Trong khi người dân muốn tiêu cũng không có tiền thì trong lĩnh vực đầu tư công ngược lại: Có tiền mà không tiêu được. Đó là nghịch lý và báo động trong đầu tư công.
Hàng trăm tỉ đồng đầu tư công trở thành "áp lực buộc phải tiêu hết" từ nay tới cuối năm 2021. Ảnh ĐT 292.000 tỉ đồng, tức là hơn 10 tỉ USD đầu tư công trở thành "áp lực buộc phải tiêu hết" từ nay tới cuối năm 2021. |
Con số trên tưởng chừng vô lý nhưng là thực tế. Tổng vốn đầu tư công Chính phủ giao thực hiện trong năm 2021 là 461.300 tỉ đồng. Thế nhưng báo cáo mới nhất, tính đến hết tháng 7, mới chỉ có 169.335 tỉ đồng "dự kiến" được giải ngân, chỉ đạt 36,71% kế hoạch.
Báo cáo mới nhất của Chính phủ đã điểm mặt, chỉ tên hàng loạt bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân như Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ban Quản lý làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên minh các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam...
Nói cách khác là các cơ quan này từ đầu năm chỉ giải ngân được... 0 đồng.
Nếu đổ lỗi cho dịch COVID-19 thì không thuyết phục, bởi con số giải ngân 7 tháng đầu năm nay giảm tới 40,7% so với cùng kỳ năm 2020.
"Căn bệnh" chậm giải ngân đầu tư công nhiều năm qua đã tạo ra nút thắt cổ chai, gây ra rất nhiều hệ lụy và trở thành nghịch lý "vốn vay ế trong kho, có tiền không tiêu được, oằn lưng trả lãi nợ vay".
Năm ngoái, Chính phủ đã phải ra quyết định: Bộ, ngành, địa phương nào không giải ngân hết kế hoạch vốn sẽ bị hủy dự toán.
Rõ ràng đang có tình trạng "trên thông - dưới tắc" trong lĩnh vực đầu tư công.
Bởi vậy, công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16.8.2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đã đưa ra các giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn.
Công điện yêu cầu "thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền".
Đồng thời yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các bộ trưởng, thủ trưởng của 34 bộ, cơ quan và 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25% (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg)
Khi người dân cần từng đồng để an sinh nhưng tình trạng hàng trăm nghìn tỉ đồng "rủng rỉnh", "có tiền mà không tiêu" trong đầu tư công là một nghịch lý khó chấp nhận và có lỗi với người dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo Linh Anh (LĐO)