Thao trường "3 trong 1"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ấy là một tên gọi khác của thao trường huấn luyện tổng hợp huyện Mang Yang (nằm ở thị trấn Kon Dơng) và đây cũng là thao trường điểm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Bởi, ngoài chức năng là thao trường huấn luyện, diễn tập, bắn đạn thật, nơi này còn là khu tăng gia sản xuất tập trung của Ban Chỉ huy Quân sự huyện với cây công nghiệp ngắn ngày: mì, bắp và chăn nuôi heo, bò, cá…
 

Khu hành chính của thao trường. Ảnh: Phương Dung
Khu hành chính của thao trường. Ảnh: Phương Dung

Thao trường huấn luyện tổng hợp có diện tích hơn 50 ha với nhiều hạng mục công trình, gồm: khu hành chính; khu thao trường bắn; khu thao trường huấn luyện chiến thuật; huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật từng người; khu huấn luyện thể lực. Vì vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các hạng mục công trình, nên những ngày này thao trường huấn luyện tổng hợp chẳng khác nào một công trường tấp nập với máy xúc, máy ủi… Tuy nhiên, năm 2014, thao trường đã được huyện Mang Yang đưa vào phục vụ công tác huấn luyện, trong đó có huấn luyện tập trung cho lực lượng dân quân tự vệ-dự bị động viên. Dù là năm đầu tiên huấn luyện tập trung, song cơ sở vật chất cũng như mô hình học cụ phục vụ cho công tác huấn luyện cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, khu nhà hành chính gồm: nhà ăn, bếp, hội trường, nhà rông, nhà vệ sinh, hồ nước… luôn đáp ứng được cho khoảng hơn 100 người trong mỗi đợt tập trung huấn luyện. Đặc biệt, thao trường dựa lưng vào vách núi nên nguồn nước hoàn toàn được dẫn từ trên núi xuống thông qua hệ thống bể lọc, phục vụ sinh hoạt cho mọi hoạt động của thao trường.

Khi chúng tôi có mặt tại thao trường huấn luyện, các chiến sĩ dân quân cụm 3 xã: Kon Chiêng, Đê Ar, Đak Trôi đang say sưa với bài học bắn súng AR 15 bài 1. Đồng chí Ngay-Xã đội phó xã Kon Chiêng, cho biết: “Trong thời gian huấn luyện tập trung, các chiến sĩ sẽ thực hiện theo đúng các quy định trong quân đội từ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt… do đó sức khỏe sẽ được đảm bảo, việc đi-lại sẽ an toàn. Hơn nữa, trong quá trình huấn luyện, nếu có gặp khó khăn gì chúng tôi sẽ được Ban Chỉ huy Quân sự huyện hỗ trợ kịp thời về các nội dung bài học cho đến mô hình học cụ một cách trực quan sinh động, do đó chất lượng công tác huấn luyện sẽ được nâng cao”.  

 

Dân quân cụm 3 xã đang tham gia huấn luyện. Ảnh: Phương Dung
Dân quân cụm 3 xã đang tham gia huấn luyện. Ảnh: Phương Dung

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Xuân Phi-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, cho rằng: Tổ chức huấn luyện tập trung không chỉ tạo bước chuyển mới về chất lượng huấn luyện, duy trì, thực hiện nền nếp, lễ tiết tác phong cũng như các nội dung huấn luyện mà lực lượng tham gia huấn luyện cũng yên tâm về nơi ăn-ở, không bị chi phối bởi gia đình và các nhiệm vụ khác tại địa phương.

Mặt khác, trong quá trình huấn luyện dân quân tự vệ-dự bị động viên sẽ từng bước gắn với xây dựng tác phong chính quy, đồng thời tạo thuận lợi cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện theo dõi, quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ cho Ban Chỉ huy Quân sự xã, thị trấn nâng cao chất lượng huấn luyện, nâng cao chất lượng của đội ngũ đứng lớp; quản lý chặt chẽ chất lượng, số lượng lực lượng dân quân tự vệ-dự bị động viên. Cũng theo Thượng tá Phi, thông qua công tác huấn luyện tập trung, các chiến sĩ còn làm tốt công tác dân vận, cụ thể trong mỗi đợt huấn luyện, các đơn vị đều tổ chức 1-2 ngày làm công tác dân vận, như: tu bổ đài tưởng niệm, giúp đỡ các gia đình neo đơn, gia đình chính sách trên địa bàn…, qua đó, giáo dục bản lĩnh chính trị tư tưởng cho lực lượng dân quân tự vệ-dự bị động viên trong tình hình mới.

 

Cán bộ, chiến sĩ cho đàn heo ăn. Ảnh: Phương Dung
Cán bộ, chiến sĩ cho đàn heo ăn. Ảnh: Phương Dung

Nằm ở phía cuối của thao trường huấn luyện tổng hợp là khu chăn nuôi tập trung của đơn vị với chuồng trại chăn nuôi heo rừng, chăn nuôi bò và hồ nuôi cá. Thiếu tá Lê Văn Chương-Trợ lý dân quân kiêm phụ trách thao trường, cho hay: Đàn heo rừng của đơn vị thường xuyên duy trì khoảng 40 con, nhưng có lúc lên đến 70 con. Sở dĩ đơn vị chọn nuôi heo rừng vì không tốn nhiều công chăm sóc, ít bị dịch bệnh mà giá thành sản phẩm lại cao. Riêng hồ cá của đơn vị có diện tích 150 m2 hiện đang nuôi rô phi, cá trắm, cá mè. Đàn bò thì duy trì khoảng 40 con và năm nay, đơn vị dự kiến trồng 4 sào cỏ để nuôi bò vì nguồn rơm không đủ phục vụ. Hàng năm, nguồn tăng gia này thu về cho đơn vị hàng trăm triệu đồng, bổ sung vào bữa ăn thêm cho cán bộ, chiến sĩ khoảng 4.500 đồng/người/ngày. Vì thao trường mới được xây dựng và đưa vào sử dụng, do đó vẫn chưa xây dựng được hệ thống cây xanh, tạo bóng mát quanh thao trường. Và mục tiêu của đơn vị trong năm 2014 là khẩn trương làm đất trồng 3 ha cây mì, cây bắp, trồng khoảng 20 ha cây keo lá tràm, bạch đàn, cây sao để phủ xanh đồi trọc và tạo bóng mát nơi thao trường huấn luyện. Trước đó, đơn vị cũng đã trồng hàng trăm cây ăn quả: xoài, khế, bưởi và vườn hoa cây cảnh quanh khu hành chính vừa tạo bóng mát, vừa xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sach-đẹp.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.