Vẹn nguyên lời thề giữ vững biên cương Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai vừa khánh thành Bia tưởng niệm các liệt sĩ Biên phòng tỉnh hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Đây là biểu tượng của lòng quả cảm cũng như ký ức về những ngày tháng quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Sắt son lời thề giữ đất
Đường lên biên giới Đức Cơ mùa này ngập nắng, thi thoảng 2 bên đường vẫn còn những cây mai bung hoa như báo hiệu mùa xuân vẫn còn đâu đó. Cách Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh không xa là Nhà bia tưởng niệm ghi danh 10 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh với lời thề giữ trọn từng tấc đất của Tổ quốc... Khi ngã xuống, những chàng trai ấy tuổi chỉ mười tám, đôi mươi nhưng đã chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên cường. 
40 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng ấy vẫn in đậm trong tâm trí nhiều cựu chiến binh. Đưa tay lau những hạt bụi trên tấm bia ghi danh 10 liệt sĩ, cựu chiến binh Đoàn Khánh Tân (trú tại tổ 4, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) nhớ lại: “Trong giai đoạn 1977-1979, bọn phản động Pol Pot nhiều lần khiêu khích, nổ súng về phía ta, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn 469 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) vẫn bình tĩnh tuyên truyền và chuẩn bị công sự, vũ khí sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Chính vì thế, khi địch tràn sang bao vây đồn, anh em trong đơn vị đã chiến đấu với quyết tâm thà hy sinh tất cả chứ không để mất đồn, mất đất. Đặc biệt, từ ngày 18 đến 26-6-1978, địch đã kéo 1 tiểu đoàn bao vây nổ súng tấn công đồn. Trước sự tàn bạo của kẻ địch, anh em trong đơn vị đã anh dũng dựa vào công sự, vật cản để đánh trả. “Mặc dù nhiều đồng đội của chúng tôi bị thương nhưng không ai nao núng tinh thần, ai bị thương thì băng bó tạm và tiếp tục cầm súng. Riêng bản thân tôi sử dụng cối B40 bắn vào đội hình địch, không cho chúng tràn lên chiếm đồn. Nguyên tắc sử dụng cối B40 là phải bắn từ từ bởi tiếng nổ của nó có thể làm người sử dụng ù tai, thế nhưng do địch quá đông, tôi phải bắn 4, 5 quả đạn liên tục, bắn xong tai mình không nghe được âm thanh gì nữa”-ông Tân nhớ lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 4 từ phải sang) cùng các đại biểu thắp hương viếng các liệt sĩ.    Ảnh: V.H
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 4 từ phải sang) cùng các đại biểu thắp hương viếng các liệt sĩ. Ảnh: V.H
Các tư liệu lịch sử ghi lại: 16 cán bộ, chiến sĩ của Đồn 469 đã anh dũng, kiên cường chống chọi với 1 tiểu đoàn của địch được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại. Mặc dù chịu tổn thất nặng nề nhưng họ đã anh dũng chiến đấu cầm chân địch trong 9 ngày đêm để các lực lượng của ta chi viện đánh đuổi, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Gạt những giọt nước mắt vì nhớ thương đồng đội xen lẫn niềm xúc động khi được trở lại chiến trường xưa, cựu chiến binh Đoàn Khánh Tân kể tiếp: “Khó khăn nhất của chúng tôi trong 9 ngày đêm ấy không chỉ là chống lại 1 tiểu đoàn địch tàn bạo, hung ác mà còn là việc thiếu nước sạch. Địch bao vây đồn, anh em không thể xuống suối lấy nước. Chờ khi có mưa, chúng tôi đưa những thùng phuy ra hứng nước thì lại bị chúng bắn thủng. Trong cái khó ló cái khôn, anh em vừa chiến đấu vừa buộc những lá chuối thành những cái mo hứng nước mưa để sử dụng. Toàn đơn vị đã chiến đấu anh dũng bảo vệ vững chắc từng tấc đất nơi biên cương. Và lời thề giữ đất đã đánh đổi bằng máu xương của 10 đồng đội chúng tôi”.
Vì biên giới hòa bình, hữu nghị
Phát biểu tại lễ khánh thành Bia tưởng niệm các liệt sĩ Biên phòng tỉnh hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh-nhấn mạnh: “Các thế hệ đi trước đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Máu xương các anh đã đổ xuống để chúng ta có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước toàn vẹn lãnh thổ như hôm nay. Chính vì thế, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Biên phòng tỉnh nói chung và các lực lượng bảo vệ biên giới nói riêng cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Nhắc lại quá khứ để thấy truyền thống và tinh thần bất tử của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, cũng là nhắc nhở chúng ta với trách nhiệm trong xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Chính vì thế, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, các lực lượng trên địa bàn biên giới cần thực hiện tốt công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu với các đơn vị của Campuchia để cùng nhau chung tay xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị để 2 nước cùng phát triển”.
 Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Quốc tế Cửa khẩu Lệ Thanh tích cực giúp dân phát triển kinh tế.    Ảnh: V.H
Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Quốc tế Cửa khẩu Lệ Thanh tích cực giúp dân phát triển kinh tế. Ảnh: V.H
Với những chiến công xuất sắc trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, tháng 12-1979, Đồn Biên phòng 649 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm nay đã bước qua mùa rẫy thứ 70, khát vọng xây dựng khu vực biên giới hòa bình vẫn đau đáu trong tâm trí già làng Rơ Châm Tích (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ). “Mình vẫn thường dẫn lũ thanh niên trong làng đến Bia tưởng niệm để chúng hiểu được làng mình bình yên và tươi đẹp như hôm nay là nhờ xương máu của các chiến sĩ đã ngã xuống. Vì vậy phải cùng nhau đoàn kết để xây dựng biên giới bình yên, không nghe theo lời kẻ xấu vượt biên. Làng mình có mối quan hệ huyết thống và thân tộc với các làng bên kia biên giới của nước bạn nên cũng thường xuyên giao lưu, thăm hỏi động viên nhau phát triển kinh tế và cùng nhau bảo vệ biên giới”-già làng  Rơ Châm Tích chia sẻ. Cũng chính điều đó đã thôi thúc vị già làng tiêu biểu này có nhiều cống hiến trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới. Ông cho hay: “Nhà mình có 3 người con thì 2 người tham gia lực lượng Biên phòng để bảo vệ biên giới. Mình hy vọng các con sẽ phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”.
Trò chuyện với chúng tôi về trách nhiệm của những người lính hôm nay trong việc xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, Thượng tá Đinh Hữu Ninh-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-khẳng định: “Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, những năm qua, cùng với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã tích cực làm tốt công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế. Cùng với đó, chúng tôi cũng tổ chức giao lưu, thăm hỏi và trao đổi thông tin với các đơn vị bạn để phối hợp xử lý tốt các tình huống phát sinh. Việc làm ấy đã góp phần xây dựng đường biên giới 2 nước hòa bình, hữu nghị”.
Chia tay biên giới, trước mắt tôi vẫn hiện hữu tấm bia khắc ghi chiến công của các liệt sĩ. Những dòng chữ đỏ tươi ấy như nhắc nhở các thế hệ hôm nay về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ biên cương, bờ cõi.
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.