Thắt chặt tình đoàn kết quân-dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, góp phần thắt chặt mối đoàn kết quân-dân, những năm qua, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dân vận hướng về cơ sở, nhất là những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng biên giới.

  Cho mượn bò giống là một trong những cách làm giúp các hộ dân nghèo thoát nghèo. Ảnh: P.D
Cho mượn bò giống là một trong những cách làm giúp các hộ dân nghèo thoát nghèo. Ảnh: P.D

Thực hiện công tác dân vận năm 2016, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; phòng-chống và khắc phục hậu quả thiên tai; giúp địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương…

Cùng với đó, các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, xây dựng 158 chi bộ Đảng, 136 đoàn thể tại 30 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo và biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phân công 7 cán bộ có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm tăng cường ở 7 xã biên giới (trong đó có 6 đồng chí giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã) và phân công 45 đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 45 chi bộ thôn, làng khu vực biên giới…

 

Đại tá Tống Văn Hiểu-Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân đoàn 3: Năm 2016, Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân đoàn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành công tác dân vận đúng mục đích, nội dung. Cụ thể, đơn vị đã cử các tổ, đội công tác huấn luyện hành quân dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận, qua đó đã tiến hành tu sửa nhiều tuyến đường liên thôn và khám-chữa bệnh, cấp thuốc cho người dân. Lữ đoàn 7 đã cơ động lực lượng trong đêm tối giúp một số hộ dân ở thị xã An Khê di chuyển gần 40 tấn hàng trong khu vực có nguy cơ bị lũ. Lữ đoàn 234 giúp dân bị lốc xoáy ở huyện Đak Đoa…

Song song với các hoạt động trên, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo”, xóa bỏ hủ tục… Đồng thời, tổ chức giúp dân hơn 35.500 ngày công lao động; sửa chữa gần 46 km đường giao thông liên thôn và nạo vét 15,2 km kênh mương; tham gia trồng rừng, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp được 16 ha; giúp dân sửa chữa trên 200 căn nhà bị sập, tốc mái; làm mới 42 căn nhà “Đại đoàn kết”, nhà đồng đội, nhà tình nghĩa…

Đặc biệt, trong quá trình triển khai công tác dân vận, nhiều đơn vị đã áp dụng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua mô hình “Gắn kết giữa hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, đến nay, Binh đoàn 15 đã có 4.617 cặp hộ lao động người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 271 tổ, đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Riêng mô hình “Bếp ăn tình thương” của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã giúp 14 em học sinh nghèo có điều kiện đến trường; chương trình “Nâng bước em đến trường” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã đỡ đầu lâu dài cho 48 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới với số tiền hàng tháng 500 ngàn đồng/em. Bên cạnh đó, còn nhiều mô hình khác cũng mang lại hiệu quả cao như: “Lập vườn chuyên canh xóa hộ nghèo” của Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2); “Giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải tạo đất trồng lúa nước” của Lữ đoàn Pháo binh 368 (Quân khu 5); “Nuôi bò rẽ” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Đoa.

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Quân khu 5 tiếp tục thực hiện chủ trương “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” và phong trào “Hũ gạo vì người nghèo”. Thượng tá Ngô Sĩ Đống-Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 2, cho hay: Năm 2016, Sư đoàn tiếp tục triển khai cho mỗi tiểu đoàn nhận giúp đỡ 2 hộ theo chủ trương “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, đồng thời duy trì “Hũ gạo vì người nghèo” tại các bếp ăn rồi đến cuối tháng quy đổi thành tiền để giúp các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn hoặc giúp các hộ gia đình mà đơn vị đảm nhận. Cũng theo Thượng tá Đống, ngoài công tác dân vận thường xuyên, đơn vị còn tổ chức dân vận theo từng đợt, theo yêu cầu của địa phương mà đơn vị nhận chung sức xây dựng nông thôn mới…

Thông qua công tác dân vận, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh đã có những việc làm cụ thể, thiết thực, tô thắm thêm hình ảnh người lính trong lòng nhân dân và góp phần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó quân-dân.

 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.