Cách dùng người dị biệt của HLV Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước Myanmar và Malaysia có sức tấn công mạnh, HLV Park Hang-seo sử dụng cặp tiền vệ trung tâm thiên về tấn công là Quang Hải và Xuân Trường. Nhưng trước một Campuchia thua kém khả năng đôi công với Việt Nam, ông Park lại dùng cặp tiền vệ thiên về phòng ngự là Đức Huy - Hùng Dũng.

 
Hùng Dũng được đá chính trận gặp Campuchia ngày 24.11
Hùng Dũng được đá chính trận gặp Campuchia ngày 24.11



Mâu thuẫn…

Việc dùng người của ông Park nghe có vẻ rất phi logic. Bởi thông thường trước các đối thủ có thể đem đến mối đe dọa lớn, các HLV sẽ ưu tiên sử dụng ít nhất là một tiền vệ phòng ngự ở khu vực trung tâm nhằm tăng cường khả năng đánh chặn từ xa, qua đó tránh để đội nhà bị mất đi quyền kiểm soát khu vực được xem là vô cùng quan trọng.


Tuy nhiên trước Myanmar và Malaysia - hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp tấm vé vào vòng bán kết ở bảng A với Việt Nam, ông Park lại quyết định sử dụng Lương Xuân Trường và Nguyễn Quang Hải, những tiền vệ mạnh về tấn công nhưng nhược điểm phòng ngự lại rất lớn. Bản thân ở chiến thắng 3-0 trước Lào ở ngày ra quân, HLV Park Hang-seo thẳng thắn cho rằng Quang Hải và Xuân Trường chưa thể hiện được khả năng cầm trịch trận đấu. Bộ đôi này trong nhiều tình huống đã không kiểm soát được đường chuyền và để Lào có một số tình huống tấn công trong hiệp 2.

Ưu tiên Xuân Trường và Quang Hải ở những trận đấu mà Việt Nam cần chắc chắn ở khả năng phòng ngự từ xa là vậy thế nhưng ở trận đấu với Campuchia - một đối thủ khó có thể tạo ra một sức tấn công chí ít được như Myanmar hay Malaysia, ông Park lại bất ngờ cất Xuân Trường lên ghế dự bị, đẩy Quang Hải lên hàng công và trao cơ hội cho bộ đôi tiền vệ trung tâm chuyên về… phòng ngự là Đức Huy và Hùng Dũng. Vậy đấy, ở một thế trận mà nhiều người cho rằng Việt Nam cần có một sự hỗ trợ ở tuyến 2 cho tấn công thì nhà cầm quân Hàn Quốc lại sử dụng các tiền vệ trung tâm nghiêng về phòng ngự trên phương diện lý thuyết.

...nhưng thống nhất

Cách dùng người rất dị biệt của HLV Park Hang-seo là vậy. Người ta nhìn ra những sự mâu thuẫn và khác lạ trong cách chọn lựa cặp tiền vệ trung tấm đến từ ông thầy người Hàn Quốc. Tuy nhiên sự mâu thuẫn ấy, ngược đời ấy vẫn trả về cho Việt Nam một kết quả như nhau. Đó là cả 4 trận đấu, Việt Nam đều không để thủng lưới. Dù cặp tiền vệ trung tâm Xuân Trường và Quang Hải không giỏi ở khâu đánh chặn thì họ cũng chẳng để Malaysia và Myanmar có thể chọc thủng lưới thủ môn Văn Lâm.

Ngược lại, dù Đức Huy và Hùng Dũng không tấn công tốt bằng Xuân Trường - Quang Hải song chính họ lại là người thi đấu rất nổi bật trong thời gian thi đấu trên sân. Hai trong số ba bàn thắng của Việt Nam xuất phát từ hai biên. Nhưng người hỗ trợ châm ngòi cho đợt tấn công tại hai hành lang đó chính là Đức Huy - Hùng Dũng.

 

Xuân Trường có khả năng sáng tạo nhưng hơi yếu trong phòng ngự
Xuân Trường có khả năng sáng tạo nhưng hơi yếu trong phòng ngự
 Đức Huy (bìa phải) thi đấu tạm ổn
Đức Huy (bìa phải) thi đấu tạm ổn



Trên lý thuyết, cách dùng người của ông Park là phản logic chiến thuật bóng đá. Nhưng thực tế trên sân, các tiền vệ trung tâm của ông dù mạnh về công hay thủ vẫn luôn phải đảm bảo nhiệm vụ giữ cự ly đội hình hợp lý với hàng phòng ngự và hàng tiền đạo.

Dù đội bóng có lùi hết về sân nhà hay dâng cao về phần sân đối phương thì khoảng cách giữa 3 tuyến vẫn luôn đảm bảo ở khoảng cách 10 - 15 mét. Khả năng phòng ngự khu vực theo số đông giúp Việt Nam luôn kiểm soát tốt tình hình. Và việc luân chuyển các tiền vệ trung tâm với nhau của ông Park là nhằm mục đích tìm kiếm những phương án đa dạng nhất có thể cho vòng bán kết và thậm chí là chung kết.

Trung Ninh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm