"Nghe dân nói, nói dân hiểu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Cùng nói tiếng địa phương” là một trong “4 cùng” của người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Vì vậy, nhiều năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đẩy mạnh việc “học tiếng dân tộc” trong cán bộ, chiến sĩ để có thể “nghe dân nói, nói dân hiểu”. Theo Đại tá Lê Thuần Huy-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, việc cán bộ, chiến sĩ biết tiếng dân tộc là rất cần thiết, nhất là những cán bộ đang làm nhiệm vụ tại địa bàn.

Vừa trao cho già Rơ Lan Peng (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) một túi thuốc, Trung tá Tống Duy Thiệu-cán bộ phụ trách Phòng khám Quân-dân y kết hợp xã Ia Mơr vừa tận tình giải thích bằng tiếng Jrai về bệnh tình, công dụng của các loại thuốc và nhắc già Peng phải nhớ uống đúng, đủ liều lượng. Già Peng nói: “Mấy ngày nay, già bị ho, bị đau đầu và đau mắt nữa. Già lên đây khám và được quân y Thiệu cho thuốc về uống, dặn phải nhỏ mắt thường xuyên, nếu vài ngày nữa chưa hết thì lên khám lại”. Già Peng cho biết, ở đây quân y Thiệu và cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều nói chuyện với bà con bằng tiếng Jrai nên ai cũng hiểu và rất vui. Ai cũng coi cán bộ biên phòng như những người con của dân làng.

 

Cán bộ biên phòng đang trao đổi với người dân bằng chính tiếng bản địa.  Ảnh: A.H
Cán bộ biên phòng đang trao đổi với người dân bằng chính tiếng bản địa. Ảnh: A.H

Nếu như trước đây, bất đồng ngôn ngữ là rào cản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của những người lính biên phòng thì giờ đây, cái rào cản ấy đã được chính các anh gỡ bỏ. Trung tá Tống Duy Thiệu, người có nhiều năm gắn bó với địa bàn biên giới xã Ia Mơr, cho hay: “Những người làm công tác quân-dân y nếu không nghe-nói thông thạo tiếng địa phương thì sẽ rất khó khăn trong quá trình khám-điều trị bệnh cho người dân. Khi người dân trao đổi về những biểu hiện của bệnh, mình không hiểu sẽ không nắm rõ; khi mình hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc sao cho đúng liều, đúng thời gian, bà con không hiểu sẽ dẫn đến uống nhầm hoặc uống vô tội vạ, rất nguy hiểm”.  

Không dừng lại ở việc khám-điều trị bệnh cho người dân biên giới, việc cán bộ, chiến sĩ biên phòng có thể “nghe dân nói, nói dân hiểu” còn góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa bàn, bảo vệ đường biên, cột mốc… Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ có thể chuyển tải hết các nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trực tiếp đến người dân. Thượng tá Lê Thuần Chất-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) cho biết: Đơn vị luôn động viên cán bộ, chiến sĩ sắp xếp thời gian để học tiếng địa phương và đến nay, hầu hết anh em đang làm nhiệm vụ dưới địa bàn đều có thể giao tiếp bằng tiếng bản địa với bà con. Dùng chính tiếng địa phương để nói chuyện với bà con sẽ tạo được mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa người lính với nhân dân, qua đó góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình…

Việc dạy-học tiếng Jrai trong cán bộ, chiến sĩ biên phòng hiện được duy trì bằng ba hình thức: học tập trung tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, các đồn biên phòng tự tổ chức học tập và cán bộ học trực tiếp dưới dân thông qua quá trình bám, nắm địa bàn. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ còn tự học thông qua việc người biết nhiều dạy cho người biết ít và “lý thuyết phải đi đôi với thực hành”. Đặc biệt, hàng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đều tổ chức kiểm tra tiếng Jrai và coi đây là tiêu chí để đánh giá thi đua của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Mục tiêu cuối cùng là mỗi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, nâng cao khả năng nghe-nói tiếng địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng, củng cố địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.