Hát như được trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ đều sinh ra từ làng, được học tập và trưởng thành theo nhiều cách khác nhau. Những nghệ sĩ từ làng ấy như loài chim có giọng hót trác tuyệt, cần mẫn mang tiếng hót đi muôn nơi làm đẹp cho cả thế gian. Họ hát còn như một cuộc trở về, với quê hương, với thân thuộc quanh mình.

Sơn ca của núi rừng

Những ngày này, ca sĩ Y Sih’s-Đội trưởng Đội Tuyên truyền Văn hóa (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đang bận rộn với lịch tập luyện chuẩn bị phục vụ nhân dân các xã biên giới nhân kỷ niệm ngày giải phóng đất nước. Công việc không mới, nhưng với anh, mỗi lần được hát cho đồng bào nghe luôn khiến anh tràn đầy cảm xúc và thăng hoa.

 

Từ trái sang: các ca sĩ Y Sih’s, H’Blup và Phi Ưng.                                 Ảnh: H.N
Từ trái sang: các ca sĩ Y Sih’s, H’Blup và Phi Ưng. Ảnh: H.N

Y Sih’s sở hữu giọng nam cao rất đẹp. Giọng hát ấy được rèn giũa trong môi trường chuyên nghiệp là Trường Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội, giống như viên ngọc quý được mài giũa đúng cách để phô diễn hết nét đẹp lẫn vẻ sang quý. Ngay từ những ngày còn học tập tại trường, Y Sih’s đã là học trò cưng của các thầy cô bởi tài năng, sự khiêm tốn, nghiêm túc rèn luyện. Anh tham gia nhiều cuộc thi và nhận được vô số giải thưởng từ những ngày còn đi học như: giải nhì giọng hát trẻ Hà Nội (năm 2005), chung kết tiếng hát truyền hình khu vực phía Bắc (năm 2007)... Có khả năng hát đa dạng các dòng nhạc, đặc biệt là nhạc Tây Nguyên, Y Sih’s được cố nhạc sĩ An Thuyên-khi đó là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội giữ lại trường giảng dạy, “truyền lửa” cho các thế hệ học trò sau này.

Nhưng như một chú sơn ca chỉ cất cao tiếng hót ở chính nơi chốn được sinh ra, Y Sih’s muốn được trở về để hót vang trong những cánh rừng. Với thành tích nổi trội trong trường, anh được nhiều cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang săn đón. Nhưng Y Sih’s nói với người thầy của nhiều thế hệ học trò Tây Nguyên, anh chỉ có khát vọng được trở về núi rừng để hát cho đồng bào nghe.

Y Sih’s chia sẻ: “Công tác ở môi trường quân đội, tôi được tạo điều kiện hết mức để phát huy khả năng. Tôi có cơ hội để đi biểu diễn nhiều nơi, nhất là khu vực biên giới của tỉnh, thỏa mãn mong ước ngay từ khi rời làng đi học xa”. Y Sih’s cho hay, khi đi hát phục vụ bà con, anh luôn lựa chọn kỹ lưỡng các ca khúc có ca từ mượt mà, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống, đặc biệt là những bài hát mới mang âm hưởng dân ca Jrai, Bahnar.

“Trước khi hát, mình phải hiểu được ca từ, nội dung ca khúc viết về điều gì và nhập tâm vào từng lời hát, từng nốt nhạc, đặt để hết tình cảm trong đó.  Như vậy mới đưa đến trọn vẹn cảm xúc cho người nghe”-anh nói.

Không thể kể hết những huy chương vàng trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, các cuộc thi mà Y Sih’s đã đạt được trong sự nghiệp ca hát. Với những đóng góp nổi bật ấy, năm 2014 anh được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng kỷ niệm chương trước niên hạn như một sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của anh cho sự nghiệp văn hóa.

Không qua trường lớp đào tạo như đàn anh Y Sih’s, nhưng cô gái trẻ Siu  H’Blup được đánh giá là giọng ca đầy triển vọng của làng nhạc Phố núi. Là “tay ngang” khi học ngành Tài chính-Ngân hàng nhưng H’Blup lại quyết tâm theo đuổi con đường ca hát. Cô gái Jrai thuộc thế hệ 9X được xem như một con chim họa mi với giọng hát trong trẻo, đầy nội lực.

Chị Nguyễn Thùy Dương-một đàn chị trong nghề, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch nhận xét: “H’Blup được phát hiện từ sân chơi nghệ thuật quần chúng, có năng khiếu bẩm sinh, sở hữu giọng hát đẹp, đúng chất máu lửa sẵn có của người Tây Nguyên. Nếu được thử sức và rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, giọng ca này sẽ còn tiến xa trên con đường nghệ thuật”.

