Nhạc sĩ Krajan Dick: "Gọi gió" về Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chả hiểu căn cứ vào đâu mà tôi cứ có ý nghĩ rằng, càng xuôi về phía Nam thì chất Tây Nguyên của người Tây Nguyên ở 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Lâm Đồng càng nhạt đi, hay chính xác là có một sự mở ra, hướng tới sự hiện đại hơn. Thì tôi cứ thấy những nhà rông càng về phía Nam càng vắng bóng, trong khi, đồ rằng, ngày xưa tất cả các dân tộc sống ở Trường Sơn Tây Nguyên đều có. Rồi thì ngay cách phối màu vải, váy khố áo và nhất là âm nhạc. Loại trừ những bài hát của các nhạc sĩ người Kinh khai thác từng khía cạnh của dân ca Tây Nguyên, còn lại các bài hát của các nhạc sĩ người Tây Nguyên mà tôi biết, chất Tây Nguyên có vẻ “mỏng” hơn khi xuối về Lâm Đồng…
 

Nhạc sĩ Krajan Dick.
Nhạc sĩ Krajan Dick.

Tôi có mang ý nghĩ (rất thiếu căn cứ, tôi tự nhận thế) ấy trao đổi với nhạc sĩ Krajan Dick khi cùng anh được VTV8 mời làm nhân vật trong một bộ phim ca nhạc mới đây tại Pleiku, thì không ngờ Krajan Dick tỏ ra tán đồng, anh bảo anh cũng cảm thấy thế!

Vậy nhưng, ở Krajan Dick, cái chất phong trần rất Tây Nguyên vẫn bật lên rất mạnh mẽ. Anh là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học-Nghệ thuật Lâm Đồng, nguyên là Phó Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng. Krajan Dick từng đoạt nhiều giải thưởng cao của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam và Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với các tác phẩm: Men tình xuân, Nồng nàn cao nguyên, Cánh sóng và chuyện tình, Lời suối gọi, Chào Mimosa, Chư Yang Sing… Trong đó, “Gọi gió” là tác phẩm đoạt giải A dành cho ca khúc xuất sắc nhất năm qua, và thú vị là, cảm hứng sáng tác lại chính ở Gia Lai.

Nhạc sĩ Krajan Dick kể: Tháng 3-2015, anh tham dự trại sáng tác do Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức tại Nha Trang. Thay vì đi thẳng xuống phố biển, anh em nhạc sĩ hẹn nhau ở Đak Lak rồi làm một chuyến xe đi dọc Tây Nguyên, qua đèo Mang Yang đi xuống Bình Định và vòng về Nha Trang. Trên xe có 4 nhạc sĩ của Tây Nguyên, đoàn dừng chân ở Gia Lai để tham dự một đám cưới họ hàng của một nhạc sĩ cùng đoàn. Đó là huyện Krông Pa-nơi được mệnh danh là “chảo lửa”. Lúc ấy đang vào giữa cao điểm mùa khô, sông Ba cạn kiệt nước, lòng sông trơ đá sỏi, cả một vùng cao nguyên khô khát... 4 nhạc sĩ đã cùng nhau hát những ca khúc của chính mình, làm nên một show diễn đặc biệt phục vụ đám cưới trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của bà con nơi đây.

Và rồi khi cảnh vật bên đường, những nếp nhà trong cái nắng khô cháy lùi dần lại phía sau, những trăn trở về đất và người Tây Nguyên bỗng trào dâng thành tác phẩm “Gọi gió” với những dòng đầy tự sự: “Hỡi gió, chiều nay cuộn về đâu/ Để vách đá chỏng chơ trần lưng rêu trụi xác xơ/ Lời ru dòng sông theo gió khàn lời/ Để Krông Pa, để Yaly lặng lẽ khát nguồn trông mưa/ Đàn nai đi hoang tìm bóng cây Jri ngày xưa bên đồi/Đàn chim bay ngang đỏ mắt đăm đăm soi tìm bóng núi”.

Nhạc sĩ Krajan Dick tâm sự: “Qua ca khúc, tôi chỉ mong muốn góp một tiếng nói để chúng ta cùng hành động gìn giữ, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống khi còn chưa muộn”. Và đó chính là lý do khiến ca khúc này chuyển tải những câu hỏi rất lớn: “Mây chặn gió nên mưa chẳng tới/ Núi chặn bóng cây chim không về/ Bao đời suối hát câu ân tình/ Nay bóng rừng về đâu”. Câu hỏi lớn vang lên lặp đi lặp lại thành điệp khúc như đánh thức trách nhiệm và lương tri trong việc bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sống, bảo tồn không gian văn hóa, không gian sống cho đồng bào Tây Nguyên.

Quen Krajan Dick cũng lâu lâu rồi, là ở vài cuộc tôi sang Đà Lạt, gặp gỡ bạn bè, anh đang là phó đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng, rồi ở vài cuộc họp chung khi anh và tôi cùng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thì cũng là gặp lớt phớt thế, chứ ngồi sâu với nhau thì chưa. Nhưng những gì anh làm cho âm nhạc, cho Tây Nguyên, thì tôi biết. Và vì thế tôi không ngạc nhiên lắm khi gặp nhau lần này anh cho biết mình đã xin nghỉ hưu non, về nhà làm du lịch. Du lịch văn hóa âm nhạc.

Hiền lành, khiêm tốn và hiểu rất sâu sắc về Tây Nguyên (nói điều này vì không phải ai là người Tây Nguyên cũng hiểu Tây Nguyên một cách thấu đáo), nhưng trên hết, Krajan Dick là một nhà văn hóa với nhiều hoài bão ấp ủ, nhiều dự định làm cho quê hương, mà việc nghỉ việc ở đoàn ca múa để về làm du lịch văn hóa ở chân núi Lang Bian cũng là một cách. Có thể lại có thêm một già làng nữa, già làng thế hệ mới của một Tây Nguyên mới, vẫn rất Tây Nguyên nhưng biết mở lòng ra tiếp thu văn minh, ứng dụng tiện nghi hiện đại vào công việc và đời sống, thân thiện và thích nghi…

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm