Bộ đội Biên phòng Gia Lai chủ động phòng-chống lụt bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai còn tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng-chống và giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.

Nhắc lại lần cứu 6 người dân làng Ó (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) bị cô lập ở chòi rẫy thuộc khu vực chốt Bắc suối Đôi cuối tháng 9-2016, Thiếu tá Võ Hồng Thanh-Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, kể: Khoảng 4 giờ 20 phút ngày 19-7, nhận được tin báo của nhân dân, ngay lập tức đơn vị triển khai lực lượng gồm 12 cán bộ, chiến sĩ cùng với áo phao, trang bị cứu hộ tiếp cận hiện trường và tiến hành cứu hộ. Trong đêm tối, lượng mưa lớn cộng với nước ở các nơi dồn về khiến 6 người dân hoảng sợ leo lên cây cao để tránh và dùng đèn pin ra hiệu cho bộ đội đến cứu. Sau hơn 2 giờ dầm mình trong mưa lũ, chúng tôi mới đưa được 6 người dân đến khu vực tăng gia sản xuất của Đồn ở gần đó.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cứu 6 người dân bị cô lập.                                                                                                   Ảnh: A.H
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cứu 6 người dân bị cô lập. Ảnh: A.H

Ngoài việc cứu thành công 6 người dân bị cô lập bởi mưa lũ, trong năm 2016, trên khu vực biên giới của tỉnh xảy ra mưa lớn kèm theo giông tố, lốc xoáy khiến 23 căn nhà của người dân ở 2 xã Ia Dom, Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) bị tốc mái; 1.300 m2 tôn và 100 mét tường rào bị sập đổ, hơn 1.000 cây cao su, hồ tiêu, cà phê của người dân bị gãy đổ... Cùng với đó, một số công trình ở các Đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) như: cổng chính, tường rào, nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, pa nô, biển bảng…. bị sập đổ, hư hỏng. Trước thực trạng trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão, lốc xoáy, tiến hành gia cố lại nhà cửa, tổ chức cấp phát thuốc chữa trị, phòng-chống dịch bệnh…

Bước vào mùa mưa bão năm nay, để chủ động ứng phó với tình hình, Đại tá Vũ Trọng Tiệp-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: “Ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống và giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tập trung giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân trên khu vực biên giới nêu cao tinh thần cảnh giác với diễn biến bất thường của thời tiết, không được chủ quan ở lại nương rẫy, chòi lán gần khu vực có sông, suối vào ban đêm và khi có tình huống phải báo ngay lực lượng ứng cứu”.

Cũng theo Đại tá Vũ Trọng Tiệp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức khảo sát, xây dựng, bổ sung kế hoạch phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt luôn sẵn sàng lực lượng, trang bị, hậu cần, thông tin… để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho đơn vị và nhân dân trong địa bàn đóng quân. Mặt khác, các đơn vị cũng tổ chức lực lượng kiêm nhiệm (15-20 đồng chí) tham gia huấn luyện, luyện tập các phương án xử lý tình huống về cứu hộ, cứu nạn… và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, từng người. Đứng chân trên địa bàn xã biên giới Ia Dom, có 2 khu vực: suối Đôi và Trạm dừng chân Ia Pô dễ xảy ra ngập lụt, bị chia cắt vào mùa mưa, Thiếu tá Võ Hồng Thanh cho hay: “Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đơn vị đã triển khai lực lượng thường xuyên bám nắm địa bàn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và luôn sẵn sàng lực lượng để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra”.

Ngoài việc sẵn sàng phương án để phối hợp cùng các lực lượng đứng chân trên địa bàn ứng cứu khi có tình huống xảy ra, tại các Đồn Biên phòng, như: Ia O, Ia Chía (huyện Ia Grai), Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), Ia Púch, Ia Lốp (huyện Chư Prông) có các trạm, chốt đóng quân ở nơi trũng, thấp gần sông, suối, có nguy cơ thiệt hại do bão lũ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng-chống ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, chia cắt, đổ cây, tốc mái, sập nhà…

Đặc biệt, “Các Đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động trong quá trình tuần tra, kiểm sát ở khu vực có sông, suối, ao phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và phương tiện. Không trú quân ở những vị trí có khả năng xảy ra lũ lụt và không tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ vượt sông, suối trong thời tiết mưa to, gió lớn”-Đại tá Vũ Trọng Tiệp nhấn mạnh.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.