C90 và trận chiến bi hùng năm ấy…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong 2 đơn vị lọt vào trung tâm đầu não địch và giáng cho chúng những đòn choáng váng, C90 Đặc công đã viết nên một khúc ca bi tráng “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bài viết thể hiện qua lời kể của Đại úy cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương-người đã có mặt đến tận những giờ phút cuối cùng của trận huyết chiến ấy sẽ cho bạn đọc cảm xúc thêm về một mùa Xuân hoa lửa.

…Đêm 30 phân phất lạnh. Từ chập tối, 54 anh em C90 đặc công đã có mặt tại làng O Sơr. Hướng Pleiku tiếng pháo mừng Xuân lúc gần lúc xa vọng về làm lâng lâng trong tôi một niềm xao xuyến… Chỉ còn hơn 4 tiếng đồng hồ nữa là thời khắc Giao thừa. Nếu thuận lợi, rất có thể sáng mai chúng tôi sẽ được ăn Tết với bà con thị xã. Lúc phổ biến nhiệm vụ cho chúng tôi, Đại đội trưởng Lê Kim nói rằng đây sẽ là một trận đánh lớn để giải phóng Pleiku. Thế nên trái với mọi lần ra trận với bộ trang phục của lính Đặc công, hôm nay chúng tôi đều đem những bộ quân phục mới nhất ra mặc. Nhìn sang anh em, ai dường như cũng một niềm háo hức như tôi. Trừ Đại đội trưởng Kim và Chính trị viên Thu, chúng tôi lúc ấy còn trẻ lắm. Trẻ nên coi cái chết cứ như không lại pha chút lãng mạn. Nhân đây cũng kể thêm chút về đơn vị chúng tôi…

 

Khu mộ chung và đền tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Pleiku trong cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1968. Ảnh: H.T
Khu mộ chung và đền tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Pleiku trong cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1968. Ảnh: H.T

C90 Đặc công được thành lập tháng 12-1967, tách ra từ Tiểu đoàn Đặc công 408 tỉnh Gia Lai. Địa bàn hoạt động của chúng tôi là khu 9, tức TP. Pleiku bây giờ. Thành lập chỉ mới hơn 1 năm nhưng C90 đã đánh trên 10 trận. Điển hình là các trận tập kích căn cứ Sư đoàn 4 Mỹ ở La Sơn, đánh khách sạn Hội An, sân bay Area… diệt hàng trăm tên địch, phá hủy hàng chục máy bay, xe quân sự khiến kẻ thù bao phen khiếp đảm.

Tiếng pháo mừng Xuân của bà con thị xã mỗi lúc mỗi gần. Sau hơn 3 giờ hành quân, các mũi chiến đấu đã lần lượt áp sát mục tiêu. Địch không hề hay biết. Kim đồng hồ chậm chạp nhích… Giờ G…

Tiếng bộc phá phát lệnh của tổ thọc sâu chuyển rung mặt đất. Các mũi chiến đấu đồng loạt xông lên. Tiếng pháo đón Giao thừa ngập ngừng rồi im bặt. Tỉnh đoàn bảo an, khu đại đội thám báo biệt kích, nhà lao Pleiku, Ty cảnh sát… ngập chìm trong khói lửa. Bị đòn bất ngờ giữa sào huyệt lại không biết lực lượng, hướng đánh của ta ra sao, địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy tán loạn. Chúng tôi lúc đầu còn dùng súng của mình, sau để tiết kiệm đạn cứ dùng ngay súng của chúng, hết đạn lại vứt. Trong vòng không đầy 5 giờ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu được phân công, giải thoát cho hơn 200 chiến sĩ cách mạng bị địch cầm tù… Lúc này, tiếng súng AK, bộc phá cũng vang lên giòn giã phía Hội Phú. Từng vệt đạn bay lên sáng rực màn đêm. Vậy là các hướng quân ta cũng sắp vào thị xã! Tập hợp đơn vị, chúng tôi vô cùng phấn khởi vì đại đội chỉ hy sinh có một người, không ai bị thương…

