Sản xuất giấy bao bì tại doanh nghiệp 22/12, Cụm công nghiệp Quang Trung, thành phố Quy Nhơn. |
Theo Quyết định, các hoạt động của Chương trình sẽ được thực hiện theo ba dự án là hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể; và tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Chương trình sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ pháp chế cho cán bộ pháp chế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chương trình sẽ xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn một của Chương trình được thực hiện trong hai năm 2010-2011, sẽ tập trung triển khai điểm tại bảy địa phương gồm Cần Thơ, Đak Lak, Đồng Nai, Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Trong giai đoạn này, Chương trình sẽ bảo đảm 95% doanh nghiệp tại bảy địa phương trên có điều kiện tiếp cận thường xuyên với thông tin pháp luật thông qua các hình thức phù hợp; đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng cho doanh nghiệp.
Giai đoạn hai được thực hiện từ năm 2012-2014, sẽ nhân rộng mô hình hỗ trợ đối với các địa phương còn lại. Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình là bảo đảm 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tư vấn về các nội dung cơ bản của pháp luật kinh doanh.
Sau đó, Chương trình sẽ được tổng kết, đánh giá kết quả và đề xuất định hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến năm 2020.