Dấu chân người lính Quân đoàn 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây hơn 42 năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết định, ngày 26-3-1975, Quân đoàn 3 được thành lập trên cơ sở khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên. Sau khi thần tốc tiến về giải phóng miền Nam, đơn vị tiếp tục tham gia và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, cơ động ra bảo vệ biên giới phía Bắc rồi trở lại Tây Nguyên. Dù ở đâu, làm nhiệm vụ gì, Quân đoàn 3 cũng luôn hoàn thành xuất sắc.

1. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước-nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, người gắn bó hơn 10 năm với chiến trường Tây Nguyên, nhớ lại: Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”, cán bộ, chiến sĩ các Trung đoàn 66, 33, 320 cùng với quân và dân Tây Nguyên siết chặt đội ngũ với khẩu hiệu: “Tìm Mỹ mà diệt”, “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh” mang sức mạnh của cả dân tộc, của cả Tây Nguyên làm nên chiến thắng Plei Me lịch sử. Chiến thắng Plei Me là trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ ở Tây Nguyên.

 

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 giúp nhân dân xã Hà Đông khai hoang đồng ruộng.  Ảnh: V.H
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 giúp nhân dân xã Hà Đông, huyện Đak Đoa khai hoang đồng ruộng. Ảnh: V.H

Vị tướng của chiến trường năm nay đã 92 tuổi tiếp tục câu chuyện với chúng tôi: Tháng 3-1975, bằng nghệ thuật quân sự, chúng ta đã cắt rời địch thành 2 mảng Nam và Bắc Tây Nguyên, cô lập Tây Nguyên với các chiến trường khác, bí mật, bất ngờ tấn công Buôn Ma Thuột, thực hiện đòn điểm huyệt chính xác. Tiếp theo là đòn đánh bồi chí tử trên đường 21 đập tan ý đồ “tái chiếm” Buôn Ma Thuột của quân ngụy; buộc địch phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Thừa thắng, quân ta tiến xuống đồng bằng trên 3 trục đường: 7, 19 và 21, cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương giải phóng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 của ngụy. Ngày 26-3-1975, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn 3 trên cơ sở các đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên. Chỉ sau 10 ngày thành lập, Quân đoàn vinh dự nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu Tây Bắc Sài Gòn. Với những chiến công vang dội, Quân đoàn đã góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước vừa yên tiếng súng, hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Từng bộ phận và sau đó cả đội hình của Quân đoàn lại cơ động làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, rồi hành quân bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong chiến tranh, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 đã in đậm trên khắp các chiến trường.
 
2. Dẫn chúng tôi ra thăm trận địa sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, Đại tá Đỗ Thế Hùng-Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Phòng không 234, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Tây Nguyên, tâm sự: “Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Theo đó, đơn vị tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện hành quân dã ngoại, huấn luyện để bộ đội tác chiến được trong mọi điều kiện khí hậu và địa hình khác nhau. Muốn làm được điều ấy thì cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu”.

Không chỉ Lữ đoàn Phòng không 234 mà những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, bồi dưỡng năng lực quản lý, duy trì, điều hành huấn luyện của chỉ huy các cấp. Huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính; coi trọng huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị có trong biên chế. Huấn luyện sát thực tế chiến đấu, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến; tăng cường huấn luyện đêm, cơ động rèn luyện thể lực, huấn luyện theo nhiệm vụ, tình huống. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện; lấy kết quả huấn luyện làm một trong những tiêu chí đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên hàng năm, huấn luyện các đối tượng 100% đạt yêu cầu, trong đó 80% trở lên khá, giỏi (giỏi 40%); mỗi năm có 5-6 trung đoàn, lữ đoàn, 50% tiểu đoàn, 70% đại đội đủ quân huấn luyện đạt giỏi.

3. Tây Nguyên giờ đã thay đổi, cuộc sống ngày càng ấm no. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều nơi vẫn còn khó khăn. Làng Kon Sơ Nglok (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa) là một ví dụ. Đất đai rộng lớn  nhưng do không có nước, thiếu nhân công khai hoang nên người dân nơi đây vẫn thiếu đất sản xuất. Hiểu được khó khăn ấy, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã đề nghị Quân đoàn 3 đưa bộ đội vào khai hoang đồng ruộng giúp địa phương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) đã về xã Hà Đông giúp đỡ nhân dân khai hoang đồng ruộng. Chỉ trong 3 ngày, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã khai hoang trên 10 ha ruộng bỏ hoang, giúp nhân dân làng Kon Sơ Nglok có đất sản xuất.

Thiếu tướng Lê Quang Xuân-Chính ủy Quân đoàn 3, tâm sự: Lịch sử của Quân đoàn đã gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, nhân dân các dân tộc ở đây đã che chở, đùm bọc, giúp đỡ để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chính vì thế, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, những năm qua, đơn vị luôn làm tốt công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân các dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế. Từ năm 2003 đến nay, Quân đoàn 3 đã tổ chức cho 450 lượt tiểu đoàn, 27 tổ công tác với 48.070 lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân huấn luyện dã ngoại, kết hợp làm công tác dân vận với 455.928 ngày công. Các đơn vị đã giúp địa phương tu sửa 948 km đường liên thôn, nạo vét 300 km kênh mương, thu hoạch và chăm sóc 175 ha hoa màu, tu sửa 250 giọt nước, sửa chữa và làm mới 600 căn nhà. Các đơn vị thuộc Quân đoàn cũng đã tặng 18 tấn gạo và 3.000 bộ quần áo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 31.926 lượt người và hỗ trợ thiết bị y tế với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Chỉ riêng từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã huy động hơn 24.000 ngày công giúp đỡ nhân dân trên địa bàn đứng chân phát triển kinh tế. Theo đó, các đơn vị đã tu sửa, nạo vét hơn 43 km kênh mương, tu sửa hơn hơn 135 km đường giao thông liên thôn, sửa chữa, làm mới 33 ngôi nhà, tặng hơn 2,8 tấn gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.