Trịnh Công Sơn: "Một cõi đi về"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nửa sau thế kỷ XX, trong âm nhạc ở Việt Nam xuất hiện một dòng tân nhạc lạ và nó nhanh chóng trở thành hiện tượng âm nhạc, chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng không những trong nước mà cả nước ngoài. Dòng nhạc đó nổi lên gắn liền với tên tuổi Trịnh Công Sơn như một sự bột phát thiên phú mang giai điệu, ca từ rất riêng biệt, không lẫn vào đâu được. Còn tư tưởng của nhạc Trịnh bắt nguồn từ đâu? Nói như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường-người bạn học thân thiết với Trịnh Công Sơn khi còn ở Huế, thì: “… Gần như quán xuyến tất cả, âm nhạc của Trịnh Công Sơn diễn ra trong cung la thứ, chuyển tải hết cả biến cố của một đời người. Một truyền thuyết nhà Phật nói rằng về nỗi khổ của kiếp người, kinh sách Phật có đến hàng vạn cuốn, rút gọn lại trong bốn chữ: sinh, lão, bệnh, tử. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đề cập đến những điều ấy, dù không có ý định…” (Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé-Nhà Xuất bản Trẻ-2013).
 

Có thể nói, sự nghiệp âm nhạc của Trịnh chiếm phần lớn là tình ca. Những bản tình ca của Trịnh Công Sơn mượt mà, giản dị, chân thành với ca từ đẹp khiến ai nghe cũng có cảm giác đắm đuối thích ngân nga theo giai điệu gần gũi ấy. Tôi là người đam mê nhạc Trịnh dù không hiểu nhạc lý nhưng giai điệu và ca từ đó có sức cuốn hút đối với những ai có tâm trạng với một chút lãng du, một chút buồn man mác cần thể hiện, giải tỏa, dù chỉ một mình và một mình thôi. “Phải thừa nhận rằng nhạc điệu của Trịnh Công Sơn không có những biến tấu phức tạp, nhưng cực kỳ chân thành và giản dị, dễ đến với mọi người. Những ca khúc như: “Diễm xưa, Hạ trắng, Biển nhớ, Huyền thoại mẹ… đã chứng tỏ phong cách riêng của Trịnh Công Sơn” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Nhiều người tự hỏi, tại sao với tay ngang như Trịnh Công Sơn, không xuất thân từ những trường lớp âm nhạc bài bản mà có thể để lại một di sản đồ sộ với hàng trăm nhạc phẩm nổi tiếng đi vào lòng người như vậy?

Qua tìm hiểu, tôi cảm thấy nhạc Trịnh được sáng tác một cách hồn nhiên, tự phát, nhất là những bản tình ca, nó luôn gắn liền với hình ảnh một con người cụ thể nào đó với một tình yêu chân thật. Một nhà mỹ học đã từng nói, nghệ thuật đích thực chỉ có thể xuất phát từ lòng chân thành và tính giản dị của nó. Mỗi nhạc phẩm Trịnh Công Sơn ra đời thường gắn liền với một kỷ niệm trong đời. Đó là chất xúc tác làm cho tâm hồn thăng hoa và cứ thế anh ôm đàn mà hát, hát như say; giai điệu và ca từ bật ra một cách tự nhiên như được sắp xếp sẵn tự khi nào. Có thể gọi đó là sự nhập thân giữa nghệ thuật và đời mà không phải người nghệ sĩ nào cũng đạt đến mức “thượng thừa” như vậy. Người bạn đồng môn của Trịnh Công Sơn hồi học ở Trường Sư phạm Quy Nhơn đã nhắc lại hoàn cảnh ra đời của bài “Biển Nhớ”-1962 với bao trăn trở, suy tư về một người con gái đáng yêu đã đi xa. Đó là nỗi nhớ có thật với giai điệu trầm buồn và cảm xúc chân thành của người nghệ sĩ: “Ngày mai em đi/biển nhớ tên em gọi về/gọi hồn liễu rũ lê thê/gọi bờ cát trắng đêm khuya/ Ngày mai em đi/đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ/ sỏi đá trông em từng giờ/nghe buồn nhịp chân bơ vơ…”. Chất nghệ sĩ của Trịnh vừa có chút gì đó đắm đuối, ngây thơ nhưng lại vừa lãng mạn đến chân tình như một chàng thi sĩ thực thụ. Do vậy ca từ của Trịnh Công Sơn bao giờ cũng được lựa chọn một cách tự nhiên, chuyển tải được chiều sâu tâm hồn nên có thể nói, bóc đi phần nhạc thì tác phẩm của Trịnh còn lại như bài thơ, thậm chí là bài thơ, tứ thơ hoặc câu thơ hay. Nhiều nhà thơ là bạn của Trịnh Công Sơn cũng đều công nhận và nể phục “chất thơ” trong con người nhạc sĩ tài hoa ấy.
 

 Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Huế năm 1967. Ảnh: K.N.B
Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Huế năm 1967. Ảnh: K.N.B

Điều kỳ diệu là “Trời” đã sinh ra Trịnh lại còn nảy ra một người đồng hành tri kỷ, đó là Khánh Ly. Dường như thời ấy, cặp bài trùng Trịnh Công Sơn-Khánh Ly trở thành một hiện tượng luôn thu hút đối với công chúng ở các phòng trà, các nhóm du ca từ Đà Lạt đến Sài Gòn. Tất nhiên, từ ban đầu đến sau này, ca sĩ Khánh Ly không chỉ hát nhạc Trịnh nhưng có thể khẳng định rằng thành công nổi bật và tên tuổi của cô gắn liền với nhạc Trịnh. Cho đến thời hiện tại, qua hơn nửa thế kỷ, biết bao ca sĩ đã từng hát nhạc Trịnh nhưng công chúng vẫn chưa phai nhạt với giọng ca Khánh Ly đối với dòng nhạc mê hoặc này. Người ta nói, Khánh Ly hát nhạc Trịnh như cô đang kể về cuộc đời của Trịnh Công Sơn bằng âm nhạc một cách tự nhiên với sự đồng điệu tâm hồn mà cái đó ngoài Khánh Ly khó có người nào thể hiện một cách đầy ma lực như vậy.

Trịnh Công Sơn ra đời và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh triền miên rồi phân chia hai miền Nam-Bắc. Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt đã tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm đối với lớp thanh niên và tầng lớp trí thức miền Nam lúc bấy giờ. Khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước là ước nguyện chung của những người con đất Việt. Từ đó nảy sinh tư tưởng phản chiến trong nhiều thành phần nhân sĩ, trí thức miền Nam và Trịnh Công Sơn là người đi đầu với dòng nhạc phản chiến tiêu biểu. Chính điều đó, một thời nhạc Trịnh và bản thân Trịnh Công Sơn bị chính quyền Sài Gòn “truy nã” và cấm đoán khiến anh lâm vào hoàn cảnh lao đao như một kẻ vô gia cư. Đó là một thực tế của một giai đoạn lịch sử của đất nước bị chia cắt đã tác động đến tâm tư, tình cảm của một số nghệ sĩ bấy giờ. Và trong sự nghiệp sáng tác của Trịnh Công Sơn đã từng ghi đậm những dấu ấn đầy biến cố ấy một thời.

Có thể xem hiện tượng Trịnh Công Sơn trong thế kỷ XX là sự kiện đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc của Việt Nam, người ý thức rất rõ con đường mình đã chọn gắn liền với tư duy về thân phận con người và cuộc đời hữu hạn. Trong điếu văn tiễn biệt người nghệ sĩ tài danh này (4-4-2001), nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết: “Tác phẩm của anh được khán giả đón nhận như chính hơi thở của mình. Sự cống hiến của anh về tình yêu đất nước, về thân phận hữu hạn của kiếp người, Trịnh Công Sơn đã vượt lên cả số phận và định mệnh…”.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Nghệ sĩ Vân Dung không diễn hài

Nghệ sĩ Vân Dung không diễn hài

Không được diễn hài đã là điều mới mẻ, Vân Dung còn lần đầu được trải nghiệm cảm giác bị đánh khi vào vai bà mẹ ghê gớm, bất chấp mọi thủ đoạn để có tiền trong phim giờ vàng “Người một nhà”.
Cuộc đua nhạc Việt: Bất ngờ lớn nhất không đến từ Sơn Tùng M-TP, Bích Phương

Cuộc đua nhạc Việt: Bất ngờ lớn nhất không đến từ Sơn Tùng M-TP, Bích Phương

Liên tục có những sản phẩm âm nhạc mới vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, cục diện âm nhạc Việt đều đạt những chỉ số khá tích cực, tuy nhiên chưa có sản phẩm nào quá bùng nổ. Sơn Tùng M-TP tạo khoảng cách lớn về chỉ số truyền thông, nhưng chưa phải là người tạo bất ngờ nhất. 
Phim rạp ngày ấy

Phim rạp ngày ấy

(GLO)- Những ngày qua, phim “Mai”, rồi tiếp theo là “Đào, phở và piano” khiến nhiều người “ăn không ngon, ngủ không yên”, nếu chưa xem thì cảm thấy thiêu thiếu chất gì đấy… Những điều ấy làm tôi nhớ lại chuyện xem phim ở Gia Lai-Kon Tum trong những năm đầu sau giải phóng.