H’Blup chia sẻ, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch chính là môi trường thuận lợi để cô có điều kiện trau đồi, phát huy năng khiếu. “Chính bà con đã giúp giọng hát của em trưởng thành hơn, giúp em nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Nếu có điều kiện, em muốn được tham gia vào sân chơi âm nhạc lớn như Tìm kiếm giọng hát Việt. Em sẽ chọn những sáng tác về Tây Nguyên nếu có cơ hội thử sức ở sân chơi này, để khán giả cả nước thấy Tây Nguyên đẹp và đầy khí chất. Đó cũng là cách em thể hiện tình yêu với Gia Lai, với Tây Nguyên”.

Hát như được trở về

Khi ngồi với chúng tôi trong một trưa nắng tháng 4, nhìn bướm vàng như những cánh hoa mỏng manh tô điểm trên những tàng cây xanh, ca sĩ-nhạc sĩ Phi Ưng khe khẽ hát: “Màu xanh bao la của đại ngàn/Còn nguyên trong ta những ngày xưa/Cùng em lên rẫy tay trỉa bắp/Cùng em vào rừng săn thú hoang”. Những lời hát như tìm về xưa ấy nằm trong bài Rừng hoang-một trong những sáng tác của anh vừa nhận được Giải thưởng Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ III (2010-2015). Nói về những giải thưởng của anh thì khó để đếm hết, bởi trong vai trò nào: ca sĩ, nhạc sĩ, hay hòa âm phối khí cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, anh đều gặt hái thành công, ghi dấu ấn rất riêng.

Được đào tạo bài bản về thanh nhạc lẫn sáng tác tại Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội, Phi Ưng hiện là một trong những nhạc sĩ trẻ người dân tộc thiểu số hiếm quý của Gia Lai. Không chỉ thành công trong vai trò ca sĩ (anh từng là thành viên của nhóm nhạc Bazan lừng lẫy cả nước một thời), những sáng tác của Phi Ưng mỗi khi hát lên như một cuộc trở về, hóa đứa trẻ thơ để tiếp nhận mọi thứ bằng sự hồn nhiên, vô tư của lần đầu đón nhận mọi thứ bên ngoài đưa tới. Có thể kể đến một số sáng tác nổi bật của anh như: Chuyện tình Đăm Bri, Uống rượu cần, Rừng hoang, Chăn trâu, Buổi sáng lên nương, Uống nước đầu nguồn...

“Tôi lớn lên từ một ngôi làng Jrai như bao ngôi làng khác ở Tây Nguyên. Từ nhỏ đã chăn trâu, tắm bùn, lên rẫy tỉa bắp, bắt cá dưới suối, đi săn trên rừng... những kỷ niệm ấu thơ ấy, những thứ bình dị của làng mạc đã vận vào tâm hồn mình, trở thành chất liệu, nguồn cảm hứng dạt dào để thành thơ, thành nhạc mà không cần phải tìm đâu xa xôi”-nhạc sĩ chia sẻ.

Có lẽ vì vậy mà các thế hệ trẻ Tây Nguyên sinh ra từ làng khi nghe những sáng tác của anh, thấy thấp thoáng hình bóng ngôi làng thân yêu của mình như một nơi chốn bình yên để trở về.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Phim rạp ngày ấy

Phim rạp ngày ấy

(GLO)- Những ngày qua, phim “Mai”, rồi tiếp theo là “Đào, phở và piano” khiến nhiều người “ăn không ngon, ngủ không yên”, nếu chưa xem thì cảm thấy thiêu thiếu chất gì đấy… Những điều ấy làm tôi nhớ lại chuyện xem phim ở Gia Lai-Kon Tum trong những năm đầu sau giải phóng.
Hơn 6.000 khán giả đến xem liveshow 'Người giữ mùa xuân' của Hà Anh Tuấn

Hơn 6.000 khán giả đến xem liveshow 'Người giữ mùa xuân' của Hà Anh Tuấn

Liveshow Storii Concert 02 - Người giữ mùa xuân do công ty của ca sĩ Hà Anh Tuấn tổ chức, với giọng hát của 4 "quý ông" gồm: danh ca Tuấn Ngọc, Hà Anh Tuấn, Lê Hiếu và Vũ. đã diễn ra vào hai đêm 24 - 25.2 tại Trung tâm hội nghị quốc gia - Hà Nội, thu hút hơn 3.000 khán giả mỗi đêm đến thưởng thức.
Hàng trăm tỉ đồng doanh thu phim 'Mai' của Trấn Thành trên Box Office Vietnam liệu có chính xác?

Hàng trăm tỉ đồng doanh thu phim 'Mai' của Trấn Thành trên Box Office Vietnam liệu có chính xác?

Box Office Vietnam đang được nhiều phía sử dụng, đăng tải khi tìm kiếm con số doanh thu phim hiện nay. Nhiều người thắc mắc liệu những con số trăm tỉ đang nhảy múa trên 'trang tổng hợp, phân tích dữ liệu doanh thu phòng chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam' có thực sự chính xác?