"Điểm tựa" của người lính Quân đoàn 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự chịu thương, chịu khó, các chị luôn là điểm tựa vững chắc trong gia đình để chồng yên tâm công tác. Những người phụ nữ chúng tôi muốn nói đến là vợ của những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại Quân đoàn 3.

Thay chồng làm cha

Suốt gần 24 năm kể từ ngày cưới, chị Nguyễn Thị Huyền (hiện ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) và Đại tá Vũ Hoằng Hóa-Trưởng phòng Bảo vệ-An ninh (Cục Chính trị, Quân đoàn 3) luôn phải sống trong cảnh xa cách.  Khoảng thời gian vợ chồng chị gặp nhau chỉ là những ngày phép, tranh thủ ít ỏi của anh Hóa. Mọi công việc gia đình từ nhỏ đến lớn đều một tay chị thay chồng lo toan. Chị Huyền tâm sự: “Chồng là sĩ quan công tác xa nhà nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

 

Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) tặng nhà tình nghĩa cho gia đình sĩ quan có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: V.H
Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) tặng nhà tình nghĩa cho gia đình sĩ quan có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: V.H

Tuy nhiên, hiểu được công việc của chồng, tôi thay anh chăm lo cho các con và bố mẹ. Vắng chồng, tôi luôn tự nhủ phải mạnh mẽ, can đảm và nghị lực hơn. Đôi lúc sợ những vất vả mình đang đối diện sẽ làm anh không thể yên tâm công tác nên dù khó khăn đến đâu tôi cũng cố gắng vượt qua, không kể cho chồng nghe”. Thành quả của sự vượt khó đó là hai người con của anh chị đều rất chăm ngoan, học giỏi. Hiện cô con gái của anh chị đã đi làm sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, còn cậu con trai đang theo học năm thứ hai Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Cùng hoàn cảnh xa chồng nhưng chị Võ Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THCS Quang Trung (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), vợ Thượng úy Phan Chí Thanh-Phó Đại đội trưởng Đại đội 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 có hoàn cảnh khó khăn hơn so với chị Huyền do cô con gái đầu lòng bị bệnh bại não. Đến nay, mặc dù đã gần 5 tuổi nhưng cháu chỉ nằm một chỗ. Mỗi lần khăn gói ôm con ra Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) chữa bệnh là bấy nhiêu lần chị Hiền vất vả với những chuyến tàu xe, di chuyển đồ đạc, thuê nhà ở... Giọng nghẹn ngào, chị Hiền tâm sự: “Vợ chồng ai chẳng mong muốn được gần nhau, mỗi khi đưa con đi chữa bệnh, anh ấy đều không có ở nhà. Để bé nguôi ngoai nỗi nhớ cha, tôi phải vừa làm mẹ vừa làm cha để chăm sóc con. Ngay từ khi cưới nhau, tôi đã xác định dù có khó khăn đến đâu cũng cố gắng vượt qua, tạo mọi điều kiện để chồng yên tâm công tác”.

Mỗi người vợ của sĩ quan ở Quân đoàn 3 mà chúng tôi gặp đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhiều người trong số họ phải sống xa chồng và phải vất vả chăm sóc con cái và cha mẹ hai bên. Đôi lúc, họ cũng thấy chạnh lòng khi nhìn những gia đình hàng xóm vợ chồng sum vầy còn mình thì côi cút, nhưng rồi nghĩ đến nhiệm vụ của chồng đang cầm súng bảo vệ quê hương thì nỗi buồn ấy lại nguôi ngoai. Chị Trần Thị Phương, vợ Đại úy Nguyễn Tùng Dân-Trợ lý Thanh niên Lữ đoàn Pháo binh 40, kể: “Nhà tôi ở xã Ia Hiao (huyện Phú Thiện), cách đơn vị anh hơn 100 km nên thường 3-4 tuần anh ấy mới về thăm nhà được 2 ngày cuối tuần. Việc chăm con, đưa con đi học rồi lo cho con lúc đau ốm đều do một mình  tôi lo. Là phụ nữ nhưng đôi lúc tôi lại phải thay chồng làm các công việc của người đàn ông khi nhà cửa bị hư hỏng”.

Nối dài những yêu thương

Đại tá Bùi Huy Biết-Phó Chính ủy Quân đoàn 3, cho hay: Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc quan tâm tới đời sống tinh thần và vật chất cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan. Trong đó, chính sách hậu phương quân đội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bởi gia đình yên ấm, hạnh phúc thì cán bộ, sĩ quan sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đối với những cán bộ, sĩ quan có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở xa, chỉ huy các đơn vị luôn gọi điện động viên, thăm hỏi gia đình, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.

Quân đoàn 3 đóng quân tại địa bàn Tây Nguyên, đa số cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp trong  đơn vị đều có gia đình ở xa. Những năm qua, vấn đề “an cư lạc nghiệp” của cán bộ, quân nhân luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp. Từ năm 2007 đến nay, từ nguồn đầu tư của Bộ Quốc phòng, quỹ vốn của Quân đoàn và một số nguồn vốn xã hội hóa, đơn vị đã xây dựng, đưa vào sử dụng 1.053 nhà công vụ với diện tích sử dụng mỗi căn từ 52 m2 đến 82 m2. Việc xây dựng các nhà công vụ đã đáp ứng được 15-20% nhu cầu về nhà ở tại Quân đoàn. Bên cạnh đó, Quân đoàn còn phối hợp với các địa phương cấp đất ở cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp công tác lâu năm; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho những trường hợp  khó khăn. Ngoài ra, những đồng chí có vợ con, gia đình xa đơn vị từ 500 km trở lên đều được tạo điều kiện cho nghỉ phép và tranh thủ từ 35 ngày đến 50 ngày mỗi năm, đồng thời được ưu tiên nghỉ Tết hàng năm…

Mỗi gia đình một hoàn cảnh, mỗi người phụ nữ một nỗi niềm riêng nhưng những người vợ của các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp mà chúng tôi gặp đều có chung một niềm tin là hậu phương vững thì chồng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dẫu cuộc sống đời thường còn nhiều vất vả khi thường xuyên thiếu bàn tay của người chồng nhưng họ vẫn nỗ lực vượt qua tất cả. Và những tình cảm của đồng đội, sự động viên chia sẻ, quan tâm tạo điều kiện của chỉ huy các cấp đã giúp các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cảm thấy gần gia đình dù khoảng cách địa lý rất xa.

Vĩnh Hoàng-Duy Hiển

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.