Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn đang trong độ tuổi lao động.
|
PGS Phạm Mạnh Hùng nói về sự thờ ơ của người dân trước nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ảnh: Thùy Linh |
Trong 2 ngày 16 và 17.10.2020, Hội Tim Mạch học Việt Nam tổ chức chương trình trực tuyến Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 được tổ chức tại 3 điểm cầu thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao nhất.
Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỉ USD mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch, hơn hết, số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam - cho biết: Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn đang trong độ tuổi lao động. Thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.
“Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh tim, chỉ là sớm hay muộn. Có trường hợp 27 – 28 tuổi cũng bị nhồi máu cơ tim phải cấp cứu; có tới 20% người dưới 40 tuổi mắc bệnh tăng huyết áp. Do đó cần thay đổi thói quen, lối sống, ăn uống để phòng bệnh tim mạch, như tăng cường vận động, tập thể dục, ăn thực phẩm ít dầu mỡ…”, PGS Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.
Từ cuối năm 2019 đến nay, cả thế giới đang đối mặt với một thách thức về sức khỏe chưa từng có: đại dịch COVID-19 với nhiều chục triệu người mắc bệnh và hàng triệu người tử vong.
Đại dịch COVID đã gây ra nhiều thay đổi, đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và trong mọi mặt hoạt động của chuyên ngành tim mạch nói riêng.
Theo thống kê tại Viện tim mạch Quốc gia, số bệnh nhân tới cấp cứu vì nhồi máu cơ tim giảm 30%, nhưng mức độ bệnh nặng lại tăng lên, thậm chí tử vong.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho hay với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới – Biến thách thức thành cơ hội”, lần đầu tiên Đại hội Tim mạch toàn quốc chuyển sang hình thức trực tuyến, trước một năm đầy biến động của đại dịch và trong thời đại phát triển không ngừng của kỹ thuật số. Đại hội dự kiến sẽ kết nối tới hơn 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế ở 4 phân hội lớn trong nước, 5 hiệp hội và bệnh viện quốc tế. Thông qua 108 báo cáo viên là các Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch trên toàn thế giới, Hội Tim mạch sẽ mang tới 10 kênh hội thảo trực tuyến phát liên tục với hơn 12 phiên đào tạo liên tục cùng 91 phiên báo cáo khoa học. Hội Tim mạch là một trong những hội đầu tiên ứng dụng nền tảng họp trực tuyến để thực hiện một kỳ Đại hội với quy mô lớn, kết nối Việt Nam và quốc tế. |
Theo THÙY LINH (LĐO)