Mùa xuân đồng nhất và quy tụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng đang rất vàng. Trời đang rất trong. Mây rất xanh. Và gió. Thênh thang gió. Cái lạnh se se sáng sớm ảo mờ như sương rất đặc trưng khiến mùa xuân Tây Nguyên không thể lẫn vào nơi nào khác.

Đấy là mùa xuân không mưa phùn gió bấc, không lạnh cắt da, không co ro xo xúi, không hùm hụp áo ấm khăn quàng. Mùa xuân Tây Nguyên mang cái khoáng hoạt của trời của đất của núi của sông và của con người như một cách  báo thức với vạn vật rằng, mùa ning nơng bắt đầu.

 

Nấu bánh chưng.
Nấu bánh chưng. Ảnh: Internet

Bằng rất nhiều sự tác động, cả chủ quan và khách quan, Tết bây giờ đã là của chung người Kinh và người bản địa Tây Nguyên. Chứ thực ra, trước kia, người Tây Nguyên không ăn Tết Âm lịch. Thường thì sau Tết Âm lịch của người Kinh thì người Tây Nguyên mới đến mùa tết của họ. Vâng cả một mùa Tết, mùa lễ hội. Ning nơng mà.

Sự hợp nhất văn hóa, hay nhỏ hơn, là phong tục, cũng gợi lên trong ta bao điều suy nghĩ. Có những cái không thể đã trở thành có thể và ngược lại.

Trong quá trình hợp nhất, giao thoa ấy, không thiếu những hệ lụy đã xảy ra và cũng không ít điều tốt đẹp đã đến.

Hơn chục năm trước thôi, ngay thị xã Ayun Pa bây giờ, trên đường con đường chính, trong khi những gia đình người Kinh tưng bừng ăn Tết thì đồng bào dân tộc thiểu số đeo gùi lạ lẫm đi ngơ ngác như không hiểu sao hôm nay mọi người lại đẹp thế, trang hoàng nhà cửa sạch sẽ tươm tất thế, phố xá rực rỡ thế…

Ba chục năm trước, mấy chàng công chức độc thân chúng tôi trốn Tết bằng cách mùng 2 đạp xe xuống làng, hưởng cái không khí… không Tết ở làng, mọi sinh hoạt y như mọi ngày, không có gì đổi khác. Chúng tôi trốn cái phố phường ồn ã, trốn cả cái buồn, cái đói, sự tủi thân của những kẻ xa nhà độc thân, xuống làng, thấy mình thư thái như chưa từng cô độc và buồn như cái đêm 30 trước đó.

Sự xích lại của phong tục, văn hóa, một mặt nó khiến cuộc sống như có vẻ thuần nhất hơn, cô đọng hơn, sự san sẻ thấm đượm hơn, mặt khác, nó biểu hiện tình cảm và ý chí của con người trước thời cuộc, sự thích nghi không thể khác để có những tiện ích, có sự hài hòa trong đời sống, khiến cái Tết như tròn đầy, viên mãn hơn...

Tết Tây Nguyên có những đặc trưng rất rõ. Nhưng giờ nó cũng đang trở nên đồng nhất trong quy tụ. Ta gặp ở đây hầu như đủ hết văn hóa phong tục từ các vùng miền. Những người con xứ Bắc mang vào dưa hành giò thủ, miền Trung lên với củ kiệu bò thưng và miền Nam là thịt kho trứng vịt nước dừa. Đấy là đặc trưng ẩm thực, còn đời sống tinh thần cũng thế. Nhớ Tết năm nào đó, giữa kinh thành Thăng Long còn khét lẹt mùi hỏa hổ, ông vua nông dân áo vải nhưng rất trữ tình Nguyễn Huệ đã cắt một cành đào Nhật Tân sai ngựa trạm xuyên ngày xuyên đêm mang về Phú Xuân tặng vợ yêu là công chúa Bắc Hà. Cái hình ảnh cành đào xuyên Việt ấy tôi tin là nó sẽ mãi mãi như sự ngưỡng vọng, sự tín chấp của tình yêu bất diệt. Giờ đào Bắc, mai Trung, cây cảnh miền Tây cũng ngập tràn chợ Tết Tây Nguyên.

 

Cũng không nhất thiết Tết phải là những cảm thức rưng rưng hoài cổ dồn lại trong vài ngày. Tết và mùa Tết giờ nó kéo doãng thời gian và cả không gian ra trong những phạm vi xê dịch lớn hơn, không cứ nhăm nhắm về quê, không cứ nhăm nhắm bịn rịn, không cứ nhăm nhắm lo mấy miếng ăn thức uống ngày Tết, rồi chợ búa rồi trữ thức ăn như cái thời cả năm chỉ ngong ngóng Tết để được... ăn... Những bộn bề bận bịu như cũng khoan hòa hơn, rộng lượng hơn để con người có thời gian ngẩng lên nhìn trời nhìn mây chứ không phải tất bật cho đến tận ngày 30 rồi mới được phủi tay ngẩng mặt lên ngạc nhiên: Ồ Tết rồi lại cắm mặt vào tất bật 3 ngày Tết, rồi lại tiếp theo những tất bật để cả năm tất bật, dẫu có những cái tất bật thỏa thuê hạnh phúc. Người Việt ta nhiều khi lại lấy sự bận rộn hy sinh làm hạnh phúc và thước đo hạnh phúc, lấy lo toan làm trách nhiệm, được thảnh thơi một chút lại thấy như là... thiếu cái gì, như là mình đang vô trách nhiệm với mình, như là mình có lỗi...

Rồi cũng quen với điều kiện sống mới, dù ngày Tết là lúc người ta hoài niệm nhiều nhất. Cứ rưng rưng xuýt xoa với những cơn lạnh xứ Bắc, cứ miên man với rỡ ràng chói lọi nắng phương Nam, hay ngay dẻo đất miền Trung sát biển cũng khiến người xa xứ thắc thỏm với những cơn gió ào ạt lật tung từng mẩu ký ức. Dân Việt là dân xê dịch nhiều nhất, chủ yếu là hành phương Nam kiếm ăn, nên Tết là dịp để mọi người rưng rưng nhớ về tiên tổ. Tây Nguyên là cái rốn của xê dịch ấy, bởi nó là đất mới hoàn toàn của những cư dân lúa nước. Người dân bản địa Tây Nguyên từ xưa không có thói quen ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, họ có hệ thống lễ Tết riêng. Và ngay cái mùa xuân đang rộn ràng kia, đặc trưng quen thuộc của nó ở xứ này cũng rất ít. Thế nhưng mà rồi, vẫn cứ tưng bừng Tết, tưng bừng Xuân từ phố đến làng. Và bây giờ thì cả Tết và Xuân cũng đã đều hợp nhất với mọi cư dân Tây Nguyên.

Đặc trưng vĩ đại nhất của con người là thích nghi. Nhờ thích nghi mà con người có thể an nhiên sống một cách có ích. Nghĩ cho cùng, được như thế là quá hạnh phúc rồi. Nên cái sự mùa xuân đến rồi đi, nó càng làm cho những khoảnh khắc ý nghĩa của đời sống thêm phong phú. Như những cái chớp mắt của đời người, mùa xuân gửi trong ta những giọt nồng nàn của tình yêu để mỗi người cảm nhận được hết cái khoảnh khắc thiêng liêng của cuộc chuyển mùa vĩ đại của tự nhiên, và con người, vừa nhỏ bé khiêm nhường, vừa lẫn trong cái cảm thức tự nhiên vĩ đại ấy để mà rồi lại tiếp tục những bước chân không mỏi trên hành trình sống của mình...

 Hoàng Hương Giang

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

(GLO)- Phát huy lợi thế là trung tâm vùng kinh tế phía Đông Nam tỉnh, sau hơn 11 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, thị xã Ayun Pa đã từng bước khai thác tiềm năng và nội lực, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

(GLO)- Năm 2018, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Ia Grai. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện, sự điều hành của UBND huyện, kinh tế-xã hội huyện vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tích cực.
Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

(GLO)- Sau 30 năm thành lập, huyện Kông Chro đã có sự phát triển mạnh mẽ, đầy hứa hẹn. Bộ mặt đô thị và nông thôn đang đổi mới từng ngày, đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được cải thiện và nâng cao.
Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

(GLO)- Sau 15 năm thành lập, kinh tế-xã hội của huyện Đak Pơ có bước phát triển vượt bậc. Đời sống người dân ngày một cải thiện. Có được kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tạo động lực giúp vùng đất thuần nông Đak Pơ phát triển mạnh mẽ.
Đất nước của những triệu phú

Đất nước của những triệu phú

(GLO)- Công quốc Monaco nằm ở một eo biển nhỏ phía Nam nước Pháp, bên bờ biển Côte dAzur, nước Pháp bao quanh 3 mặt, mặt còn lại giáp biển Địa Trung Hải. Với diện tích chỉ vỏn vẹn 2,02 km2, Monaco là quốc gia nhỏ thứ 2 thế giới (chỉ sau Vatican), dân số 38.000 người-nằm trong top 10 quốc gia có dân số ít nhất thế giới. Tuy nhỏ về diện tích và ít về dân số nhưng quốc gia này có đến 1/3 dân số là triệu phú và rất nhiều tỷ phú, không có người nghèo, được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tỷ lệ triệu phú cao nhất thế giới. Do vậy, Monaco được mệnh danh là đất nước của những triệu phú đô la.
Xã luận: Xuân khát vọng

Xã luận: Xuân khát vọng

(GLO)- Chúng ta quyến luyến chia tay năm Mậu Tuất, bước sang Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Với Gia Lai, năm Mậu Tuất 2018 ghi dấu ấn đặc biệt trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, khát vọng vươn lên chinh phục những tầm cao mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Những ngày ở Nhật

Những ngày ở Nhật

(GLO)- Trong tâm thức của người Việt hàng thế kỷ nay, Nhật là dân tộc có nhiều điều đáng học. Tư tưởng duy tân từ cụ Phan Chu Trinh và kế tiếp là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu in đậm sử sách, ăn sâu tư duy thế hệ chúng tôi. Vì vậy, được đến nước Nhật, tận thấy cuộc sống của người Nhật từ lâu là ước muốn của nhiều người.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

(GLO)- Năm qua, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã liên tục đi kiểm tra, thị sát cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Qua đó đã tăng cường sức mạnh đoàn kết, đẩy nhanh phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Xuân về trên núi

Xuân về trên núi

(GLO)- Ở xứ cao nguyên này, mưa thì dằng dặc, triền miên, nắng thì hoang hoải, kiệt cùng. Những khoảnh khắc xuân-hạ-thu-đông dường như chỉ đỏng đảnh ghé qua chớp nhoáng trong một thời khắc nào đó, mà nếu hững hờ, sẽ khó lòng mà nhận ra.
Thưởng trà và sống chậm

Thưởng trà và sống chậm

(GLO)- Yêu thích nghệ thuật trà đạo và triết lý Phật giáo, anh Võ Thanh Hưng đã quyết tâm xây dựng một không gian thưởng thức trà đúng chất xưa. Nét xưa ấy thể hiện ngay từ cái tên Hồn Gỗ của quán cho đến cách mà anh ngồi đối ẩm cùng những người trót mê đắm hậu vị ngọt mát của các loại trà Việt.