Những đứa trẻ thèm được nếm vị Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những đứa trẻ Việt ở trời Tây biết cả tết Tây lẫn tết ta, thế nhưng tất cả đều rất mơ hồ, sơ sài đến mức nghèo nàn trong tâm hồn của chúng.
Với những đứa trẻ “đầu trần chân đất” tối ngày chạy quanh xóm quanh làng như chúng tôi, Tết đi vào hồi ức một cách ngọt ngào đến mức đặc biệt.
Bên này khao khát, đợi chờ Tết
Tầm sau hôm đưa ông Táo về trời, mẹ tôi xếp gọn những tờ tiền lẻ đã cũ và nhàu nát để đi mua cho anh em chúng tôi bộ quần áo mới hiếm hoi trong năm. Quần áo rẻ tiền nên đường may vụng về, màu sắc đôi khi còn lem nhem đôi ba chỗ, nhưng với anh em tôi thì đó là báu vật mà mỗi ngày phải ngắm đi ngắm lại, chờ ngày mồng một để được diện vào người.
Giáp Tết, mẹ bắt đầu gói hàng chục đòn bánh tét trong khi anh em chúng tôi lụi hụi phụ giúp ba đóng mấy hàng gạch đá làm bếp ngoài trời, nấu nồi bánh chưng to đùng. Tôi và thằng em không phải “fan” bánh tét, nhưng cũng tranh nhau những miếng bánh đầu tiên vừa chín sau khi đợi từ chiều đến giữa đêm.
Sự vất vả tưởng chừng bế tắc của gia đình ông bà nội-ngoại ở mảnh đất miền Trung những năm 80 của thế kỷ trước đã đưa ba mẹ tôi trôi dạt vào miền Nam tìm một giấc mơ mới. Bôn ba bao năm xa quê hương và gia đình, Tết cũng là dịp để gia đình tôi đón đôi ba người bà con từ xa đến thăm. Khi thì bình trà với đĩa hạt dưa, lúc chum rượu với vài ba khoanh bánh tét, tụi trẻ con chúng tôi cũng hóng được vài ba câu chuyện dở dang về cội nguồn của mình.
À, Tết thể nào cũng có màn múa lân múa rồng rôm rả khắp các con đường ở quê. Trẻ con kéo ra nhìn ông Địa, ông Tề Thiên rồi đến khều khều vài cái và cười ha hả. Tụi bạn trong xóm cũng xôn xao, có đứa tờ mờ sáng đã mặc quần áo mới, băng rẫy bắp qua nhà bạn rủ đi chơi, cốt cũng chỉ để đi mua mấy món đồ chơi mà chúng đã thèm cả năm mà chưa có “lúa”.
Quan trọng hơn với tôi đó là vào dịp Tết, ba mẹ tôi không phải ra đồng làm việc từ rạng sáng đến tối mịt mới về. Chúng tôi ở nhà, có khi chơi bài cùng nhau, có khi cùng đón khách, cùng ăn uống, nói cười. Đó cũng là dịp trẻ con được dẫn đến thăm bà con, bạn bè của ba mẹ và được nghe nhiều giai thoại mà có khi đến tận chục năm sau chúng mới thấy có ý nghĩa với cuộc sống của bản thân.
Bên kia trẻ con không có Tết
Tết bao trùm tâm hồn tôi và nhiều đứa trẻ đồng trang lứa là sự đợi chờ và khao khát một điều gì đó mới mẻ. Mãi sau này trưởng thành và ra nước ngoài, dẫu không còn ngóng quần áo mới, các món ăn ngon, phong bao lì xì, hay tranh ăn miếng bánh đầu tiên với thằng em, nhưng cái cảm giác ngóng Tết của ngày nào vẫn còn rõ mồn một.
Những năm du học là lần đầu tiên trong đời tôi “không có Tết”. Tết Việt thường rơi vào những ngày nước Đức đặc quánh tuyết trắng. Tôi ngồi ký túc xá, mở vài ba bản bolero mà gia đình tôi Tết năm nào cũng nghe. Nhiều kiều bào, du học sinh tranh thủ về Việt Nam ăn Tết với gia đình, càng khiến người ở lại cảm thấy đau đáu.
Ở Tây cũng có tết. Người Đức bắt đầu chuẩn bị đón năm mới vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12. Có thể ví Giáng sinh chính là Tết của người Đức, khi người người từ khắp nơi trở về đoàn tụ gia đình, sum vầy bên những bữa tiệc ấm cúng với những món ăn, thức uống đặc trưng. Trẻ con ở Đức vào dịp Giáng sinh sẽ được người thân tặng quà bằng nhiều hình thức khác nhau; được dẫn đi mua những bộ quần áo mới, đồ chơi mới hay được mua cho những món quà bánh mà chúng mong đợi.
Các em thiếu nhi Việt Nam cùng tham gia lễ hội xuân được tổ chức tại Leipzig, CHLB Đức. Ảnh: KHANH LƯU
Các em thiếu nhi Việt Nam cùng tham gia lễ hội xuân được tổ chức tại Leipzig, CHLB Đức. Ảnh: KHANH LƯU
Thậm chí có nhiều trẻ em Đức được nhận 24 túi quà nho nhỏ được chia đều từ ngày 1 đến ngày 24 tháng 12 (vào đúng ngày Giáng sinh) và bằng nhiều cách khác nhau chúng phải tìm và khám phá từng món quà được giấu đâu đó trong căn hộ của gia đình chúng. Chúng cũng thầm ước món quà của ông già Noel và nín thở chờ đợi những điều bất ngờ sau khi đã treo đôi bít tất cạnh lò sưởi.
Vậy nhưng, cũng được sinh trưởng tại Đức nhưng rất nhiều thanh thiếu niên và trẻ em Việt Nam ở Đức “không bao giờ có Tết”. Các em biết Tết không? Có chứ! Chúng biết tết Tây lẫn tết ta qua lời kể của ba mẹ hay người thân. Thế nhưng tất cả đều rất mơ hồ, sơ sài đến mức nghèo nàn trong tâm hồn của chúng.
Cộng đồng kiều bào lớn nhưng việc hòa nhập vào môi trường tại Đức xét ở nhiều khía cạnh, như việc “đón Tết”, quả thật không hề dễ dàng. Phần đông kiều bào tại Đức làm nghề kinh doanh nhà hàng, quán ăn nhỏ, bán quần áo, bán hoa quả, bán thực phẩm hay nhu yếu phẩm. Giáng sinh là dịp họ bận tối mắt tối mũi khi lượng khách hàng thường tăng mạnh; và rất ít gia đình người Việt đón Giáng sinh theo tâm thế “ăn Tết” của cộng đồng bản địa. Vậy nên không nhiều gia đình nghỉ ngơi, trang trí nhà cửa và chuẩn bị những bữa ăn tụ họp gia đình. Cuộc sống vất vả và tâm lý “Tết của Tây” khiến phần đông người Việt không thể trao cho con em mình những niềm vui mà chúng bạn Đức đồng trang lứa được nhận.
Trong khi đó, dịp Tết truyền thống của người Việt Nam tại Đức lại càng nhạt nhòa hơn. Bởi lẽ đó là những ngày bình thường tại Đức. Nhiều gia đình cũng có bánh chưng, dưa hấu, có thắp nén hương tưởng nhớ ông bà. Nhiều hội người Việt cũng tổ chức ngày gặp mặt để bà con kiều bào chúc tụng nhau. Dẫu vậy, mọi thứ chỉ thoáng qua. Các phụ huynh chưa kịp dạy con hoàn tất cái bánh chưng với gạo nếp, thịt mỡ và lá dong để chúng biết phong tục ông bà thì tiệc đã tàn, chỉ còn sự nhớ nhung mơ hồ.
“Cô giáo hỏi ngày Giáng sinh các bạn trong lớp sẽ làm gì. Bạn thì bảo sẽ cùng gia đình đi du lịch, bạn thì khoe sẽ đón người thân về… Còn với em thì đó là ngày duy nhất trong năm bố mẹ em được nghỉ bán nửa ngày và ngoài việc nghỉ học thì em không cảm nhận được gì đặc biệt. Còn Tết truyền thống của Việt Nam, với em cũng không khác một ngày đi học bình thường. Nên suy cho cùng, em không có Tết”. Đó là lời tỉ tê của một cô gái người Việt 18 tuổi và cũng sống ngần ấy năm ở nước ngoài. Năm nào cô cũng nghe kể về Tết ta, cũng được ăn bánh chưng và dưa hấu, cũng được xem mai đào đua nở trên khắp mạng xã hội, cũng được nghe bố mẹ gọi về Việt Nam chúc tết ông bà.
Vậy nhưng trong tâm hồn cô lại chưa bao giờ có Tết.
TRẦN VIẾT CHÂU (từ CHLB Ðức) 

