Ca sĩ Gia Lai: Thiếu những sân khấu chuyên nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với những ca sĩ ở tỉnh lẻ như Gia Lai, cơ hội phát triển nghề nghiệp dường như là con số “0” bởi sự thiếu hụt trầm trọng các sân khấu chuyên nghiệp.

Hoạt động âm nhạc mờ nhạt

Không kể những người nghiệp dư thì trên địa bàn Gia Lai hiện chỉ nổi lên một vài tên những ca sĩ quen thuộc như: Phi Vân, Y Tuấn, Siu Hblup, Minh Nguyệt, Thu Hồng, Kalin, Phi Ưng, nhóm Bazan… Họ xuất hiện với tần suất hầu như dày đặc khắp các sân khấu từ hội nghị, các sự kiện lớn nhỏ đến nhà hàng tiệc cưới. Hoạt động chạy show mặc dù không sôi động, không quá náo nhiệt như ở các thành phố lớn song đã góp phần đem lại nguồn thu nhập chính cho các ca sĩ tại Phố núi chứ không phải từ hoạt động âm nhạc đúng nghĩa ở các sân khấu. Nguyên nhân là vì các sân khấu không được đầu tư một cách thực sự bài bản và nhu cầu thưởng thức của khán giả vẫn rất chừng mực. Cho nên, dù cố gắng gắn bó theo nghiệp hát một phần là kiếm thêm thu nhập, phần khác vì đam mê nhưng những ca sĩ ở Gia Lai hầu như khó có được cơ hội để phát triển nghề nghiệp của mình.

 

Đồ họa một sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp.  Ảnh: Quang Vũ
Đồ họa một sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp. Ảnh: Quang Vũ

Là một cái tên được mến mộ và là một trong những ca sĩ đắt show ở Gia Lai, Phi Vân ghi dấu ấn trong lòng người nghe với dòng nhạc Boléro. Biểu diễn ở các sân khấu của nhà hàng, hội nghị giúp cho những người đi hát như chị có thêm kinh nghiệm sân khấu nhưng lại nghiêng nhiều về tính kinh tế hơn là nghệ thuật. “Trên địa bàn Gia Lai, các hoạt động nghệ thuật không nhiều, những người gắn với nghiệp hát như tôi chủ yếu đi hát ở các nhà hàng tiệc cưới, hội nghị, sự kiện nên hát gì, hát như thế nào đều phụ thuộc vào yêu cầu của người thuê. Vì vậy, tính chuyên nghiệp và chất lượng không cao”-ca sĩ Phi Vân giãi bày.

Bước ra từ cuộc thi Sao Mai 2005, ca sĩ Thùy Dương gắn mình với công việc tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch tỉnh và để lại ấn tượng với công chúng bằng các ca khúc truyền thống trên sân khấu của những hội nghị, hội diễn và qua các chương trình do chị dàn dựng trong công tác xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng. Tuy nhiên, sở trường của Thùy Dương là dòng nhạc thính phòng cổ điển, vốn rất kén người nghe nên khó có thể tìm được các sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp. Chị chia sẻ: “Các ca sĩ ở Gia Lai để sống được bằng việc ca hát là một việc khá chật vật bởi hoạt động âm nhạc ở Gia Lai không nhiều. Hơn nữa, đời sống, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân ở Gia Lai chưa cao, dẫn đến thiếu các sân khấu chuyên nghiệp, nên các ca sĩ cũng bị hạn chế trong việc phát triển giọng hát của mình”.

Khó hài hòa giữa kinh doanh và nghệ thuật

 

Các ca sĩ ở Gia Lai hiện rất thiếu những sân khấu chuyên nghiệp.                Ảnh: P.L
Các ca sĩ ở Gia Lai hiện rất thiếu những sân khấu chuyên nghiệp. Ảnh: P.L

Những năm gần đây, hoạt động âm nhạc trên địa bàn TP. Pleiku có phần sôi nổi hơn trước bởi sự ra đời của một số phòng trà, tụ điểm âm nhạc hay mô hình cà phê “Hát cho nhau nghe”. Một số tụ điểm hoạt động khá đều đặn và tương đối chuyên nghiệp như Hội quán Trịnh (đường Wừu), Cuội Acoustic (đường Đống Đa), Phòng trà Sesan Coffee Piano (đường Trần Hưng Đạo). Những tụ điểm này được nhiều ca sĩ, người đi hát đánh giá cao về khâu tổ chức, dàn nhạc chất lượng. Tuy nhiên để có thể duy trì hoạt động của các tụ điểm này đã là khó, chưa nói đến việc nâng cao chất lượng. Trong một cuộc trò chuyện, anh Phan Toàn-Chủ quán cà phê Cuội chia sẻ: “Không gian Cuội Acoustic được mình lập nên với mong muốn tạo một không gian âm nhạc thật sự cho những người yêu ca hát. Với mức phí thu cho mỗi đêm cũng chỉ vừa đủ chi phí cho các khâu catse cho ca sĩ, ban nhạc… chứ không tính đến chuyện sinh lời”.
 

