Trà Cung Đình-Những "điểm hẹn" ở Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Pleiku là nơi đa dạng những “điểm dừng chân” để nhâm nhi hương vị cà phê và các loại thức uống. Cùng với đó, những “điểm hẹn” TRÀ CUNG ĐÌNH cũng góp phần làm phong phú cho bộ mặt đời sống của Phố núi, được nhiều người chọn để giới thiệu với bạn bè, người thân và du khách gần xa mỗi khi đến với Pleiku.

Trà Cung Đình: Nét quyến rũ Cố đô!

 

Trà cung đình Thềm Xưa.  Ảnh: T.N
Trà cung đình Thềm Xưa. Ảnh: T.N

Đứng chân tại địa chỉ 15 Đồng Tiến, Thềm Xưa mang phong cách hoài cổ bởi sự hiện diện của quần thể nhà rường cổ xứ Huế thơ mộng. Nếu không có dịp ra Huế, chúng ta vẫn có thể đến đây dùng trà và chiêm ngưỡng kiến trúc nhà rường Huế. Nơi đây, ta cảm giác như được sống chậm lại với thời gian, bởi một không gian và cảnh vật đậm chất Huế. Ông  Nguyễn Văn Nông (phường Diên Hồng) tâm sự: “Tôi chọn Thềm Xưa làm điểm đến thường xuyên chính vì rất thích hợp với người có tuổi. Đó là sự yên tĩnh, lắng đọng, đặc biệt là nơi được cảm giác tìm về quá khứ cổ xưa và văn hóa kiến trúc nhà rường Huế. Đồng thời, việc dùng nhiều Trà Cung Đình sẽ rất tốt cho sức khỏe...”.

Quần thể nhà rường nằm trên khu đất vuông vắn gần 1.700 m2. Nhà và ngoại cảnh được bố trí theo lối kiến trúc truyền thống Việt xưa. Từ cổng chính đường Đồng Tiến vào với lối đi rộng có chiều sâu gần 30 mét lát bằng đá tự nhiên, hai bên có hai hàng cau cao vút. Chiếc cầu bắc qua suối nước nho nhỏ chạy quanh nhà, với đàn cá chép vàng nối đuôi nhau tung tăng. Sân có hòn non bộ và tiểu cảnh, cùng nhiều loại hoa và cây kiểng xanh tươi, đơm chồi nảy lộc, tạo không gian dịu mát, yên bình và thanh nhã của căn nhà truyền thống xứ Huế. Chủ nhân quán-ông Nguyễn Phòng giới thiệu: “Đây là mẫu kiến trúc nhà rường của làng Kim Long, Huế. Ngôi nhà được làm rất tỉ mỉ, công phu đến từng chi tiết, do chính tay 2 người thợ làng Văn Xá, xã Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế trực tiếp vào Pleiku để thực hiện trong nhiều năm…”.

Ông Phòng còn cho hay, quần thể nhà rường có quy mô gồm 4 nhà. Trong đó, ở giữa là nhà chính 3 gian 2 chái, nhà bên phải cũng 3 gian 2 chái nhưng được cách điệu giảm 2 hàng trụ ở giữa nhà. Nhà bên trái là 1 gian 2 chái. Phía sân bên trái lối vào có 1 nhà chòi hình lục giác. Nhà rường có mái lợp bằng ngói liệt, được mang từ Huế vào. Kết cấu chính ngôi nhà làm hoàn toàn bằng gỗ, có nhiều cột, rường kèo. Đặc biệt quá trình làm nhà tuyệt đối không dùng đinh mà sử dụng loại chốt bằng gỗ. Bề mặt rường nhà và kèo cũng được chạm trổ công phu, nhiều điểm uốn lượn uyển chuyển và hoa văn sắc sảo. Hệ thống cửa gỗ rất nhiều cánh nhỏ được làm kiểu cách, với dáng thanh mảnh uyển chuyển. Giữa nhà có đặt một án thờ theo truyền thống xứ Huế, tạo cho ngôi nhà thêm chất cổ kính. Quy mô nhà rường lớn hay nhỏ tùy thuộc vào số hàng cột gỗ, theo đố gỗ ở các góc nhà mà phân chia khu vực sử dụng… Bên dưới nhà chính còn có một tầng hầm làm không gian trà đạo, rất riêng tư và tĩnh lặng. Bậc thang lên xuống giữa các nhà rường được liên kết, thuận tiện di chuyển.

Cùng với bàn ghế gỗ màu đen đóng theo kiểu cổ ở xứ Huế, có lót đệm ngồi màu đỏ, trong khu vực nhà rường còn có những bộ trường kỷ cổ xưa để khách trà đạo. Đặc biệt, có nhiều bức hoành phi và câu đối được cẩn xà cừ trên gỗ, nhiều tủ trưng bày các món đồ cổ và đồ dùng gia đình cũ xưa, đồ gốm sứ cổ Bát Tràng và Chu Đậu, rất phù hợp với khách có sở thích được chiêm ngưỡng về văn hóa truyền thống Việt. Hòa cùng hương quế xông tỏa ấm trong bầu không gian thanh tịnh là âm thanh trong trẻo, du dương với những bản hòa tấu không lời chọn lọc từ dòng nhạc trữ tình của Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên, Phú Quang…, càng làm cho ta dù một lần đến đây đều có cảm xúc nhẹ nhàng, cùng những phút giây được sống chậm và tâm hồn lắng đọng hơn trong dòng chảy cuộc sống.