Trời sáng rõ dần…

Trong ánh ban mai xám ngoét, tiếng trực thăng địch bỗng đan nhau như sấm rền. Những tiếng súng chúng tôi mong đợi thưa dần rồi im bặt. Không bắt được liên lạc với  đơn vị bạn và cũng không hay các mũi tấn công vào thị xã đang bị địch chặn lại ở vòng ngoài, Đại đội trưởng Lê Kim quyết định chốt lại vị trí bây giờ là Trường THPT Chuyên Hùng Vương. Nơi này bấy giờ có lẽ là trận địa địch dựng lên để phòng thủ nên có khá nhiều hầm hố và bao cát. Chúng tôi khẩn trương củng cố công sự, kiểm tra lại vũ khí. Đại đội trưởng, Chính trị viên đi từng vị trí kiểm tra, bố trí hỏa lực và quán triệt: “Địch chắc sẽ phản kích mạnh. Cuộc chiến đấu sáng nay rồi sẽ vô cùng ác liệt. Các đồng chí không ai được rời vị trí nếu không có lệnh. Có hy sinh thì hy sinh tại đây”. Sự cứng rắn mà vẫn thoáng chút bùi ngùi trong mệnh lệnh người chỉ huy khiến chúng tôi im lặng nhìn nhau. Bộ quần áo đẹp nhất mặc để “ra mắt” bà con thị xã giờ tơi bời bụi đất. Ai cũng đói và mệt. Mong ước được ăn một cái Tết đầu tiên giữa phố vậy là tiêu tan… Nói vậy nhưng chúng tôi đâu có nhiều thời gian để vân vi phút yếu lòng… Sau mấy vòng quần đảo, máy bay địch đã phát hiện chúng tôi. Những con nòng nọc lượn rất gấp rồi châu đầu lại. Rốc két, đạn súng máy phóng xuống như mưa rào. Khu đất nhỏ bé rách tướp rung lên bần bật. Tai chúng tôi ù đặc vì tiếng nổ, mắt cay xè khói bom và bụi cát…

Hết đợt trút rốc két và súng máy, chúng lại ném bom xăng.

Mảnh đất nát như xơ mướp giờ trở thành biển lửa. Cổ họng chúng tôi nghẹt đắng vì bụi khói và cả mùi thịt cháy từ xác giặc hồi hôm. Không cam chịu một bề, chúng tôi dùng AK bắn trả khiến bọn trực thăng không còn dám bay thấp. Chúng phải dạt ra xa rồi phóng rốc két tới. Lúc này, phía đường Lý Thái Tổ và Sư Vạn Hạnh xe tăng địch cũng bắt đầu xuất hiện. Chúng vừa tiến vừa nã pháo, hình thành hai gọng kìm bủa vây lấy chúng tôi… Sau những trận mưa pháo không thấy tiếng súng nào đáp trả, yên trí là chúng tôi đã bị nghiền nát, lũ xe tăng theo sau là đám bộ binh nghênh ngang tiến vào. Đợi cho chúng đến thật gần, B40, AK đồng loạt nhả đạn. Chiếc đi đầu bốc cháy khiến chúng phải hốt hoảng dạt ra. Hiểu là vẫn chưa nghiền nát được chúng tôi và còn người cuối cùng thì chúng tôi vẫn còn chiến đấu, chúng thay đổi chiến thuật. Trên trời trực thăng từ xa phóng rốc két vào. Dưới đất xe tăng câu pháo tới. Đạn chúng đan dày ngỡ có thể chạm vào nhau… Lúc này thì đại đội hoàn toàn tê liệt. Cay đắng và bất lực, chúng tôi chỉ còn biết gửi nhau lời vĩnh biệt qua ánh mắt lặng thầm…

Cho đến tối mịt, cuộc oanh kích điên cuồng của địch mới ngừng hẳn.

Tôi tỉnh lại trong căn hầm tối như hũ nút. Phải cố hết sức mới lật mình nổi. Bốn anh em cùng tổ đã hy sinh, xác đè lên người tôi. Một cơn đau buốt xối lên óc. Rờ rẫm, tôi thấy mình đã bị thương vào cổ. Căn hầm sập ép lại không còn biết cửa ở đâu, tôi cứ dùng tay điên cuồng bới cát. Một lúc sau, ánh sáng lờ nhờ hiện ra, tôi theo lối trườn lên. Lửa vẫn dật dờ cháy. Mùi khói đạn nồng nặc. Trên trời địch đang thả pháo sáng cầm canh. Đang chưa biết phải làm gì thì chợt nghe loáng thoáng tiếng người. Theo phản xạ, tôi lập tức giương súng chĩa về phía tiếng động… Khe khẽ, hình như ai đang gọi tên tôi… Anh Thu! Tôi suýt reo lên. Nỗi vui sướng vì vẫn còn đồng đội làm tôi muốn nghẹt thở. Trong khoảng sáng nhập nhoạng, tôi nhận ra sau anh còn có Trung đội trưởng Châm, anh Bồi, anh Đô, Kri và Yun. Bảy anh em chụm lại bàn tính. Anh Thu bảo 4 anh không bị thương đi từng hầm kiểm tra kỹ lại xem còn ai sống nữa không. Lúc sau, 4 anh quay về xác định là anh em đã hy sinh hết. Anh Thu định chôn cất anh em xong rồi hãy rút ra. Tuy nhiên, có anh bàn nếu chôn anh em tại đây, ngày mai thế nào địch cũng đến bới lên. Vả lại chỉ còn 7 anh em mà người bị thương, người đang kiệt sức… Không còn cách nào khác, chúng tôi đành gạt nước mắt để đồng đội nằm lại mà đi…

