đáng với sự tin tưởng và lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quân đội cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Trung tá Hoàng Văn Sĩ

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.