Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với an ninh ND vững mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của toàn tỉnh Gia Lai, trên khu vực biên giới, các tiềm lực về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị... luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, ngày càng được củng cố, phát triển.
Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động nền nếp, có hiệu quả. Công tác phân giới, cắm mốc được quan tâm thúc đẩy, tuyến đường tuần tra biên giới của tỉnh được đầu tư xây dựng, hiện đạt khoảng 71,8% khối lượng công việc đề ra, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để đưa người dân vào sinh sống, phát triển sản xuất tại các cụm, tuyến dân cư dọc biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trên đường tuần tra bảo vệ biên giới.  (Ảnh nguồn internet)
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trên đường tuần tra bảo vệ biên giới. (Ảnh nguồn internet)
Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới đem lại nhiều kết quả thiết thực; dọc theo tuyến biên giới đều có các tổ tự quản đường biên, cột mốc, cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Phong trào hướng về biên giới được các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đặc biệt quan tâm; hàng năm, nhiều chương trình giao lưu, thăm hỏi, động viên lực lượng Bộ đội Biên phòng được chú trọng tổ chức thực hiện. Các chính sách đối với Bộ đội Biên phòng cũng như các gia đình chính sách, người có công được quan tâm thực hiện với những mô hình như: xóa nhà tạm bợ dột nát, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó học giỏi… làm yên lòng dân, ấm lòng chiến sĩ nơi biên giới, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh. Quan hệ đối ngoại hai bên biên giới được giữ vững, ngày càng có chiều sâu, thiết thực, tạo môi trường ổn định lâu dài, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nổi lên là: Công tác phân giới, cắm mốc tiến triển chậm do nhận thức của hai bên về đường biên giới còn khác nhau. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, xuất-nhập cảnh trái phép, tội phạm ma túy có dấu hiệu gia tăng, hoạt động ngày càng manh động, tinh vi. Trong khi đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực biên giới mặc dù từng bước đã được cải thiện, song so với mặt bằng chung trong tỉnh và miền xuôi thì vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh. Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là phải xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh ở khu vực biên giới. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đặc biệt là tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.   
Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân”; tổ chức tốt các hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân”, đưa hoạt động này thành nền nếp, có hiệu quả thiết thực. Thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” với phương châm “Ở đâu có đường biên, mốc giới, ở đó có nhân dân tham gia bảo vệ” gắn với việc tổ chức đưa dân ra biên giới, đảm bảo nhân dân thực sự là chủ thể, lực lượng Bộ đội Biên phòng là nòng cốt quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới.  Ảnh: P.D
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: P.D
Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững gắn với quốc phòng-an ninh trên khu vực biên giới. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới, nhất là các chương trình, dự án về nâng cấp, mở đường ra biên giới, đường vành đai, đường tuần tra biên giới...
Bốn là, tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới; thực hiện có hiệu quả chủ trương đưa cán bộ, đảng viên của các Đồn Biên phòng xuống tham gia sinh hoạt tại chi bộ các thôn, làng biên giới và giữ các chức vụ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Năm là, thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh chính quy, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Tăng cường công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phối hợp hiệp đồng chiến đấu giữa 3 lực lượng: Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010 của Chính phủ. Quan tâm hỗ trợ các trang-thiết bị phục vụ cho hoạt động công tác, sinh hoạt, học tập của cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Sáu là, quan tâm đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của các cấp chính quyền, các ngành, các lực lượng và nhân dân khu vực biên giới; thực hiện tốt việc kết nghĩa giữa các cụm dân cư ở hai bên biên giới, tạo điều kiện cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương giáp biên giao lưu, trao đổi, hợp tác cùng phát triển.
Dương Văn Trang
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.