40 năm gắn bó trên vùng biên giới Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia Mơr được thành lập trong những ngày đầu đất nước thống nhất (ngày 7-11-1976) với muôn vàn khó khăn, thử thách. Qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã đồng hành với chính quyền và nhân dân lập nên nhiều chiến công trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, “giặc đói” và “giặc dốt”, xây dựng vùng nông thôn biên giới ngày càng phát triển…

Vùng đất giàu truyền thống cách mạng
 

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr hướng dẫn cho bà con trồng lúa 2 vụ. Ảnh: T.K.N
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr hướng dẫn cho bà con trồng lúa 2 vụ. Ảnh: T.K.N

Xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) là địa bàn chiến lược về quốc phòng-an ninh trên tuyến biên giới của tỉnh. Trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Ia Mơr là vùng căn cứ cách mạng, quân và dân nơi đây phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, ra sức gìn giữ chủ quyền nơi biên giới. Giai đoạn 1978-1979, bọn diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Xa Ri đã tiến hành hàng loạt hành động khiêu khích, lấn chiếm, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng đứng chân trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr đã mưu trí, dũng cảm đánh bật các cuộc tấn công của kẻ địch, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh làm thất bại mưu đồ lấn chiếm của kẻ thù, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Giai đoạn những năm đầu 1980, bọn phản động FULRO thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kích động, xúi giục bà con đồng bào dân tộc thiểu số nổi dậy chống phá chính quyền, cướp bóc tài sản, gây ra hàng loạt tội ác đối với nhân dân. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Ia Mơr đã phối hợp với lực lượng dân quân xã tổ chức tuần tra, truy quét tiêu diệt những ổ nhóm FULRO lẩn trốn trong rừng. Song song với đó, đội công tác địa bàn một mặt bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân, mặt khác tiến hành phát động phong trào quần chúng tố giác FULRO, cắt đứt liên lạc giữa các ổ nhóm phản động lẩn trốn trong rừng với cộng đồng. Sau thời gian dài tổ chức hàng loạt biện pháp đấu tranh, các lực lượng của ta đã phát hiện, bóc gỡ 85 cơ sở FULRO, tuyên truyền vận động 466 đối tượng liên quan đến FULRO ra trình diện.

Suốt 6 năm cùng với các đơn vị kiên trì bám trụ bảo vệ biên giới và trực tiếp đương đầu với quân Khmer đỏ, FULRO, Đồn Biên phòng Ia Mơr đã tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, góp phần cùng chính quyền địa phương và các lực lượng xóa sạch hiểm họa thù trong giặc ngoài. Mặc dù vậy, chiến tranh là mất mát đau thương, Đồn Biên phòng Ia Mơr đã gánh chịu những tổn thất không hề nhỏ với 5 đồng chí anh dũng hy sinh và nhiều người đã để lại một phần máu thịt của mình nơi biên giới.

Cùng nhân dân xây dựng đời sống mới

 

Một buổi họp tổ tự quản của làng Ring, xã Ia Mơr. Ảnh: T.K.N
Một buổi họp tổ tự quản của làng Ring, xã Ia Mơr. Ảnh: T.K.N
Ông Rơ Châm Thon (làng KNáp, xã Ia Mơr) phấn khởi cho biết: “Trước đây, nhà mình trồng lúa rẫy, làm nhiều mà thu hoạch không được bao nhiêu. Thấy Bộ đội Biên phòng trồng lúa nước lúc nào cũng xanh tốt, năng suất cao, lại được anh em hỗ trợ nguồn giống nên mình làm theo. Giờ đây, gia đình mình không còn lo thiếu lương thực vào mùa giáp hạt nữa. Kinh tế ổn định, mấy đứa con cũng không còn lo phải bỏ học giữa chừng. Ở trong làng mình nhiều người còn được Đồn Biên phòng và già làng HLâm hỗ trợ bò giống, giờ kinh tế cũng khá lên rất nhiều…”.

Đứng chân trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhưng cũng đầy rẫy những khó khăn, thách thức cả về kinh tế-xã hội, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr luôn trăn trở để tìm tòi, nghiên cứu các mô hình giúp bà con nhân dân xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, các hủ tục, nâng cao dân trí. Hình ảnh những người thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ văn hóa, khuyến nông, khuyến lâm “mang quân hàm xanh” đã trở nên gần gũi thân thương trong lòng các chủ nhân vùng biên giới. Những năm gần đây, kinh tế địa phương có phần được cải thiện, nâng cao, tuy nhiên vai trò của những người lính Đồn Biên phòng Ia Mơr vẫn được thể hiện một cách đậm nét. Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Mơr cho biết: Thời điểm từ năm 2012 trở về trước, phần lớn diện tích xã Ia Mơr đều là vùng đất hoang hóa, bốn bề là rừng khộp. Bà con canh tác nông nghiệp nhưng do thiếu nước, tư duy sản xuất tự cung tự cấp nên kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Với mong muốn thay đổi nếp nghĩ cách làm cho bà con, Đồn Biên phòng Ia Mơr đã mạnh dạn triển khai mô hình cánh đồng lúa nước 2 vụ ngay tại đội công tác địa bàn để bà con học hỏi, làm theo. Đây là việc làm hết sức cần thiết, nhằm “đón đầu” công trình thủy lợi Ia Mơr hiện đang được đầu tư xây dựng. Với mô hình trình diễn này, Đồn Biên phòng Ia Mơr đã gặt hái được thành công lớn khi tập hợp được bà con tham gia phong trào chuyển đổi cây trồng từ lúa rẫy một vụ năng suất thấp sang lúa nước 2 vụ năng suất cao. Chỉ với diện tích 0,5 ha vụ đầu tiên, Đồn đã thu hoạch được 3,5 tấn lúa giống hỗ trợ các gia đình khó khăn, đối tượng chính sách, tạo điều kiện giúp bà con phát triển sản xuất.

Thành công nối tiếp thành công, Đồn Biên phòng Ia Mơr mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích cánh đồng lúa nước thí điểm lên gần 1 ha nhằm chuyển giao kỹ thuật và cung cấp thêm nguồn giống giúp bà con mở rộng sản xuất. Để mô hình lúa nước 2 vụ phát triển bền vững, Đồn liên tục cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp “xuống tận nhà ra tận ruộng” hướng dẫn các quy trình kỹ thuật từ gieo giống, chăm sóc, bón phân đúng thời vụ, phòng ngừa các loại sâu bệnh để cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất như mong muốn.

Song song với việc giúp dân phát triển kinh tế. Đồn Biên phòng Ia Mơr còn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh biên giới. Các mô hình tự quản an ninh thôn làng, tự quản đường biên cột mốc ở đây được duy trì hoạt động thường xuyên, đạt hiệu quả cao, góp phần cùng Đồn Biên phòng quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

 Thái Kim Nga-Phạm Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.