Ngôi nhà mới của tân binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nay, Quân đoàn 3 đón nhận hàng ngàn chiến sĩ mới từ 7 tỉnh, thành trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Để các tân binh nhanh chóng hòa nhập vào môi trường quân đội, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ, động viên và chia sẻ khó khăn với họ.

Vừa là đồng chí, vừa là anh em

Từ ngày tiếp nhận 567 chiến sĩ mới của tỉnh Quảng Ngãi, các cán bộ ở Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) bận rộn hơn rất nhiều, từ bố trí nơi ăn ở, huấn luyện đến gặp gỡ tâm sự, động viên tân binh. Thiếu tá Đặng Thành Tuyên-Chính ủy Trung đoàn 48, chia sẻ: Để các tân binh nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ trung đội, đại đội phải thường xuyên gần gũi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ.

 

Hướng dẫn các chiến sĩ mới gấp chăn. Ảnh: V.H
Hướng dẫn các chiến sĩ mới gấp chăn. Ảnh: V.H

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là trình độ học vấn của chiến sĩ mới không đồng đều, có người tốt nghiệp đại học nhưng cũng có  người chỉ mới học hết lớp 9. Chính vì thế, cán bộ phải tìm ra phương pháp tối ưu để mọi chiến sĩ có thể tiếp thu được nội dung học tập tương đồng, đi từ dễ đến khó, không nóng vội để giảm bớt áp lực cho các tân binh. Cùng với đó, cán bộ phải coi chiến sĩ mới như người em trong gia đình để chỉ bảo, hướng dẫn và cùng nhau chia sẻ vui buồn.

Hầu hết cán bộ tham gia huấn luyện chiến sĩ mới mà chúng tôi gặp đều cho biết, mỗi lần huấn luyện chiến sĩ mới giống như một lần “chăm con mọn”. Đại úy Lê Anh Thương-Chính trị viên phó Tiểu đoàn 21 (Bộ Tham mưu Quân đoàn 3), tâm sự: Từ sáng sớm cho đến lúc đi ngủ, từ huấn luyện đến tổ chức hoạt động phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, chúng tôi phải liên tục có mặt cùng bộ đội. Quá trình huấn luyện chiến sĩ mới phải đi từ thấp đến cao, trong đó những buổi đầu phải hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, tránh để anh em có cảm giác không theo được các hoạt động của đơn vị, từ đó sinh ra chán nản. Cần tăng cường thời gian cho việc tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt để giúp chiến sĩ mới có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Trưởng thành trong môi trường mới

Khi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, mỗi thanh niên đều mang trong mình khát vọng, hoài bão riêng nhưng tựu trung, vẫn là thực hiện trách nhiệm của công dân và mong muốn được trưởng thành hơn trong môi trường quân đội. Rời xa gia đình, xa vòng tay chăm sóc của người thân để bước vào môi trường quân đội, ban đầu, những chiến sĩ trẻ thường rất nhớ nhà.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh, anh Ngô Văn Thịnh (huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) xin được dạy hợp đồng ở một trường học ở quê. Nhưng khi biết có đợt tuyển quân, anh đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được phân về Tiểu đoàn 15 (Sư đoàn 320). Gặp chúng tôi tại thao trường huấn luyện, anh Thịnh cho biết: “Nhà  tôi có 3 anh em, bố mẹ là nông dân. Mặc dù đã học xong đại học và đi làm nhưng tôi vẫn muốn được vào bộ đội để cống hiến sức trẻ của mình và được rèn luyện, trưởng thành hơn. Ban đầu về đơn vị, tôi và đồng đội có nhiều bỡ ngỡ. Nhưng được sự quan tâm động viên của cán bộ, chỉ huy, giờ đây tôi đã nguôi đi nỗi nhớ nhà. Tôi sẽ cố gắng rèn luyện thật tốt để được phục vụ lâu dài trong quân đội”.

Khi bước vào môi trường quân đội có tính rèn luyện và kỷ luật cao, phải thực hiện đầy đủ 11 chế độ trong ngày và 3 chế độ trong tuần, nhiều chiến sĩ mới cảm thấy nhớ nhà. Nhưng được sự quan tâm động viên của đồng đội, họ đã nhanh chóng hòa nhập. Mới xa gia đình 2 tuần nhưng qua những ngày ở đơn vị, từ xưng hô, đi lại, ăn ở của các chiến sĩ đã đi vào nền nếp. Tân binh Đỗ Ngọc Thạch (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)-chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 21, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3, cho biết: “Khi về đơn vị mới, chúng tôi được hướng dẫn thực hiện tác phong nghiêm túc, các chế độ sinh hoạt, ăn ở đều phải đúng quy định. Trước đây, khi ở nhà, tôi có thể thức khuya nhưng ở đơn vị đúng giờ phải đi ngủ, đến giờ tập thể dục phải ra thao trường. Lúc đầu huấn luyện chưa quen với thời tiết nên tôi cũng hơi mệt, nhưng giờ đã thích ứng được”.

Chiến sĩ Hồ Văn Quế (phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) sau khi nhập ngũ được phân công về Tiểu đội 1 (Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273). Gặp chúng tôi khi vừa kết thúc buổi huấn luyện trên thao trường, anh Quế cho biết: “Lúc đầu, tôi nhớ nhà lắm, đêm cứ nghĩ về gia đình. Nhưng được sự động viên của các đồng chí, đồng đội, cùng với những giờ huấn luyện thể dục thể thao ở đơn vị, tối sinh hoạt văn nghệ nên giờ tôi cũng đã quen. Tôi sẽ cố gắng huấn luyện thật tốt để hết 3 tháng huấn luyện được về thăm gia đình”.

Vĩnh Hoàng-Duy Hiển

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.