Chương trình JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỉ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Theo tin từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, ngày 14-12, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG), bao gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) đã thống nhất một Chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) mạnh mẽ.
Các đại diện tại Brussels - Bỉ. Nguồn: Đại sứ quán Anh |
Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.
Chương trình JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỉ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam hướng tới một số mục tiêu mới đầy tham vọng: Đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến ở Việt Nam từ năm 2035 thành năm 2030; giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2, đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính sớm hơn 5 năm, thành năm 2030; giảm công suất điện than của Việt Nam từ mức 37 GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2 GW; đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỉ trọng hoạch định hiện nay là 36%).
Việc thực hiện thành công các mục tiêu đầy tham vọng này sẽ giúp giảm phát thải khoảng 500 triệu tấn (một nửa giga tấn) từ giờ đến năm 2035.
Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU diễn ra tại Bỉ - Ảnh: Nhật Bắc |
Những đóng góp ban đầu cho JETP Việt Nam bao gồm 7,75 tỉ USD cam kết từ IPG, bên cạnh Ngân hàng phát triển châu Á và Tập đoàn Tài chính quốc tế. Bên cạnh đó là cam kết huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho khoản đầu tư đối ứng từ tư nhân trị giá 7,75 tỉ USD từ một nhóm tổ chức tài chính tư nhân tham gia trong giai đoạn đầu do Liên minh Tài chính Glasgow cho Net Zero (GFANZ) điều phối, bao gồm Bank of America, Citibank, Deutsche Bank, HSBC, Macquarie Group, Mizuho Financial Group, MUFG, Prudential PLC, Shinhan Financial Group, SMBC Group, và Standard Chartered.
Trong vòng 12 tháng tới, Việt Nam sẽ làm việc với các nước đối tác để xây dựng và thông qua Kế hoạch Huy động Nguồn lực của JETP Việt Nam; kế hoạch này sẽ tạo điều kiện thực hiện tài trợ và chiến lược của JETP.
Việt Nam là quốc gia thứ ba triển khai JETP, sau sự ra mắt thành công của JETP cho Nam Phi tại COP26 và JETP Indonesia tại Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G20 năm nay. Là một nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng, và với Chương trình JETP, Việt Nam sẽ chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế không song hành với tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch.
JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên Quan hệ đối tác Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) của nhóm các quốc gia G7 do Vương quốc Anh khởi xướng, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Vào tháng 6-2022, các nhà lãnh đạo thuộc G7 đã thống nhất xúc tiến đàm phán với các quốc gia về JETP - một cơ chế thực hiện cốt lõi của PGII.
Trọng tâm của JETP là đảm bảo quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch được công bằng. Một quá trình chuyển dịch công bằng sẽ không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn đảm bảo một tương lai thịnh vượng và đủ sức chống chịu cho người dân, giảm tác động của ô nhiễm và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như tạo việc làm mới. Điều quan trọng là toàn bộ xã hội dân sự cần được tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh ở tất cả các giai đoạn và không ai bị bỏ lại phía sau.
Việc thực hiện thành công các mục tiêu đầy tham vọng này sẽ giúp giảm tổng cộng khoảng 200 triệu tấn khí nhà kính đến năm 2030 và giảm thêm 300 triệu tấn nữa đến năm 2035, giúp hạn chế phát thải tổng cộng khoảng 500 triệu tấn hoặc nửa giga tấn thông qua JETP từ giờ đến năm 2035, và có thể giảm được hơn nữa sau 2035. |
Theo DƯƠNG NGỌC (NLĐO)