Có thể bạn quan tâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Chiều 26/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng đông đảo kiều bào về dự chương trình Xuân quê hương 2019, đã thực hiện nghi thức thả cá chép tại Hồ Gươm, theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhân dịp Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp hàng năm), cầu cho quốc thái dân an, đất nước thái bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Hoài niệm Tết

Hoài niệm Tết

(GLO)- Thế là tôi đã có gần 40 cái Tết với Pleiku rồi. Không biết như thế là dài hay ngắn nhỉ? Dài ngắn chả biết nhưng đã có đến 3 thế hệ nhà tôi ăn Tết ở đây. Thế hệ đầu tiên là tôi, tất nhiên. Ăn 3 cái Tết cô đơn ở Pleiku thì… lấy vợ.
Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Đối với người Việt, Tết cổ truyền không chỉ là thời khắc được quay quần bên gia đình, người thân, bạn bè mà còn là nét văn hóa truyền thống đã có từ hàng ngàn năm nay. Dù cuộc sống có bộn bề, thiếu thốn thì mỗi gia đình người Việt Nam đều cố gắng chuẩn bị một cái Tết thật vui vẻ, tươm tất nhất có thể.
Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

(GLO)- Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Năm nay, dù kinh tế còn khó khăn nhưng người dân trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đủ đầy, ấm áp.
Áo dài xuống phố

Áo dài xuống phố

Vài năm gần đây, xu hướng người trẻ mặc áo dài tại các sự kiện như lễ, tết, sinh nhật… trở nên phổ biến.
Tết gần kề, ký ức ùa về

Tết gần kề, ký ức ùa về

Fountain Valley, nơi tôi định cư trong những năm qua, mỗi khi Tết đến là những ký ức lại hiện về.Ba cái Tết rồi xa nhà, nhịp sống những ngày đầu năm mới âm lịch dường như
Phong vị Tết cổ truyền

Phong vị Tết cổ truyền

(GLO)- Tết cổ truyền là lúc sum vầy, đoàn tụ, cũng là dịp để người dân có cơ hội thưởng thức phong vị, phong tục độc đáo trong đời sống văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là ở xã Tơ Tung (huyện Kbang)-nơi tụ cư của 13 dân tộc anh em.