 

Ông Nguyễn Thế Lương-một trong 7 chiến sĩ còn lại của C90 Đặc công trong trận chiến bi hùng.  Ảnh: N.T
Ông Nguyễn Thế Lương-một trong 7 chiến sĩ còn lại của C90 Đặc công trong trận chiến bi hùng. Ảnh: N.T

Trong 4 anh em bị thương thì Kri nặng nhất, anh Châm phải dìu. Chúng tôi lần xuống tới bờ suối thì trời sáng, đành phải nấp lại. Để an toàn, chúng tôi phải chui vào những lùm cây gần hố xí nhà dân, chịu cái đói và cơn đau dày vò chờ tối. Những ngày sau đó cứ ngày thì nấp, bứt lá nhai cho đỡ đói; đêm xuống lại đi… Như trong mây gió, như bằng những bước chân không phải của mình, 7 ngày đêm ròng rã chúng tôi mới về được nơi xuất phát… Dù biết chắc đơn vị chỉ còn lại mấy chúng tôi, nhưng không ai muốn tin anh em đã hy sinh hết. Ai cũng nghĩ biết đâu có người về trước ùa ra đón… Nhưng căn cứ vắng tanh. Địch vừa đổ quân xuống đây. Ba lô, quân-tư trang bị chúng lấy sạch. Chẳng có phép màu nào cả. 47 anh em thân thiết đã vĩnh viễn nằm lại thật rồi…

Những ngày sau, qua nguồn tin cơ sở, chúng tôi được biết: Mãi đến sáng mùng 2 Tết, bọn địch mới dám xông vào nơi tử chiến. Chúng đưa xác anh em về tập trung tại sân vận động rồi đưa ra Hội Phú lấp thành ngôi mộ chung, nơi chúng ta lập đền tưởng niệm hiện nay…

Bảy anh em chúng tôi thoát ra thì sau đó Kri bị thương nặng không qua khỏi; anh Bồi, Yun hy sinh trong các trận đánh tiếp theo. Anh Thu bị thương ra Bắc điều trị. Anh Châm sau về làng rồi mất. Anh Đô sau giải phóng về sinh sống ở Quy Nhơn. Vậy là ở Gia Lai C90 nay chỉ còn lại mình tôi…

Vĩ thanh     

Một cảm xúc tâm linh choáng ngợp trong tôi khi đứng trước ngôi mộ chung của các liệt sĩ dù bên kia bức tường vẫn là âm thanh ồn ã đời thường. Ông Võ Phước Sanh-người trông coi khu tưởng niệm khi nghe hỏi “làm công việc này lâu chưa” đã trả lời tôi một cách hãnh diện: “Hơn 20 năm. Nhưng thật ra thì đã chẵn 50 năm rồi”. Thấy tôi tỏ vẻ không hiểu, ông kể: “Mùng 2 Tết năm ấy, nghe người lớn kháo nhau “Mỹ đưa xác bộ đội, súng ống về trưng ngoài sân vận động Pleiku nhiều lắm”, tính trẻ con hiếu động, tôi tìm đến coi thử. Trên bãi cỏ, bọn lính lấy dây thép gai quây thành từng ô. Những người bị bắt chúng cho vào một ô. Người hy sinh còn nhận dạng được, người không còn nguyên vẹn thì chúng phân loại để riêng từng ô. Nói là để người thân đến nhận, kỳ thực là chúng nhằm khủng bố tinh thần người dân. Dưới cái nắng gay gắt, mãi 3 ngày sau chúng mới xúc các anh lên xe ben chở đi. Khu ngôi mộ chung này nằm trên khu đất trước kia là đất vườn của ông già tôi. Thời ấy, dân xung quanh đây có mấy người lại sợ địch lôi thôi nên có ai dám đến hương khói. Chỉ có ông già tôi. Cứ sắp Tết là cha con tôi cặm cụi phát dọn cỏ cây trên mộ cho quang quẻ rồi sửa mâm lễ thắp nhang cho các chú, các anh”.

Trên những phiến đá hoa cương khắc trang trọng tên tuổi các liệt sĩ hy sinh Tết Mậu Thân trong đền, tôi đã đọc thấy danh tính đầy đủ của 47 liệt sĩ C90 Đặc công. Vậy là tên tuổi, thân xác các anh giờ đã hòa trong tên tuổi, thể xác của đồng đội cùng hy sinh trong mùa Xuân oanh liệt… Ông Nguyễn Thế Lương nói rằng ước vọng còn lại của ông là C90 được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi nghĩ dù chưa được phong thì tên tuổi của C90 cũng đã là những anh hùng trong lòng dân. Chẳng thế mà ông Sanh kể với tôi rằng Tết năm nào ông cũng trực đền trọn cả 3 ngày để bà con nhang khói. Riêng đêm giao thừa phải mở cửa đền đến tận 2 giờ sáng.

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.