Theo ca sĩ Cao Công Nghĩa-người vừa đạt ngôi vị Á quân cuộc thi “Thần tượng Bolero” do VTV tổ chức vừa qua thì: “Một sân khấu chuyên nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài ca sĩ hát hay, ban nhạc giỏi còn có cả âm thanh, ánh sáng và cả sự sáng tạo trong ý tưởng của người tổ chức chương trình. Các sân khấu ca nhạc ở Gia Lai đang trên đà phát triển nhưng chưa nhiều các sân khấu lớn cho các nghệ sĩ thể hiện cá tính âm nhạc của mình. Vì thế, các ca sĩ phải tự mình trau dồi, hoàn thiện, đồng thời phải tự tìm kiếm cơ hội vươn ra biển lớn, thử thách mình qua nhiều sân chơi để được học hỏi, phát triển nghề nghiệp”.

Phòng trà Sesan Coffee Piano vẫn được ca sĩ Minh Nguyệt nhắc đến là nơi đầu tiên gắn với sự nghiệp ca hát của mình. Từ phòng trà này mà tên của cô được nhiều người nhắc đến và càng ngày cô ca sĩ nhỏ càng nhận được nhiều lời mời đi diễn ở các chương trình hội nghị, sự kiện lớn, nhỏ trên khắp địa bàn tỉnh. “Dù đi diễn khá nhiều chương trình nhưng có lẽ chỉ khi hát trên sân khấu của Sesan Coffee Piano, Nguyệt mới cảm nhận được độ chuyên nghiệp thật sự. Ở đó, mỗi khi xuất hiện đòi hỏi Nguyệt phải trau chuốt giọng hát, chú ý kỹ thuật và cảm xúc nhiều hơn. Thật sự thì phòng trà Sesan Coffee Piano rất chuyên nghiệp từ cách tổ chức, dàn nhạc, ca sĩ và cả khán giả”-Minh Nguyệt chia sẻ.

Tuy nhiên, phòng trà chuyên nghiệp ấy vừa ngừng hoạt động và chuyển sang một hình thức hoạt động khác: Câu lạc bộ người yêu nhạc Sesan. Việc chuyển đổi này được những người làm âm nhạc đánh giá là đi xuống bởi Sesan Coffee Piano sau 4 năm hoạt động đã trở thành một “thương hiệu” uy tín về hoạt động ca hát không chỉ tại Gia Lai mà đã vươn ra cả ngoài tỉnh. Nói về điều đáng tiếc này, ông Nguyễn Sơn-người biên tập và trò chuyện cùng khán giả qua mỗi chương trình của phòng trà này chia sẻ: “Để có thể hài hòa giữa kinh doanh và nghệ thuật là một bài toán khó. Trước đây, mỗi chương trình của phòng trà phụ thu 80.000 đồng/người. Mức giá ấy so với các thành phố lớn là rất rẻ song lại là rào cản hạn chế người đến thưởng thức âm nhạc tại Gia Lai. Vì thế, bước chuyển tiếp từ một phòng trà sang một câu lạc bộ dù khiến nhiều người đi hát cảm thấy mất mát song lại giúp phía doanh nghiệp giải quyết được bài toán kinh tế”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Nghệ sĩ Vân Dung không diễn hài

Nghệ sĩ Vân Dung không diễn hài

Không được diễn hài đã là điều mới mẻ, Vân Dung còn lần đầu được trải nghiệm cảm giác bị đánh khi vào vai bà mẹ ghê gớm, bất chấp mọi thủ đoạn để có tiền trong phim giờ vàng “Người một nhà”.
Cuộc đua nhạc Việt: Bất ngờ lớn nhất không đến từ Sơn Tùng M-TP, Bích Phương

Cuộc đua nhạc Việt: Bất ngờ lớn nhất không đến từ Sơn Tùng M-TP, Bích Phương

Liên tục có những sản phẩm âm nhạc mới vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, cục diện âm nhạc Việt đều đạt những chỉ số khá tích cực, tuy nhiên chưa có sản phẩm nào quá bùng nổ. Sơn Tùng M-TP tạo khoảng cách lớn về chỉ số truyền thông, nhưng chưa phải là người tạo bất ngờ nhất. 
Phim rạp ngày ấy

Phim rạp ngày ấy

(GLO)- Những ngày qua, phim “Mai”, rồi tiếp theo là “Đào, phở và piano” khiến nhiều người “ăn không ngon, ngủ không yên”, nếu chưa xem thì cảm thấy thiêu thiếu chất gì đấy… Những điều ấy làm tôi nhớ lại chuyện xem phim ở Gia Lai-Kon Tum trong những năm đầu sau giải phóng.