Đón Xuân ở Đồn Biên phòng "đệ nhất... khó"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuân này, Đồn Biên phòng 731 bước vào mùa xuân thứ 10 kể từ ngày thành lập (19-5-2003). Đồn quản lý 16,2 km biên giới và một phần địa bàn xã Ia Mơr và Ia Piơr, huyện Chư Prông. Trung tá Vũ Đình Điển-Đồn trưởng, người đã “thức” cùng đơn vị đón 5 cái Tết trên biên giới cực Nam này không khỏi xúc động cho chúng tôi biết: Nét đặc trưng của đồn là có nhiều khó khăn nhất.

Lên Đồn Biên phòng 731 lần này đúng lúc lộc vừng thay áo mới với những mầm non xanh tơ và mai vàng tưng bừng khoe sắc rực rỡ giữa núi rừng biên cương trong nắng gió mùa khô cao nguyên. Sau giây phút tay bắt mặt mừng, Trung tá Vũ Đình Điển dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh đơn vị. Đang đi thăm “khu liên hợp V-A-C”, bỗng đàn heo hàng chục con sọc đen nâu từ lùm cỏ rậm rạp lon ton vọt qua đường sang khe nước. Tôi ngạc nhiên: “Heo rừng ở đâu nhiều thế anh?”. Anh Điển cười: “Đâu phải, heo của đồn thả rông đấy!”.
 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 731 luôn chắc tay súng canh gác biên cương. Ảnh: B.H.M
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 731 luôn chắc tay súng canh gác biên cương. Ảnh: B.H.M

Thì ra, “điểm nhấn” tăng gia sản xuất của Đồn 731 ngoài 30 ha cao su, còn là những dự án chăn nuôi rất hiệu quả. Đầu tiên là dự án “heo rừng”. Ngày mới về (2008), thấy đồng bào có giống heo nhỏ, lông dày, thịt nạc thơm ngon như thịt heo rừng, chuyên thả rông, chi phí đầu tư ít, phù hợp với điều kiện của đồn, anh Điển bàn với cấp ủy, chỉ huy triển khai nuôi thử nghiệm. Lúc đầu hơn chục con, sau 1 năm, đàn heo lên gần 30 con. Nhưng heo đi ăn xa bị dính bẫy kẻ xấu, đồn mua lưới thép giăng thành trang trại, giữ nguyên môi trường sống tự nhiên. Hiện tại, đàn heo gần 70 con. “Tết nào cũng vậy, các đoàn khách lên thăm chúc Tết đồn được các “đầu bếp biên phòng” trổ tài thết đãi các món  từ “heo rừng”, cá ao, bò nuôi... ai cũng tấm tắc khen đồn khéo chăn nuôi và tài nấu nướng của anh nuôi”-anh Điển vui vẻ kể.

“Khủng” nhất là dự án bò lai. Anh Điển cho biết: Trước đây, đồn có 6 con bò. Thấy thuận lợi, năm 2011, đơn vị vay ngân hàng 100 triệu đồng mua 12 bò mẹ. Sau 1 năm, đàn bò phát triển lên 32 con. Năm 2012, đồn lập dự án mở rộng khu chăn nuôi, vay tiếp 200 triệu đồng mua thêm 19 con bò. Vừa rồi, đồn giữ lại bò tốt, bán lứa đầu tiên 12 con được hơn 100 triệu đồng trả ngân hàng, đồng thời trích một phần đưa vào ăn thêm dịp Tết và thưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Hiện đồn còn gần 60 con (trị giá khoảng 500 triệu đồng), trong đó một số sắp đẻ. Lượng phân chuồng hàng năm đồn dùng tăng gia giúp tiết kiệm chi phí mua phân 50-60 triệu đồng.
 

Vườn rau xanh ở Đồn Biên phòng 731. Ảnh: B.H.M
Vườn rau xanh ở Đồn Biên phòng 731. Ảnh: B.H.M
Đàn bò của đơn vị. Ảnh: B.H.M
Đàn bò của đơn vị. Ảnh: B.H.M

- Có vẻ việc chăn nuôi của đồn rất thuận lợi?- tôi hỏi.

- Mùa mưa là vậy. Mùa khô, cỏ chết hết, nước khan hiếm, việc chăn nuôi rất khó khăn. Khi giúp dân gặt lúa, bà con “ủng hộ” 3-4 xe rơm rạ dự trữ cho gia súc. Ngoài ra, đồn trồng thêm chuối, mì, khoai, bắp cho gia súc. Mỗi lần bán bò, đồn trích 5% giá trị để động viên anh em chăn nuôi. Để dự trữ nước, điều hòa không khí nơi “đệ nhất... nóng”, tạo cảnh quan môi trường và đa dạng hóa sản phẩm tăng gia, đồn còn múc 1,2 ha ao nuôi cá nước ngọt.

Thấy tôi lặng ngắm những vạt mì, chuối, bắp xanh nõn và những cây rơm cao chục mét óng vàng trong nắng xuân, Thượng tá, Chính trị viên Nguyễn Trung Đạt hóm hỉnh: “Đấy là “lương khô” của đàn bò, gà, cá, heo đấy! Phải có cái này thì chúng mới “cho ta” ăn thêm 2.000 đồng/người/ngày, tạo quỹ vốn xây dựng đơn vị. Tết này, đồn không phải lo mua thực phẩm ngoài và không lo... “cháy mồi” nữa rồi!”.
 

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Đồn Biên phòng 731 lại nhộn nhịp đón các đoàn khách lên giao lưu, chúc Tết. Ảnh: B.H.M
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Đồn Biên phòng 731 lại nhộn nhịp đón các đoàn khách lên giao lưu, chúc Tết. Ảnh: B.H.M

Mới giữa tháng Chạp nhưng không khí Tết đến Xuân về đã bắt đầu lan tỏa khắp đơn vị. Đó là lúc lãnh đạo, chính quyền địa phương các cấp và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lên thăm, tặng quà chúc Tết đơn vị. Đây là thời gian rộn rã nhất ở đồn được bộ đội gọi vui là “ăn Tết trước”. Bộ đội trảy lá lộc vừng, lá mai già để lộc vừng đơm chồi, mai vàng khoe sắc đúng dịp Tết, kết hợp với chỉnh trang doanh trại xanh-sạch-đẹp. Thượng úy Phạm Minh Thuấn-Đội trưởng Vũ trang hào hứng cho biết: “Khách lên chúc Tết đồn, họ rất thích những món ăn dân dã như: cải muối xổi, hành muối chua, cà chấm mắm tôm, măng muối ớt... Bởi đó là những sản phẩm rau sạch 100%”! 

Bùi Hồng Mạnh

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.