“Trà Cung Đình 4”: Sơn thủy hữu tình!

 

  Trà Cung Đình 4. Ảnh: T.N
Trà Cung Đình 4. Ảnh: T.N

Cùng với những địa chỉ Trà Cung Đình khá quen thuộc như 20 Lê Hồng Phong, 130 Trần Phú, Vương Cát Trà 161 Thống Nhất, tại Phố núi Pleiku còn có “Trà Cung Đình 4” được xây dựng gần đây nhất với quy mô hoành tráng tại 86B Nguyễn An Ninh. Khu vực sân mặt tiền có rất nhiều cây bon sai lớn với dáng thế đẹp-trong đó có 10 gốc mai cổ thụ, được gia chủ săn mua từ nhiều nơi, với nhiều gốc đến hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, hai bên bậc tam cấp của cổng chính đi vào còn có cặp bình trà được uốn nắn nghệ thuật từ cây cừa nước miền Tây Nam bộ, do chính tay các nghệ nhân Tiền Giang thực hiện công phu, với chiều cao hơn 2,5 mét và ngang hơn 3 mét.

Điểm đặc biệt của Trà Cung Đình 4 là thế đất rộng nằm tựa bên sườn đồi của khu vực Đức An, có mặt lưng kéo dài hơn 50 mét dọc theo bờ hồ Diên Hồng. Tại đây phóng tầm mắt qua hướng bờ hồ là không gian rộng mở với khung cảnh “Sơn thủy hữu tình”. Chiếc cầu treo nhỏ bắc qua mặt hồ trong xanh gợn nhẹ thấp thoáng dưới hàng tràm liễu rũ thơ mộng. Hai bên là sườn đồi dốc với rất nhiều cây thông xanh, đây cũng là điểm đặc biệt tạo cho Trà Cung Đình 4 có thêm bầu không khí mát mẻ, trong lành và tốt cho sức khỏe. Với không gian dịu mát và se lạnh, lúc sáng sớm còn có sương mù, cảm giác như xứ sở Đà Lạt. Ở đây còn dành nhiều chỗ cho trẻ em vui chơi khi đi cùng gia đình. Chính phong cách “mở” này đã thu hút lượng khách khá lớn thuộc mọi giới, mọi lứa tuổi…

Ngoài lợi thế tự nhiên ban tặng, điểm nhấn của Trà Cung Đình 4 là một công trình kiến trúc bề thế, có kết cấu hiện đại kết hợp với các đường nét trang trí kế thừa từ Nhật Bản, Trung Hoa. Công trình có ba tầng chính và một tầng hầm, không gian bên trong luôn ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Sự kết hợp các chi tiết kiến trúc cách điệu trong nội thất và những sắc màu chủ đạo như vàng đồng, đỏ, màu nâu gỗ, ánh đèn vàng ấm áp về đêm, cùng nhiều đồ vật quý được bài trí phù hợp, hài hòa đã tạo cho tòa nhà thêm sang trọng. Trên vách giữa có chữ “Phước-Lộc-Thọ” lớn chạm trên gỗ. Cùng với lồng đèn đỏ, rất nhiều bức tranh thủy mặc và tranh giả đồng với chủ đề “Mã đáo thành công”, “Thuận buồm xuôi gió”, “Khai hoa phú quý” được gia chủ tìm mua về từ nhiều nước. Khu vực khách ngồi có nhiều tranh sơn dầu, hình hoa sen sắc sảo đặt trên những bộ khung gỗ lớn chạm công phu. Ngoài những cặp lục bình rất lớn chọn từ các dòng gốm sứ cao cấp, điểm đặc biệt ở đây trưng bày rất nhiều đồ gỗ mỹ nghệ giá trị để khách chiêm ngưỡng như bộ gốc rễ bằng cây gõ đỏ chiều ngang 3 mét và cao 2,5 mét tạc Phật Di Lặc, bộ gốc rễ cây hương cao 3,5 mét và ngang 1,5 mét tạc ông Thọ. Những bộ bàn ghế bằng gỗ quý trị giá tiền tỷ, cùng nhiều bộ trường kỷ bằng gỗ trắc, cẩm lai…, mỗi bộ có thể trà đạo hơn 10 người.

Bà Văn Thị Ái Nữ-chủ nhân Trà Cung Đình 4 cho biết thêm: “Chuẩn bị Tết Bính Thân 2016 này, Trà Cung Đình 4 vừa xây thêm phòng trưng bày và bán sản phẩm Trà Cung Đình, bình và tách trà bằng gốm sứ cao cấp Nhật Bản, cùng đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống của Tây Nguyên để phục vụ du khách…”.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm