Trung đoàn 48-Trọn nghĩa, vẹn tình với Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những thành tích đã đạt được trong 70 năm qua, Trung đoàn 48 vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trung đoàn cũng có 3 tiểu đoàn, 2 đại đội và 6 cá nhân được tuyên dương danh hiệu này, cùng với hàng trăm Huân chương Chiến công và những phần thưởng cao quý khác. Ngoài ra, Trung đoàn được Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Angkor, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Campuchia.

Truyền thống hào hùng

Ngày 27-2-1947, tại làng Ái Mỗ, xã Mậu Lương, thị xã Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), Trung đoàn 80 (tiền thân của Trung đoàn Bộ binh cơ giới (BBCG) 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 ngày nay) được thành lập gồm 3 Tiểu đoàn 77, 145 và 523 thuộc Chiến khu 11, lực lượng chủ lực bảo vệ thủ đô.

 

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: V.H
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: V.H

Sự ra đời của Trung đoàn đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của lực lượng vũ trang, biểu thị ý chí, quyết tâm sắt đá với lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Ngay từ khi thành lập, những chiến sĩ của Trung đoàn đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm bảo vệ từng căn nhà, góc phố cũng như những địa bàn xung yếu của 5 cửa ô, tiêu biểu như các trận tấn công Nhà Dầu Shell Khâm Thiên, Nhà ga Hàng Cỏ, đường Ô Chợ Dừa, khu vực Yên Phụ, Quần Ngựa, Kim Mã… Với thành tích này, Trung đoàn vinh dự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng danh hiệu “Trung đoàn Thăng Long”.

Đầu năm 1951, thực hiện đường lối quân sự của Đảng, để tạo ra sự phối hợp giữa các chiến trường và giữ vững thế chủ động, mở rộng địa bàn tác chiến trên chiến trường Bắc bộ, Trung đoàn 48 vinh dự được đứng trong đội hình của Sư đoàn 320. Giai đoạn này, Trung đoàn chiến đấu trong vùng địch hậu ở hầu hết các chiến trường thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, như: Sơn Tây, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình… với nhiều trận đánh tiêu biểu đã gắn liền với các địa danh được ghi vào lịch sử và đã trở thành tên gọi truyền thống của các tiểu đoàn, như: Đống Đa, Thanh Lũng, Tiên Yên. Đặc biệt, vừa chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vừa làm tốt công tác vận động nhân dân, giúp nhân dân khôi phục kinh tế ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Sơn Tây, Hà Đông… Chính vì vậy, Trung đoàn vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và tặng 4 chữ vàng “Giúp dân đánh giặc”.

Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong đội hình Sư đoàn 320, Trung đoàn 48 đã cùng các đơn vị bạn tham gia nhiều trận đánh, đập tan ý đồ “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến” của kẻ thù. Tiêu biểu là tại các mặt trận: Đường 9, Khe Sanh, Bắc Quảng Trị với các trận chiến đấu nổi tiếng như: Đông Hà, Cửa Việt, Gio Linh, Cam Lộ... góp phần đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến của Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tạo đà cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968.

Tại chiến trường Tây Nguyên, Trung đoàn đã chiến đấu kiên cường trong các trận đánh ở đường 19, đường 5a, Thanh An, Thanh Giáo, Chư Bồ-Đức Cơ, Chư Nghé, điểm cao 301, làng Dịt, làng Siêu... Trong chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975), Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt địch ở Chi khu Cẩm Ga-Thuần Mẫn, truy kích địch trên đường 7, giải phóng Cheo Reo, Phú Bổn và tiến công xuống khu vực Duyên hải miền Trung làm chủ thị xã Tuy Hòa-Phú Yên. Những chiến công ấy của Trung đoàn đã cùng các lực lượng vũ trang Tây Nguyên làm tan rã một bộ phận quan trọng của Quân đoàn 2 Ngụy trên “Nóc nhà Đông Dương”.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn được giao nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25 Ngụy ở Tây Bắc Sài Gòn, mở đường cho Quân đoàn 3 tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Từ năm 1977 đến 1979, Trung đoàn đã tham gia nhiều trận đánh, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt Iêng Xa Ri. Năm 1980, trong đội hình Sư đoàn 320, Trung đoàn trở lại bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trọn nghĩa, vẹn tình với Tây Nguyên

Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, đầu năm 1988, Trung đoàn 48 được điều động trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và làm công tác vận động quần chúng. Gần 30 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn chung sức đồng lòng, đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác được giao. Trung đoàn được Chủ tịch nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; được Chính phủ tặng cờ thi đua và công nhận là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước; được Bộ Quốc phòng nhiều năm liền tặng cờ đơn vị huấn luyện giỏi…

Đặc biệt, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 luôn phát huy tốt truyền thống “Giúp dân đánh giặc”, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị kết nghĩa, địa bàn được phân công; thực hiện có hiệu quả các hình thức công tác dân vận, chương trình “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, Trung đoàn đã tập trung tuyên truyền cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân số và môi trường, các biện pháp bảo vệ rừng, tác hại của bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Cùng với đó, Trung đoàn đã tham gia hàng ngàn ngày công giúp dân làm đường, vệ sinh thôn, làng, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, Trung đoàn còn tham gia phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại thị xã Ayun Pa, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định); phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Tân Sơn (TP. Pleiku), xã Chư Jôr, xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) xây dựng nông thôn mới. Những việc làm ấy của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã góp phần xây dựng các làng, khu dân cư văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Trung tá Nguyễn Đức Chung
Chính ủy Trung đoàn

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.