Tuổi trẻ Quân đoàn 3 tri ân gia đình chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thôn Phong An (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) những ngày này rộn ràng hơn ngày thường bởi tiếng nói, tiếng cười và tinh thần làm việc không quản ngày đêm của các bạn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 1, Trường Quân sự Quân đoàn 3 đến xây nhà tình nghĩa cho gia đình bà Đoàn Thị Nhâm. Bà Đoàn Thị Nhâm năm nay đã 89 tuổi, có chồng và 2 con là thương binh. Gia đình bà là nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ của Đảng, Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Binh nhì Võ Văn Y (Trường Quân sự Quân đoàn 3) không giấu nổi niềm vui khi được tham gia xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Đoàn Thị Nhâm. “Chúng tôi chỉ biết đến chiến tranh qua sách vở, qua những bài học, kinh nghiệm chiến đấu mà cán bộ, giáo viên nhà trường truyền đạt lại. Giờ đến gia đình bà Đoàn Thị Nhâm, chúng tôi thấy rõ hơn sự khốc liệt của chiến tranh, những đau thương, mất mát mà nhân dân ta phải gánh chịu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hiểu hơn giá trị của hòa bình và cảm phục, biết ơn thế hệ cha ông đi trước đã hiến dâng tuổi trẻ, máu xương của mình để giành lại nền độc lập cho đất nước, tự do và hạnh phúc cho nhân dân”-Võ Văn Y chia sẻ.

 

Cán bộ, ĐVTN Lữ đoàn Công binh 7 tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: A.T
Cán bộ, ĐVTN Lữ đoàn Công binh 7 tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: A.T

Cách đó không xa, ngôi nhà của bà Trần Thị Lan Anh (thôn Phước Lộc, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cũng đang được cán bộ, ĐVTN Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 2, Trường Quân sự Quân đoàn 3 phối hợp với Đoàn xã Cát Hanh khảo sát lên kế hoạch chuẩn bị sửa lại. Đại úy Trần Đức Khang-Trợ lý Thanh niên Trường Quân sự Quân đoàn 3, cho biết: “Bà Trần Thị Lan Anh tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn trẻ, bị địch bắt và tra tấn dã man hòng buộc bà khai báo cơ sở của cách mạng. Nhưng bà một lòng son sắt với Đảng, dũng cảm chịu đựng những thủ đoạn hèn hạ của địch, mưu trí đấu tranh ngay trong nhà tù để được thả ra rồi tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày thắng lợi. Vì bị tra tấn để lại nhiều di chứng, thương tích nên bà đã không lập gia đình mà ở vậy cho đến ngày nay”.

Cũng trong đợt này, ĐVTN Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) đã đến gia đình ông Đinh Ol, người dân tộc Bahnar ở thôn 4, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ để khảo sát nắm tình hình, xây dựng kế hoạch giúp đỡ gia đình ông sửa lại nhà, tặng vật dụng sinh hoạt. Ông Đinh Ol có bố và mẹ đều là liệt sĩ; cuộc sống của vợ chồng ông hiện gặp nhiều khó khăn. Biết cán bộ, ĐVTN Lữ đoàn Công binh 7 đến thăm và giúp đỡ, ông xúc động nói: “Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng gia đình tôi thì vẫn còn đó những mất mát. Nhờ có Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và cán bộ, ĐVTN Lữ đoàn Công binh 7 luôn quan tâm động viên, giúp đỡ, gia đình tôi cũng vơi bớt nỗi đau, ổn định cuộc sống”.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, Quân đoàn 3 đang cử hàng trăm lượt cán bộ, ĐVTN phối hợp với cấp ủy, chính quyền và Đoàn Thanh niên địa phương đến 25 “địa chỉ đỏ” thuộc các huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), huyện Đak Đoa, Đak Pơ, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), huyện Đak Tô, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) để triển khai những việc làm thể hiện sự tri ân, biết ơn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đây cũng là dịp Quân đoàn 3 giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của Quân đội, của đơn vị cho thế hệ trẻ. Thiếu tá Đặng Thành Tuyên-Trưởng ban Thanh niên Quân đoàn 3, cho biết: “Những việc làm của tuổi trẻ Quân đoàn 3 được Cục Chính trị và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo lên kế hoạch từ đầu năm 2017. Các tổ chức cơ sở Đoàn phối hợp với địa phương khảo sát, xây dựng kế hoạch thực hiện với những hoạt động cụ thể, thực chất, vừa giúp đỡ được gia đình chính sách, người có công, vừa giáo dục, bồi dưỡng truyền thống, đạo đức cách mạng cho cán bộ, ĐVTN”.

Cũng theo Thiếu tá Đặng Thành Tuyên, ngoài 25 “địa chỉ đỏ”, trong dịp này, hàng ngàn lượt cán bộ, ĐVTN còn tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa của đơn vị. Đến nay, toàn Quân đoàn đang triển khai xây dựng 7 nhà tình nghĩa, 3 “nhà 100 đồng” (có 1 nhà đã bàn giao), 1 nhà đồng đội và tham gia giúp chính quyền địa phương về ngày công xây dựng 32 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu, gặp mặt thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, về nguồn, áo lụa tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... cũng đang được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện với kinh phí hàng chục tỷ đồng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa tình sâu nặng của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 với vùng đất miền Trung-Tây Nguyên bất khuất, kiên cường.

Anh Tùng

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.